Sotheby’s đặt niềm tin vào khu vực châu Á và cam kết phát triển khu vực này. Ảnh: Quý Hòa.
Sức hút thị trường nghệ thuật Việt Nam
Thị trường nghệ thuật châu Á, theo ghi nhận của Sotheby’s vào cuối năm 2022, hiện đang chiếm ưu thế. Trong giai đoạn 2020-2021, châu Á đã vượt Bắc Mỹ và châu Âu trở thành thị trường nghệ thuật lớn nhất thế giới (theo doanh số bán đấu giá), chiếm khoảng 36% toàn cầu. Năm 2022 đánh dấu cột mốc quan trọng của Sotheby’s Hồng Kông khi nhà đấu giá này tiếp tục dẫn đầu thị trường nghệ thuật châu Á suốt 7 năm liên tiếp. Cũng trong năm này, Sotheby’s chính thức mở văn phòng mới tại Tokyo (Nhật) và tổ chức triển lãm phi thương mại đầu tiên tại Việt Nam. Tháng 7 năm nay, Sotheby’s tiếp tục tổ chức triển lãm phi thương mại thứ 2 mang tên Mộng Viễn Đông tại Việt Nam, đồng thời mở văn phòng mới tại Thượng Hải.
NCĐT đã có cuộc trò chuyện với bà Jasmine Prasetio, Giám đốc Điều hành khu vực Đông Nam Á của Sotheby’s và ông Ace Lê, đại diện Sotheby’s tại Việt Nam. Bà Prasetio gia nhập Sotheby’s vào năm 2004 với vai trò chuyên gia về nghệ thuật Đông Nam Á và đóng góp quan trọng vào việc tạo ra và giới thiệu các phiên bản đấu giá hằng năm của Sotheby’s tại Hồng Kông. Vai trò mới nhất của bà là Trưởng Văn phòng Sotheby’s tại Indonesia liên quan đến việc giám sát các hoạt động kinh doanh của Công ty trên thị trường này. Ông Ace Lê tốt nghiệp thạc sĩ về nghiên cứu bảo tàng và thực hành giám tuyển, thạc sĩ báo chí và truyền thông tại Đại học Công nghệ Nanyang, cử nhân quản trị kinh doanh tại Đại học Quốc gia Singapore.
Đây là lần thứ 2 Sotheby’s tổ chức triển lãm phi thương mại tại Việt Nam. Điều gì khiến Sotheby’s chọn thời điểm này chứ không phải là 5 hay 10 năm trước?
Bà Jasmine Prasetio: Về bản chất, nghệ thuật là do cộng đồng tạo ra và hướng đến cộng đồng. Những thành tựu chúng tôi nhận được là kết quả của sự cộng tác và cố gắng không ngừng của các bên liên quan trong ngành - những nhà sưu tầm, cơ quan, phòng trưng bày, nghệ sĩ, nhà đấu giá, nhà tài trợ, truyền thông, triển lãm nghệ thuật, bảo tàng, chính phủ, các cơ sở hạ tầng chuyên về nghệ thuật... Sự cân bằng giữa các hoạt động tư nhân và thương mại cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng sẽ góp phần tạo ra một hệ sinh thái nghệ thuật lý tưởng. Không gì bằng thiên thời địa lợi nhân hòa. Đối với Sotheby’s, không có thời điểm nào là tốt hơn bây giờ, khi chúng tôi kỷ niệm 50 năm hoạt động tại châu Á và tiếp tục đặt nền móng cho những thập kỷ tiếp theo.
Sotheby’s đặt niềm tin vào khu vực châu Á và cam kết phát triển khu vực này. Trong hơn 2 thập kỷ qua, chúng tôi đã và đang nuôi dưỡng thị trường nghệ thuật Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam. Chúng tôi nhận thấy tầm quan trọng của Việt Nam như một nguồn cội văn hóa, thêm vào đó là sự phát triển nhanh chóng của tầng lớp nhà sưu tầm đầy đam mê cùng khát khao tri thức mãnh liệt. Sứ mệnh của Sotheby’s là thúc đẩy đối thoại văn hóa về nghệ thuật trong cộng đồng địa phương và chúng tôi hy vọng có thể đóng góp vào những dự án giáo dục và hệ sinh thái nghệ thuật tại Việt Nam thông qua tổ chức các triển lãm được chọn lọc.
