Một nhà kinh doanh đồ chơi chuyên nghiệp phải đảm bảo cơ sở hạ tầng từ quy mô vừa đến lớn.

 
Thứ Hai | 01/08/2022 16:53

Ngày xửa ngày xưa...

Khi hàng ngoại nhập dần trở nên quen thuộc với cuộc sống của người dân, một vài lĩnh vực nội địa dường như chỉ còn là "Ngày xửa ngày xưa...".

(Bài viết được thực hiện vào năm 2007.)

Vài năm trở lại đây, trong khi làn sóng đầu tư vào ngành giải trí phục vụ người lớn bắt đầu tăng tốc, thì ở mảng đầu tư cho thiếu nhi lại còn khiếm tốn.

Nam Hoa & Câu chuyện đồ chơi 

Dạo quanh vài chục cửa hàng đồ chơi tại TP.HCM, bất kỳ bậc cha mẹ nào cũng dễ nhận ra rằng, các mặt hàng tuy rất đa dạng nhưng hầu hết đều mang nhãn mác nước ngoài. Trong khi đó, các loại đồ chơi Việt Nam nằm khiêm tốn ở một góc kệ, không tem, bao bì tạm bợ trong các gói nylon, nhãn mác mờ nhạt, màu sắc không bắt mắt. Phần đông các chủ cửa hàng đồ chơi cho biết, 95-97% sản phẩm của họ nhập từ nước ngoài và chỉ có 3-5% hàng nội bán cho “con nít nhà nghèo” (chữ dùng của các chủ cửa hàng). 

Theo Tổng cục Thống kê, tỉ lệ trẻ em từ 1-14 tuổi chiếm 26,26% trên tổng số hơn 83 triệu dân Việt Nam. Trung bình, trẻ em Việt Nam mua khoảng 7,4 triệu USD (gần 1.200 tỉ đồng) đồ chơi mỗi năm. Như vậy, 1.200 tỉ đồng đó hiện nay gần như đã nằm trọn trong tay các thương hiệu nước ngoài. 

Đầu tư thế nào cho hiệu quả là câu hỏi không thể có ngay lời đáp, vì chưa có mô hình kiểu mẫu tại Việt Nam trong ngành này để tham chiếu. Tuy nhiên, có thể xem Nam Hoa, một công ty Việt Nam chuyên sản xuất đồ chơi bằng gỗ thành lập từ năm 1993, tự đầu tư ban đầu bằng số vốn ít ỏi và dần phát triển là một ví dụ. Năm 2004, khi đạt đến quy mô vừa, công ty này đã kêu gọi vốn từ Quỹ Mekong Capital (chiếm 25% vốn cổ phần Nam Hoa) nhằm phát triển và mở rộng sản xuất.

Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Nam Hoa tiên phong dẫn đầu thị trường tại Việt Nam cung ứng và sản xuất các đồ chơi bằng gỗ tự nhiên.
Công ty Cổ phần Sản xuất và Thương mại Nam Hoa tiên phong dẫn đầu thị trường tại Việt Nam cung ứng và sản xuất các đồ chơi bằng gỗ tự nhiên.

Một nhà kinh doanh đồ chơi chuyên nghiệp phải đảm bảo cơ sở hạ tầng từ quy mô vừa đến lớn. Để tạo ra 30.000 đơn vị sản phẩm mỗi tháng, phục vụ cho xuất khẩu và trong nước, Nam Hoa phải xây dựng 2 nhà máy riêng biệt với tổng diện tích 10.500 m2 và 400 công nhân. Nhà máy thứ nhất có diện tích 4.000 m2 với 200 công nhân gồm phân xưởng chuyên cắt định hình, cưa, khoan, đánh bóng sản phẩm, một kho chứa hàng và văn phòng. Nhà máy thứ 2 có diện tích 6.500 m2 với 200 công nhân gồm phân xưởng in, sơn, lắp ráp, một kho chứa và văn phòng.

