Gimo là đơn vị theo mô hình EWA ở Việt Nam gọi vốn trong 6 tháng đầu năm 2023. Ảnh: TL

 
Công Sang Thứ Sáu | 28/07/2023 11:57

Sao đổi ngôi trong thu hút dòng vốn công nghệ

Giáo dục, y tế, chứ không phải fintech, đang là các lĩnh vực thu hút dòng vốn khởi nghiệp nhiều nhất ở Việt Nam.

Khác với 5 tháng đầu năm 2022, khi dòng vốn vào các công ty công nghệ ở Việt Nam khá đa dạng từ fintech (công nghệ tài chính), thương mại điện tử, game, proptech (công nghệ bất động sản)... thì năm nay dòng vốn đang ưu ái cho các công ty EdTech (công nghệ giáo dục) và healthtech (công nghệ y tế), chiếm gần một nửa trong tổng số 12 thương vụ gọi vốn được công bố trên các phương tiện truyền thông.

Giáo dục, y tế lên ngôi

Teky là startup giáo dục cung cấp khóa học STEAM gần nhất công bố gọi vốn 5 triệu USD, nâng tổng số tiền gọi được lên 10 triệu USD sau 7 năm thành lập. Teky gọi vốn không lâu sau khi một đơn vị giáo dục khác là MindX cũng công bố huy động thành công 15 triệu USD, nâng tổng vốn huy động được gần 18 triệu USD kể từ khi thành lập vào năm 2015.

 

Trước đó, vào tháng 4/2023, Đại Trường Phát (chiếm 30% thị phần sách giáo khoa tiếng Anh của Việt Nam) huy động được 8 triệu USD đổi lấy 35% cổ phần từ tập đoàn giáo dục Nhật Gakken Holdings. Cùng thời điểm, Prep (chuyên cung cấp khóa học trực tuyến và giải pháp thi thử như IELTS, TOEIC...) huy động được 1 triệu USD vòng hạt giống.

Tuy nhiên, ngôi sao sáng nhất là công ty phân phối sỉ dược phẩm Buymed, với 51,5 triệu USD. Trước đó, một startup y tế khác là Medigo cũng công bố huy động 2 triệu USD. Buymed tạm thời chiếm ngôi huy động vốn lớn nhất trong nửa đầu năm 2023 từ F88, với 47 triệu USD. Đây cũng là năm đầu tiên kể từ năm 2021 các công ty fintech vuột mất vị trí này. “EdTech và healthtech đang được quan tâm vì tác động tích cực đến xã hội của nó”, Giám đốc một quỹ đầu tư nói với NCĐT.

Thực tế, cả 2 ngành này đều góp mặt trong các bảng xếp hạng gọi vốn ở Việt Nam trong 3 năm trở lại đây với số tiền huy động thuộc Top 3. Việc dòng vốn rẻ không còn đã khiến cả 2 càng được chú ý hơn so với ngành tài chính vì nhu cầu luôn nóng ở thị trường Việt Nam.
 
Những tín hiệu ngầm

Fintech có thể sẽ đánh mất vị trí nam châm hút vốn trong thời gian tới khi các mô hình từng được kỳ vọng tạo ra sự đột biến cho các nhà đầu tư đang bị ảnh hưởng rất lớn từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Sau trào lưu ví điện tử, 2 mô hình đang rất nổi gần đây là kết nối ngân hàng ứng lương linh hoạt cho nhân viên (Earned Wave Access - EWA) và mua trước trả sau (Buy now pay later - BNPL). Với BNPL, nhiều chính phủ đang đưa nhóm này vào quản lý vì những e ngại liên quan đến nợ xấu. Mới đây, Chính phủ Úc cho biết sẽ điều chỉnh các dịch vụ BNPL như một sản phẩm tín dụng tiêu dùng theo luật mới. Tại Singapore, công ty vi phạm các quy định quản lý sẽ bị loại khỏi sổ đăng ký BNPL và bị mất dấu hiệu tin cậy.

