Công nghiệp 4.0 có một số lợi ích và lợi thế trong việc cải tiến vận hành và chuỗi cung ứng. Ảnh: Quý Hoà.

 
Ngọc Minh Thứ Sáu | 17/11/2023 10:57

Lực đẩy công nghệ của logistics

A.I, internet vạn vật (IoT) và phân tích dữ liệu lớn (BDA) đang nổi lên như những công nghệ cần thiết trong các doanh nghiệp chuỗi cung ứng ở Việt Nam.

Theo xếp hạng của World Bank, Việt Nam hiện đứng thứ 64/160 nước về mức độ phát triển logistics và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Đến nay, có khoảng trên 3.000 doanh nghiệp vận tải và logistics trong nước và khoảng 25 tập đoàn giao nhận hàng đầu thế giới hoạt động cung cấp các dịch vụ từ khâu làm thủ tục vận chuyển hàng hóa cho đến khâu đóng thuế hay thanh toán.

Con đường phía trước

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam, tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14-16%, với quy mô khoảng 40-42 tỉ USD/năm. Việt Nam đặt mục tiêu phát triển của ngành logistics tới năm 2025 là tỉ trọng đóng góp vào GDP đạt 5-6%, tốc độ tăng trưởng đạt 15-20%, chi phí giảm xuống tương đương 16-20% GDP. Đặc biệt, logistics trong nước cần nắm bắt cơ hội rất lớn từ làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng, sự lên ngôi của thương mại điện tử và các hiệp định thương mại tự do. 

“Thị trường logistics hiện nay vẫn chưa được khai phá hết tiềm năng. Nguồn cung chưa thực sự đáp ứng đủ nhu cầu, đòi hỏi các chủ đầu tư cần linh hoạt đưa ra những mô hình mới và tối ưu diện tích kho bãi sẵncó”, ông Thomas Rooney, Quản lý Cấp cao, Dịch vụ Tư vấn Bất động sản, Savills Hà Nội, cho biết.

Tỉ lệ áp dụng các công nghệ của Công nghiệp 4.0 khá chênh lệch giữa các ngành và tổ chức. Ảnh: Quý Hoà.
Tỉ lệ áp dụng các công nghệ của Công nghiệp 4.0 khá chênh lệch giữa các ngành và tổ chức. Ảnh: Quý Hoà.

Để đạt được mục tiêu trên, cần những giải pháp lớn từ vĩ mô cũng như nỗ lực của doanh nghiệp, nhất là các khoản đầu tư công nghệ để nâng cao năng suất. Tuy nhiên, theo Liên đoàn Giao nhận Vận tải Đông Nam Á (AFFA), với 90% số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics là doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc ứng dụng logistics thông minh còn nhiều hạn chế, chủ yếu là dịch vụ khai báo hải quan, thanh toán thuế, quản lý hành trình xe vận chuyển hàng hóa, quản lý kho bãi... Chính vì vậy, chi phí dịch vụ logistics của Việt Nam còn cao; liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau, giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu còn yếu.

Trong khi đó, ngành logistics thế giới đã nhanh chóng ứng dụng những thành tựu công nghệ vào hoạt động kinh doanh, tối ưu hóa trong các dây chuyền sản xuất, cung ứng sản phẩm, nâng cao hiệu quả hoạt động. Các nền tảng này hình thành hệ thống kho thông minh, trung tâm phân phối thông minh và cơ sở vật chất đa phương thức hiện đại... Về công nghệ, các công nghệ như IoT, A.I, phân tích dữ liệu và tự động hóa tối ưu hiệu quả hoạt động, quản lý hàng tồn kho, tối ưu hóa tuyến đường và dịch vụ khách hàng. Đây là con đường mà logistics Việt Nam phải theo đuổi để đạt được các mục tiêu của mình.

Có thể thấy bức tranh này qua ví dụ của ứng dụng Cảng điện tử ePort do Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn đang sử dụng. Công nghệ này giúp giảm thời gian xe đậu chờ tại cổng cảng từ 13 phút xuống còn 6 phút, thời gian thông quan hải quan điện tử giảm 2 phút/cont, giúp tăng sản lượng giao nhận cổng từ 11.000 lên 19.000-20.000 lượt xe/ngày...

Bộ tam quyền lực

Nghiên cứu hợp tác mang tên “Bối cảnh thay đổi chuyển đổi số trong chuỗi cung ứng: Tác động của Công nghiệp 4.0 tại Việt Nam”, được thực hiện bởi các nghiên cứu viên từ RMIT Việt Nam. Nghiên cứu này cung cấp những hiểu biết giá trị về mức độ áp dụng và đầu tư hiện tại vào các công nghệ của Công nghiệp 4.0 trong các chuỗi cung ứng ở Việt Nam.

Công nghiệp 4.0 có một số lợi ích và lợi thế trong việc cải tiến vận hành và chuỗi cung ứng, không chỉ về hiệu suất mà còn về hiệu quả tổng thể. Các công nghệ tiên tiến như A.I, IoT, blockchain và BDA mang lại tiềm năng thay đổi cho các công ty chuỗi cung ứng, cải thiện đáng kể vận hành bằng cách tinh giản quy trình, tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực và nâng cao năng lực ra quyết định.