Bà đánh giá thế nào về tiềm năng của thị trường Việt Nam?
Bà Jasmine Prasetio: Nghệ thuật Việt Nam đã luôn là một phần quan trọng trong phiên đấu giá Nghệ Thuật Hiện Đại của Sotheby’s trong nhiều thập kỷ. Quy mô thị trường Việt Nam vượt xa khỏi phạm vi đấu giá, bao gồm cả thị trường nguyên bản và thứ cấp, cả hiện đại và đương đại. Thị trường đang ở giai đoạn chớm nở và tiềm năng phát triển là rất lớn. Sự đầu tư và phát triển trong lĩnh vực này luôn ổn định theo từng năm, với sự gia nhập thị trường của những nhà sưu tầm mới.
Đặc biệt, thế hệ mới các nhà sưu tập Việt Nam đang tạo nên động lực tích cực cho thị trường nghệ thuật Việt, nhờ lựa chọn đầu tư vào lịch sử của dân tộc và bảo tồn bản sắc văn hóa, được thúc đẩy thêm bởi tốc độ tăng trưởng của kinh tế.
Trong triển lãm tháng Mộng Viễn Đông, hơn 4.900 người tham dự trong hơn 3,5 ngày và chúng tôi đã quan sát thấy số lượng khán giả trẻ, thế hệ tiếp theo đang tăng lên. Tổng quan cho thấy trong 7 năm qua, số lượng người đấu giá tại Đông Nam Á đã tăng 75%.
Chúng tôi tự hào nói rằng nghệ thuật hiện đại Việt Nam sở hữu một số lượng lớn khán giả quốc tế và khách hàng quen thuộc. Ví dụ như họa sĩ hiện đại tiên phong của Việt Nam, Mai Trung Thứ, đã có triển lãm hồi tưởng tại Bảo tàng Ursulines ở Pháp vào năm 2021, hợp tác với Bảo tàng Cernuschi. Trong năm nay và trong tương lai sẽ có thêm nhiều triển lãm về nghệ thuật hiện đại Việt Nam tại châu Á được tổ chức dưới hình thức riêng tư và công khai.
Có phải hầu hết các nhà sưu tập, nhà đầu tư quan tâm đến mỹ thuật Việt Nam là người Việt Nam?
Bà Jasmine Prasetio: Đối với các nhà sưu tầm nghệ thuật Việt Nam, đa số đều đến từ nhiều khu vực địa lý khác nhau. Có những nhà sưu tầm đến từ châu Âu, Bắc Mỹ và cả các khu vực khác ở châu Á.
Chúng tôi nhận thấy nghệ thuật Việt Nam ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm từ các nước trong khu vực, từ cả những nhà sưu tầm tư nhân và cơ quan công cộng. Các tổ chức lớn như Bảo tàng Quốc gia Singapore, Bảo tàng Nghệ thuật Queensland ở Úc, Bảo tàng Fukuoka ở Nhật và Bảo tàng Pasifika ở Indonesia đều là những nhà sưu tầm lớn của nghệ thuật Việt Nam.
Đâu là nguyên nhân chính khiến các nhà đầu tư và nhà sưu tập quan tâm đặc biệt đến mỹ thuật Việt Nam?
Ông Ace Lê: Đơn giản mà nói, nghệ thuật Việt Nam mang trong mình vẻ đẹp bền vững và giá trị lịch sử. Những phẩm chất này được ngưỡng mộ một cách phổ quát bởi những nhà sưu tập Việt Nam và quốc tế. Đối với những nhà sưu tập địa phương, nhu cầu đã được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong suốt 2 thập kỷ qua, cộng thêm đam mê sưu tầm và được sở hữu một phần di sản của dân tộc.