Tuy nhiên, dù với quy mô và công suất như vậy, Nam Hoa cũng chỉ đạt doanh thu ở mức 4-5 triệu USD/năm. Ông Ngô Văn Hòa, Tổng Giám đốc Công ty, cho biết, cơ hội để phát triển thêm thị trường còn rất tiềm năng. Thị trường Mỹ, châu Âu và nhất là Việt Nam hoàn toàn có khả năng nâng mức tiêu thụ thêm từ 3-5 triệu USD/năm. Trên cả 2 thị trường xuất khẩu và nội địa, Công ty Nam Hoa ước tính doanh thu sẽ tiếp tục tăng, đạt đến 10 triệu USD (năm 2010). Và để đạt được mục tiêu này, họ phải cần thêm 40-50 tỉ đồng để mở rộng diện tích nhà máy và trang thiết bị. 

Mặt khác là vấn đề nhân sự. Nhân sự quan trọng nhất trong ngành đồ chơi là bộ phận thiết kế. Họ là những người sáng tạo ra các mẫu đồ chơi vừa mang tính giáo dục, vừa đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn.

Ông Hòa bộc bạch: “Trẻ em luôn thích đồ chơi mới, đòi hỏi các nhà thiết kế phải không ngừng sáng tạo. Việc đầu tư nghiên cứu, phát triển một sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn an toàn tốn nhiều công sức và tiền bạc nhưng doanh số bán một sản phẩm lại không lớn, do phải thay đổi mẫu mã liên tục để hấp dẫn trẻ em. Theo tôi, đầu tư nhân lực thiết kế là quan trọng nhất”. Vì vậy, Nam Hoa đã tìm đến Jorn Martin Steenhold, nhà nghiên cứu và phát triển sản phẩm của Lego Group, hợp tác huấn luyện bộ phận thiết kế và kỹ thuật cho Nam Hoa. 

Trăn trở của nhiều doanh nghiệp trong ngành này là nếu muốn phát triển thương hiệu đồ chơi thiếu nhi tại thị trường nội địa cần phải có sự hỗ trợ trước tiên từ phía Nhà nước.

Đó là chính sách ưu đãi dành riêng cho ngành hàng đồ chơi mang tính giáo dục như ưu đãi thuế (hiện nay, thuế giá trị gia tăng cho thị trường nội địa là khá cao, đến 10%), được hỗ trợ các điều kiện tái đầu tư phát triển thông qua việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, nhằm đủ sức cạnh tranh về giá với hàng Trung Quốc. Ngoài ra, chi phí giám định các tiêu chuẩn an toàn và đăng ký mẫu mã độc quyền còn khá cao, làm cho các nhà sản xuất không còn lợi nhuận cũng như chi phí tích lũy để tiếp tục nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới.

Phan Thị & Thần Đồng Đất Việt 

Khoảng giữa những năm 1990 là thời kỳ đánh dấu sự lên ngôi của truyện tranh Nhật tại Việt Nam. Vào lúc đó, trong lúc không có được một đầu truyện tranh thiếu nhi Việt Nam có giá trị, thì các ông lớn ngành xuất bản trong nước đã phải “mua xe để chở tiền” do kinh doanh quá thuận lợi truyện tranh có bản quyền từ nước ngoài, đặc biệt là "Đô-rê-mon" của Nhật. Lứa tuổi mẫu giáo đến lớp 7 (5-12 tuổi) là đối tượng chính của truyện tranh. Nhìn tổng quan từ thị trường này, cán cân có hơi nghiêng về nhóm truyện xuất xứ nước ngoài.

Thực tế, 97% thị phần thuộc về các nhà xuất bản hoặc công ty tư nhân Việt Nam không có ý định đầu tư thương hiệu truyện tranh cho riêng mình mà chỉ mua bản quyền từ nước ngoài, 3% dành cho một số ít công ty tư nhân có khuynh hướng tạo dựng thương hiệu riêng, đơn cử như Công ty Phan Thị với bộ "Thần Đồng Đất Việt". Phan Thị tiết lộ, họ chỉ có thể cung cấp tối đa 5 đầu truyện tranh mỗi tháng, so với gần 100 đầu truyện tranh của Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ do các nhà xuất bản Việt Nam mua lại, dịch và phát hành.

