Một show quốc tế tại Việt Nam. Ảnh: HAY Fest.
Việt Nam: Điểm đến mới cho các ngôi sao quốc tế?
Thị trường chuyên nghiệp hơn
Trước Westlife, nhiều ngôi sao khác như Richard Clayderman, Kenny G, Steve Aoki... cũng chọn Việt Nam làm điểm dừng chân dù quy mô buổi diễn nhỏ hơn. “Sự kiện Westlife lần này và trước đó là đêm nhạc của Black Pink với gần 68.000 vé được bán ra là tín hiệu vô cùng tích cực cho thị trường biểu diễn tại Việt Nam”, một nhà sản xuất âm nhạc nhận định.
Từ đầu năm 2023, Việt Nam liên tục trở thành điểm đến của nhiều nghệ sĩ quốc tế như CL (2NE1), EXO, Aespa, Ronan Keating... Các nhãn hàng, đơn vị tổ chức sự kiện trong nước cũng không ngại chi tiền khủng để mời các ngôi sao biểu diễn. Từ Charlie Puth, DElight Party của 2 thành viên Super Junior Dong-hae và Eun-hyuk đến dàn nghệ sĩ K-pop nổi tiếng Super Junior - L.S.S, Chanyeol của EXO, Yugyeom của AOMG & GOT7... xuất hiện tại TP.HCM cho Wow K-Music Festival.
Với tầng lớp trung lưu dự kiến chiếm 26% dân số vào năm 2026, không ngạc nhiên khi nhu cầu thưởng thức âm nhạc làm giàu cuộc sống tinh thần của người Việt ngày càng gia tăng. “Việc khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ chấp nhận chi vài triệu đồng để mua vé thưởng thức show cho thấy sức hấp dẫn của thị trường”, bà Trang Nguyễn, nhà sản xuất từng liên kết tổ chức đưa sao quốc tế đến Việt Nam, chia sẻ. Xu hướng này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Thực ra, trong quá khứ Việt Nam từng có nhiều chương trình có sao quốc tế bị hủy show vào phút cuối như show của Ariana Grande (2017), show của Lee Min-ho (2003), show của “ông hoàng tình ca” Peabo Bryson (2015) hay show của Psy (2015)...
Nguyên nhân hủy show chủ yếu là do không bán được vé trong khi kinh phí tổ chức quá cao như show của Ariana Grande (2017) có giá vé từ 790.000 đồng đến 4,9 triệu đồng, vé VIP giao lưu ca sĩ gần 16 triệu đồng; show Rain’s Coming (2007) có giá từ 250.000 đồng đến 2,5 triệu đồng, quá cao so với túi tiền của người hâm mộ chủ yếu thuộc lứa tuổi sinh viên, học sinh tại thời điểm đó. Nhà tổ chức sau đó giảm giá nhưng vẫn không lấp đầy được buổi diễn. Tương tự, show của Backstreet Boys (2011) cũng không khả quan dù đại hạ giá.
Việc hủy show không chỉ khiến nhà tổ chức thiệt hại về kinh tế mà suốt một thời gian dài làm ảnh hưởng đến uy tín của thị trường biểu diễn Việt Nam. Bên cạnh các yếu tố khác chưa hoàn thiện như cơ sở hạ tầng, thiếu sự liên kết từ các công ty, tổ chức biểu diễn, khách sạn, hàng không và du lịch..., tất cả biến Việt Nam thành “vùng trũng” của thị trường biểu diễn trong khu vực Đông Nam Á suốt hàng chục năm qua. “Những cú ngã trước đó đã mang đến cho các nhà tổ chức show Việt Nam nhiều bài học sâu sắc trong việc thỏa thuận, làm việc với nghệ sĩ cũng như những ràng buộc liên quan đến tài chính, các yêu cầu trong việc vận hành show diễn”, bà Trang nói.
Nhưng như bà Trang nhận định, các nhà tổ chức trong nước nay đã chuyên nghiệp hơn khi có sự đầu tư, khảo sát từ thực tế thị trường cũng như tìm hiểu rất kỹ các ngôi sao trước khi quyết định tổ chức show và đưa ra giá vé. Đây là một lý do cho thành công của các show diễn gần đây.
Hệ sinh thái lợi ích
Các sao lớn đến Việt Nam biểu diễn kéo theo rất nhiều lợi ích thương mại, kinh tế. Lượng đặt phòng lưu trú tăng, sử dụng dịch vụ vận chuyển, chi tiêu ăn uống, bán lẻ đã tạo cơ hội việc làm và củng cố kinh tế địa phương. Theo Sở Du lịch Hà Nội, tổng thu từ du lịch tháng 7 đạt 8.600 tỉ đồng, riêng 2 ngày diễn ra concert Black Pink đạt khoảng 630 tỉ đồng. Trong 2 đêm diễn 29-30/7, khoảng 170.000 khách đến Hà Nội, khách quốc tế đạt hơn 30.000 lượt. Công suất sử dụng phòng của khối khách sạn trong tháng 7 ước đạt 60,8%, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2022...
Tuy nhiên, ngành công nghiệp biểu diễn không phát triển riêng biệt mà cần liên kết mạnh mẽ với các ngành dịch vụ khác để thu hút và giữ chân khán giả, đặc biệt là khán giả nước ngoài. Do đó, cơ quan quản lý du lịch và đơn vị tổ chức sự kiện cũng như doanh nghiệp địa phương cần hợp tác lâu dài để tạo ra các gói du lịch toàn diện, kết hợp các dịch vụ, ưu đãi từ vé máy bay, vé xem biểu diễn, hành trình du lịch khám phá..., theo gợi ý của Tiến sĩ Daisy Kanagasapapathy, giảng viên ngành Quản trị Du lịch và Khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam. Và để có thể cạnh tranh với các quốc gia đã trở thành điểm hẹn biểu diễn của các ngôi sao trong khu vực như Singapore, Thái Lan hay Malaysia, Việt Nam cần có những chính sách ưu đãi hơn, hấp dẫn hơn, cũng như tạo thêm sự đa dạng, góp phần nâng cao chất lượng các chương trình giải trí, nghệ thuật trong nước.
“Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức cho thị trường biểu diễn giải trí Việt Nam vốn còn non trẻ và chưa có nhiều bản sắc để định vị”, một nhà tổ chức show nhận định. Vị này nói thêm, các khâu như chất lượng vận hành, tổ chức show diễn, nhà tổ chức đều có thể học và học nhanh nhưng để có được những gương mặt giải trí đủ sức cạnh tranh với các sao trong khu vực hay quốc tế là điều không phải một sớm một chiều. “Chúng ta cần nhiều hơn nữa những ngôi sao có dấu ấn riêng, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến giới trẻ”, vị này nói.
Để làm được điều này, cần một chiến lược dài hơi không chỉ đến từ phía các công ty biểu diễn mà cả sự chung tay của Nhà nước trong việc xây dựng chính sách phát triển nội dung văn hóa đa dạng như bồi dưỡng nguồn nhân lực, đội ngũ chuyên môn cũng như cơ chế hợp tác giữa các trường đào tạo, doanh nghiệp văn hóa. “Kiến tạo hệ sinh thái biểu diễn đa dạng từ việc hỗ trợ phát triển tài năng, tổ chức các lễ hội, sự kiện quanh năm cũng như thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các nghệ sĩ trong và ngoài nước, thiết lập các trung tâm quảng bá nội dung văn hóa ở nước ngoài là điều rất đáng để lưu tâm”, bà Trang nói.