Sotheby’s hiện đang giữ 4 trong số 5 kỷ lục cao nhất cho các tác phẩm nghệ thuật Việt Nam được đấu giá, gồm cả 3 kỷ lục cao nhất. Ảnh: Quý Hòa |
Đối với những nhà sưu tập trong khu vực, nghệ thuật Đông Dương chia sẻ lịch sử tương đồng giữa các nước Đông Nam Á, thêm vào đó là phong cách trình bày nghệ thuật phương Đông tương tự với các nền văn hóa dựa trên Hán tự như Trung Quốc, Nhật hoặc Hàn Quốc. Về mặt thẩm mỹ và kỹ thuật, đó là một sự liên kết tinh tế giữa phương Đông và phương Tây, với những điểm mạnh và giá trị của mỗi nền văn hóa tương trợ và tôn vinh lẫn nhau.
Nếu chính thức tổ chức đấu giá tại Việt Nam, Sotheby’s quan tâm đến những yếu tố nào của thị trường?
Bà Jasmine Prasetio: Sotheby’s luôn tìm cách thúc đẩy sự tăng trưởng trong khu vực. Điều này bao gồm các hoạt động không phải đấu giá như các dự án giáo dục. Mục tiêu của chúng tôi là đóng góp vào việc xây dựng một hệ sinh thái lành mạnh cho nghệ thuật và cộng đồng nghệ thuật.
Hồng Kông vẫn là trụ sở chính của chúng tôi tại châu Á, nơi chúng tôi tổ chức các phiên đấu giá trực tiếp và sẽ chuyển đến địa chỉ mới vào năm tới. Chúng tôi cũng đang mở rộng hoạt động tại Đông Nam Á. Ngoài loạt triển lãm tại Việt Nam, chúng tôi còn tổ chức những phiên đấu giá thường xuyên tại Singapore, nơi chúng tôi cung cấp các tác phẩm nghệ thuật Việt Nam và tích hợp các cuộc trò chuyện và thảo luận vào chương trình.
Chúng tôi cũng cam kết tạo nên những câu chuyện hấp dẫn cho các tác phẩm nghệ thuật Việt Nam trong các loạt đấu giá, bất kể là xuất hiện ở Singapore, Hồng Kông hay Paris. Việc phát triển thị trường không phải là chuyện một ngày một đêm có thể hoàn thành. Trong vài thập kỷ qua, chúng tôi tự hào đã đưa một số tác phẩm đáng chú ý nhất của các nghệ sĩ trong khu vực lên nền tảng quốc tế.
Sotheby’s hiện đang giữ 4 trong số 5 kỷ lục cao nhất cho các tác phẩm nghệ thuật Việt Nam được đấu giá, gồm cả 3 kỷ lục cao nhất. Đó là bức Madame Phương (Mai Trung Thứ) vào tháng 4/2021 với giá 24,375 triệu đô la Hồng Kông, 2 bức của Lê Phổ là Gia Đình Trong Vườn (18,6 triệu đô la Hồng Kông) vào tháng 4/2023 và Dáng Hình Trong Vườn (17,9 triệu đô la Hồng Kông) vào tháng 4/2022.
Từ kinh nghiệm cá nhân, theo ông, Việt Nam cần làm gì để thị trường nghệ thuật có thể phát triển lớn mạnh?
Ông Ace Lê: Một hệ sinh thái nghệ thuật vững mạnh cần có sự đóng góp chuyên môn từ tất cả các lĩnh vực một cách chuyên nghiệp, từ tổ chức triển lãm và triển khai nghệ thuật đến xử lý hậu cần các tác phẩm nghệ thuật và bảo hiểm cho tác phẩm. Bằng việc đầu tư vào các triển lãm đạt chuẩn bảo tàng như Hồn Xưa Bến Lạ và Mộng Viễn Đông, Sotheby’s cam kết góp sức trong vai trò xây dựng và thúc đẩy hệ sinh thái nghệ thuật bền vững trong tương lai.