"Thần Đồng Đất Việt" ra đời vào năm 2002, giữ kỷ lục phát hành trong truyện tranh Việt Nam.

Tuy nhiên, bà Phan Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Công ty Phan Thị, bộc bạch: “Nếu họ (nhà xuất bản nước ngoài) tạo dựng được thương hiệu truyện tranh và bán cho chúng ta, thì tại sao chúng ta không tạo bản quyền để bán hoặc trao đổi với họ, cũng là cách “tấn công” vào 97% thị phần còn lại”. 

Tuy nhiên, nếu chọn mua bản quyền, nhà đầu tư (bên mua) chịu ít rủi ro hơn do mua lại bản quyền từ các truyện đã được độc giả yêu thích. Với một tựa truyện đang “hot”, bên bán sẽ đề nghị nhà đầu tư trả chi phí bản quyền bằng 6-10% giá trị sách (giá trị sách = giá bán x số lượng bản in). Song, nhiều nhà đầu tư Việt Nam cho biết, bên bán thường “ép” họ chấp nhận một số lượng bản in rất cao, khoảng 100.000-300.000 bản/tựa truyện. Đây là một trong những lý do vì sao một số doanh nghiệp tư nhân hạn chế mua bản quyền và cố gắng xây dựng thương hiệu bằng nội lực của chính mình.

Một tập truyện tranh tự đầu tư từ A-Z “ngốn” chi phí in ấn là 40% giá trị sách, phát hành là 30%, bản quyền tác giả là 10%, quản lý phí nộp cho nhà xuất bản là 5%, thuế là 5% và phí quản lý công ty là 5-7%. Như vậy, nhà đầu tư chỉ còn 3-5% lợi nhuận từ mỗi tập truyện. Tuy nhiên, với đặc thù ngành này, không thể đầu tư theo kiểu “ra số nào, ăn số đó”. Phan Thị cho biết, họ phải hoàn tất tập thứ 10 mới dám phát hành tập đầu tiên để phòng ngừa rủi ro cạn đề tài hoặc họa sĩ bỏ ngang. Bình quân 300.000 đồng/trang vẽ cho họa sĩ. Vẽ 10 tập, mỗi tập 90 trang thì chi phí vào khoảng 27 triệu đồng. Cộng với thù lao kịch bản khoảng 3 triệu đồng cho tác giả, chi phí đã lên đến tròn 30 triệu đồng.

Rủi ro có thể xảy ra là nếu hoàn tất 10 tập mà nhà đầu tư cảm thấy không hấp dẫn, hoặc phát hành vài tập đầu không hiệu quả thì phải dừng ngay, nếu không muốn chứng kiến thua lỗ. Nhưng nếu có được một kịch bản truyện tranh hay sẽ tạo được tiếng vang lớn và doanh thu không nhỏ, do được tái bản nhiều lần. “Tái bản 1-2 lần đã có thể triệt tiêu những chi phí ban đầu và tất nhiên càng nhiều lần tái bản, lợi nhuận sẽ càng cao”, bà Mỹ Hạnh chia sẻ. 

Tại sao "Thần Đồng Đất Việt" vẫn tạo được lợi thế trước "Đô-rê-mon" hay nhiều truyện tranh thiếu nhi có xuất xứ nước ngoài? Đó là nhờ chiến lược đầu tư ý tưởng. Công ty Phan Thị cho biết, họ không chủ trương xây dựng cốt truyện, nhân vật theo mô-típ của truyện tranh nước ngoài. Không siêu nhân, không phép thuật mà thay vào đó là những hình tượng nhân vật trí tuệ trong chất liệu văn hóa Việt Nam.

Ngoài đầu tư ý tưởng kịch bản còn phải đầu tư ý tưởng cho họa sĩ. Khi viết một tác phẩm văn học, chỉ cần ý tưởng và một cây bút. Nhưng khi làm truyện tranh, ngoài cốt truyện hấp dẫn phải cần họa sĩ giỏi để chuyển tải trọn vẹn câu chuyện ấy. Chẳng hạn, nếu một tác phẩm văn học chỉ cần trích một câu nói bình thường: “Cậu bé tức giận ném hòn đá”, thì khi vẽ truyện tranh, 10 họa sĩ phải diễn tả cậu bé ấy ở 10 góc độ khác nhau. Cuối cùng, chọn ra một nét vẽ có thể làm hài lòng độc giả nhí nhiều nhất!