Bằng cách nắm bắt và ứng dụng những công nghệ này, các công ty có thể đạt được hiệu quả cao hơn, giảm chi phí và đạt lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Tuy nhiên, tỉ lệ áp dụng các công nghệ của Công nghiệp 4.0 khá chênh lệch giữa các ngành và tổ chức.

A.I được ghi nhận có tác động dự đoán cao nhất (61%), giúp cải thiện không chỉ hiệu suất của các nhiệm vụ, mà còn giảm sự thiếu hiệu quả và thay thế công việc thủ công. Một trong những khả năng của công nghệ này là tăng doanh số bán hàng. Nhưng thú vị hơn là khả năng tạo thêm công việc của A.I - trái ngược với suy nghĩ thường thấy rằng A.I là mối nguy làm mất việc làm, chứ không phải tạo ra việc làm trong quá trình chuyển đổi số.

Theo sau A.I là IoT, có tác động tích cực được dự đoán là 22%. Việc quản lý thời gian theo thời gian thực các hoạt động vận hành và chuỗi cung ứng, dự báo bảo trì và dự đoán tiềm năng là những khía cạnh được xem là quan trọng của công nghệ này.

BDA cũng được đánh giá là yếu tố thay đổi cuộc chơi, không chỉ về tiềm năng dự đoán mà còn trong việc phát triển phân khúc khách hàng và từ đó, phát triển marketing mục tiêu, hiểu biết kinh doanh mới và nhận diện các cơ hội kinh doanh mới.

Cùng với tác động mà những công nghệ tiên tiến này có thể mang lại cho ngành chuỗi cung ứng, nhóm nghiên cứu còn xem xét đến khối lượng đầu tư như một chỉ số về tiềm năng áp dụng các công nghệ của Công nghiệp 4.0.

Robot tiên tiến ở mức 31%, được ghi nhận là công nghệ có khối lượng đầu tư cao nhất, đặc biệt chú trọng vào giáo dục và đào tạo phi chính thức/bổ sung, tiếp theo sau là việc thuê các chuyên gia.

A.I và xe tự hành (AVs) được ghi nhận xu hướng đầu tư tương tự nhau ở mức 12% cho mỗi công nghệ, trong đó A.I tập trung vào phát triển kỹ năng và kiến thức, còn AVs chú trọng hơn đến các chiến lược vận hành để tiết kiệm chi phí nhiên liệu, lái xe và giảm ô nhiễm. 

Hai lĩnh vực thú vị với tỉ lệ đầu tư đáng kể là blockchain (34%) và IoT (33%), nơi tiền đầu tư được dùng vào đào tạo kỹ năng, phát triển kiến thức và quan hệ hợp tác, cho thấy lối đi tiềm năng để sử dụng các công nghệ này trong tương lai. Ngoài ra, còn có các liên kết mạnh mẽ giữa những công nghệ nhất định, chẳng hạn IoT với in 3D và IoT với robot, cho thấy có thể hiệp lực bằng việc kết hợp IoT với những công nghệ này trong lĩnh vực sản xuất và quản lý chuỗi cung ứng. Bằng cách tận dụng sức mạnh của IoT để thúc đẩy các công nghệ khác, doanh nghiệp có thể cải thiện hiệu quả, giảm chi phí và đạt được kết quả tổng thể tốt hơn.

Bước qua vô số quan ngại 

Đáng chú ý là tác động dự đoán của công nghệ không phải lúc nào cũng giống với khoản đầu tư dự đoán sẽ dành cho công nghệ. Trong số những công nghệ, các chuyên gia chuỗi cung ứng của Việt Nam dự đoán rằng AR/VR (thực tế ảo tăng cường/thực tế ảo), blockchain và xe tự hành sẽ ít tạo được ảnh hưởng trong thập kỷ tới, do vậy sẽ nhận được ít đầu tư nhất.

 

Phó Giáo sư Seng Kiat Kok của Đại học RMIT nhấn mạnh: “Điều thấy rõ ràng từ kết quả nghiên cứu là ngành chuỗi cung ứng đã huy động và ưu tiên các công nghệ họ thấy tiềm năng và có cơ hội nhất cho tương lai”. “Sự phức tạp vốn có trong chuỗi cung ứng toàn cầu và trong cơ sở hạ tầng cần thiết cho từng công nghệ tạo ra vô số quan ngại cần phải giải quyết trước khi hiện thực hóa được toàn bộ lợi thế của chúng”, ông nói thêm.

Điều này nhấn mạnh đến sự cần thiết phải lập kế hoạch toàn diện, quan hệ đối tác chiến lược và đầu tư vào phát triển kỹ năng để tận dụng hiệu quả lợi ích của các công nghệ Công nghiệp 4.0 trong vận hành chuỗi cung ứng. Đây là lưu ý quan trọng trong bối cảnh, theo Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam, mới có khoảng 40% doanh nghiệp dịch vụ logistics đang ứng dụng các loại hình công nghệ khác nhau tùy theo quy mô và tính chất dịch vụ. Trong đó, các doanh nghiệp hạ tầng và vận hành là nhóm có giá trị tài sản lớn nên trong nỗ lực chuyển đổi số, việc lựa chọn công nghệ phù hợp là không hề đơn giản.

Có thể bạn quan tâm:

Cuộc đua đến phạm vi 3