Tương tự với EWA, dù chưa bị đưa vào diện giám sát như BNPL và được rất nhiều công ty toàn cầu xem là chương trình phúc lợi cho nhân viên nhưng ranh giới tốt và xấu của mô hình này quá mong manh. Một số chuyên gia lo ngại khả năng tiếp cận tiền lương kiếm được sớm có thể khiến một bộ phận người tiêu dùng trở nên quá phụ thuộc vào EWA và gánh nhiều khoản nợ hơn mức họ có thể trả trên thực tế. Điều này đặc biệt đúng đối với những người tiêu dùng có thu nhập thấp hoặc những người đang phải sống bằng đồng lương, vì EWA có thể khuyến khích một chu kỳ vay mượn khó phá vỡ.

Gimo là đơn vị theo mô hình EWA ở Việt Nam gọi vốn trong 6 tháng đầu năm 2023. Các công ty như Gimo có thể sẽ không dễ dàng tiếp cận nguồn vốn trong năm nay. BNPL có thể cũng cùng chung kết quả, nhất là khi gần đây Chính phủ Việt Nam chấn chỉnh lại hoạt động các công ty cho vay tiêu dùng và sandbox cho các fintech như vậy ở Việt Nam vẫn chưa rõ ràng.

Một ngành đang gây chú ý hiện nay là trí tuệ nhân tạo (A.I) sau trào lưu ChatGPT. Theo ông David Do, Tổng Giám đốc Quỹ VIG, các công ty A.I thành lập 2-3 năm trở lên, có sản phẩm nhất định sẽ có cơ hội nhận đầu tư nhiều hơn. Nhóm mới mở, chưa có sản phẩm sẽ ít cơ hội hơn. Nhìn chung, ứng dụng A.I trong các ngành B2B như hỗ trợ nhân viên bán hàng, hỗ trợ học tiếng Anh sẽ có nhiều lợi thế trong thời gian tới.

Một xu hướng nữa là đầu tư vào deep tech (công nghệ chuyên sâu), phần cứng và giải pháp môi trường. Bà Ngô Thùy Ngọc Tú, Giám đốc Quỹ Touchstone Partners, cho biết hiện Quỹ đã hợp tác với chương trình Block71 (Becamex) để hỗ trợ các nhà sáng lập deep tech và phần cứng. Năm 2021, Touchstone Partners đầu tư 1 triệu USD vào Selex Motors, một công ty khởi nghiệp phát triển và sản xuất xe máy điện cho giao vận và hệ thống trao đổi pin thông minh. Selex đã huy động được 5 triệu USD và đang hợp tác với Viettel Post, Lazada Logistics và Baemin nhằm điện hóa đội xe giao hàng và thiết lập các trạm đổi pin trên toàn quốc.

“Chúng tôi cũng tiếp cận với các đối tác đại học và tổ chức nghiên cứu tại Việt Nam, Singapore và Nhật để phát triển hệ sinh thái deep tech. Mục tiêu là thương mại hóa các dự án nghiên cứu và phát triển từ các trường đại học và phòng thí nghiệm và giới thiệu cho sinh viên, nghiên cứu sinh về con đường sự nghiệp với các startup deep tech”, bà Tú cho biết.

 

Trong khi đó, y tế, giáo dục có thể tiếp tục là thỏi nam châm thu hút dòng vốn đầu tư. Vì theo bà Hoàng Thị Kim Dung, Giám đốc Quốc gia Genesia Ventures Việt Nam, các ngành thiết yếu trong cuộc sống như ăn uống, y tế, giáo dục có thể ít bị ảnh hưởng so với các ngành khác, tổng vốn huy động có giảm nhưng không quá mạnh. Cơ hội vẫn đến với các startup có sản phẩm tốt, có dòng tiền nằm trong nhóm này. 
Ngược lại, các ngành không thiết yếu như du lịch, giải trí, thời trang, đầu tư, thanh toán, tài chính... hoặc các ngành cần vốn rất nhiều ở thời điểm đầu để đầu tư cơ sở vật chất, thu hút người sử dụng... sẽ khó khăn hơn.

“Trong bối cảnh hiện nay, nhà đầu tư sẽ tìm các startup có thể tạo ra dòng tiền mà không phụ thuộc vào dòng vốn bên ngoài. Xu hướng này có thể kéo dài đến hết năm sau”, bà Dung nói.