Bên cạnh ý tưởng thì nhân lực cũng đóng vai trò chủ đạo trong lĩnh vực này. Trong khi Nhật đang sở hữu hơn 30.000 họa sĩ chuyên vẽ truyện tranh, góp phần mang về lợi nhuận khổng lồ cho ngành công nghiệp này thì ở Việt Nam, quanh đi quẩn lại chỉ có vài cái tên như Lê Linh, Mai Rừng… Hiện nay, một trường đại học tại TP.HCM cũng đã nắm bắt được sự phát triển của ngành này, mở khoa đào tạo họa sĩ vẽ truyện tranh, song vẫn không thể đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp do “thiếu về lượng, yếu về chất”.

Vì thế, một số ít công ty tư nhân đang lên kế hoạch tuyển dụng, đào tạo những tài năng trẻ, cả kịch tác gia lẫn họa sĩ. Với Phan Thị, ngoài việc sử dụng cộng tác viên, Công ty còn xây dựng lực lượng viết kịch bản cơ hữu là 6 người, họa sĩ 12 người, đồ họa vi tính 12 người để… khi cần là có. Mặt khác, từ năm 2007, công ty này cũng đã đưa nhân lực có tiềm năng đi tập huấn nghiệp vụ tại nước ngoài.

“Với 2 chìa khóa là ý tưởng và nhân lực, thiếu 1 trong 2 xem như nhà đầu tư chưa biết cách làm truyện tranh cho thiếu nhi”, bà Mỹ Hạnh khẳng định.

Thái Dương & Ngày xửa ngày xưa 

Hiện nay, gần như chỉ có 3 ông lớn là sân khấu Idecaf, Kịch Phú Nhuận và Kịch Sài Gòn ở TP.HCM tham gia lĩnh vực kịch cho thiếu nhi. Vào Chủ nhật hoặc các ngày lễ, mỗi sân khấu dù tăng hết công suất cũng chỉ đáp ứng nổi nhu cầu cho tối đa là 2.000 thiếu nhi, trong tổng số hơn 2 triệu thiếu nhi tại TP.HCM. Công ty Sân khấu và Nghệ thuật Thái Dương, đơn vị đang “làm mưa làm gió” với chuỗi chương trình kịch “Ngày xửa ngày xưa”, được xem là mô hình tư nhân đầu tư chuyên nghiệp duy nhất vào lĩnh vực kịch thiếu nhi. Nhưng chỉ 1-2 doanh nghiệp như vậy là quá ít. 

Chuỗi chương trình kịch
Chuỗi chương trình kịch "Ngày xửa ngày xưa".

Ngay cả những trung tâm văn hóa lớn như Hà Nội, Huế, Cần Thơ cũng chưa có đơn vị Nhà nước hoặc tư nhân nào hoạt động chuyên về lĩnh vực này, nếu có cũng chỉ mang tính chất mùa vụ, manh mún. Ông Huỳnh Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Thái Dương, người có 25 năm kinh nghiệm làm kịch thiếu nhi và 10 năm đầu tư vào sân khấu kịch cho người lớn, khẳng định: “Ngoài TP.HCM, loại hình giải trí này bị “bỏ hoang” từ Móng Cái cho đến Cà Mau”. Ông cho biết khi lưu diễn ở các tỉnh, thành phố khác, Công ty chỉ đáp ứng tối đa 2.000 vé cho một suất diễn. Còn lại cả chục ngàn em khác dù rất háo hức xem nhưng không có vé. Lĩnh vực này hứa hẹn “tăng nhiệt” và mở ra một cơ hội tốt cho nhà đầu tư nhìn từ 3 yếu tố thị phần, khả năng cạnh tranh và nhu cầu thực tiễn.

Một vở kịch cho người lớn diễn tại rạp có mức đầu tư từ 40 triệu đồng trở lên (chỉ tính phần cứng là cảnh trí, phục trang, âm nhạc), trong khi với trẻ em là từ 80-120 triệu đồng. Nếu tính trung bình 30 suất cho một vở kịch thiếu nhi thì các chi phí phần cứng vừa nêu, cộng với thù lao diễn viên là vỏn vẹn 1,3 tỉ đồng. Một vở kịch thiếu nhi quy mô vừa do Thái Dương thực hiện có thời gian sống trung bình là 30 suất, mỗi suất 300 khán giả, kéo dài trong 3 tháng. Với nhà đầu tư chuyên nghiệp cho thiếu nhi như Thái Dương thì để đủ “sở hụi”, họ phải thực hiện trung bình 2 vở quy mô vừa mỗi năm với công suất 30 suất/vở tại các nhà hát lớn. Bên cạnh đó là 3 vở nhỏ diễn hằng tuần tại các sân khấu mini và diễn thường xuyên tại trường học theo đơn đặt hàng.

Ngoài chi phí vốn, nhân lực cũng đóng vai trò chủ đạo. Một vở kịch quy mô vừa cho thiếu nhi cần khoảng 70 diễn viên, trong đó diễn viên thường trực khoảng 45 người (gấp 3-5 lần nhân sự cho kịch người lớn). Chi phí thù lao cho diễn viên thường trực là sự thỏa thuận giữa nhà đầu tư và diễn viên. Ông Tuấn chia sẻ: “Tiêu chí tìm diễn viên của tôi trước hết phải là người có tâm với thiếu nhi. Nếu diễn viên đòi “cát-sê” quá cao thì kéo theo giá vé cao, khán giả sẽ giảm bớt và nhà đầu tư sẽ không thể tiếp tục kinh doanh. Vì thế, truyền nhiệt huyết cho diễn viên và để cho anh em hiểu khía cạnh này là cách giúp họ làm việc hăng say và giữ họ tốt nhất!”

Với những vở kịch được đầu tư kỹ lưỡng, lợi nhuận thu về bằng 50% chi phí đầu tư. Ông Tuấn cho biết: “Không ít vở kịch thiếu nhi của chúng tôi thu được lợi nhuận rất tốt. Cũng có những vở hòa vốn. Nhưng với lĩnh vực này, không lỗ xem như là lời. Lời về mặt thương hiệu. Và quan trọng là chúng tôi đang làm văn hóa!”.

 

Ông Tuấn cũng lưu ý 2 hạn chế cho nhà kinh doanh khi đầu tư vào lĩnh vực này. Ông nói: “Làm kịch thiếu nhi là phải tạo ra những câu chuyện hư cấu. Tuy nhiên, một số phụ huynh cho rằng, không nên hư cấu quá nhiều sẽ gây phản giáo dục”. Thực tế, ở kịch thiếu nhi nước ngoài, diễn viên ít đối thoại, nhà kinh doanh có khả năng đưa kỹ thuật âm thanh, ánh sáng, âm nhạc hoành tráng để tạo sự lôi cuốn, làm khán giả quên mất tính hư cấu trong vở diễn. Trong khi đó, kịch thiếu nhi Việt Nam dùng tài năng diễn xuất của diễn viên là chủ yếu, phải hư cấu đủ kiểu để giữ chân các em, nếu không sẽ khó lôi cuốn”.

“Mặt khác, đầu tư cho thiếu nhi cũng là đầu tư cho người lớn, bởi lẽ người lớn quyết định chi tiêu cho con trẻ. Vì thế, trong công tác tiếp thị thương hiệu, ngoài việc hướng đến thiếu nhi với những hình ảnh ngộ nghĩnh, vui tươi còn phải thể hiện tính giáo dục nghiêm túc và sự đầu tư kỹ lưỡng trong chất lượng. Có như vậy, sự đầu tư mới trở nên toàn diện và đạt hiệu quả nhất. Điều này không phải dễ dàng cho các nhà đầu tư!”, ông Tuấn tiếp lời.