Nghỉ hưu sớm: Khi người trẻ toan về già
Theo khảo sát Tương lai hưu trí của HSBC công bố cuối tháng 4, những người trẻ (sinh năm 1980 đến năm 1997) kỳ vọng nghỉ hưu sớm hơn so với những người trong độ tuổi lao động thuộc các thế hệ trước đó. Độ tuổi trung bình mà họ dự định về hưu là 59 tuổi, sớm hơn 2 năm so với những người còn lại trong độ tuổi lao động với dự định nghỉ hưu ở tuổi 61.
Muốn nghỉ sớm, phải đầu tư sớm
Các bạn trẻ, cũng như những người mong muốn nghỉ hưu sớm khác, phải đối mặt với thách thức tạo được nguồn thu nhập ổn định để đảm bảo mức sống sau khi nghỉ hưu. Ngoài ra, do thời điểm nghỉ hưu sớm hơn độ tuổi hưởng lương hưu của Nhà nước, họ sẽ chưa có được nguồn thu ổn định từ lương hưu. Thậm chí, trong bối cảnh già hóa dân số và tình trạng căng thẳng ngân sách tại nhiều quốc gia, 65% số người trong khảo sát Tương lai hưu trí của HSBC lo lắng rằng sự suy giảm của quỹ hưu trí/bảo hiểm xã hội sẽ ảnh hưởng đến tương lai hưu trí của họ.
Đúng như vậy, để đảm bảo cân bằng thu chi bảo hiểm xã hội, Chính phủ một số nước, trong đó có Việt Nam, đã phải cân nhắc các biện pháp cắt giảm chi trả bảo hiểm xã hội, trong đó có việc nâng tuổi hưu. Như vậy, về lâu dài, bạn trẻ muốn nghỉ hưu sớm khó có thể trông cậy vào bảo hiểm xã hội.
Trên 16 nước được khảo sát, các bạn trẻ đã tìm kiếm những hình thức đầu tư mạo hiểm hơn và cũng đem lại lãi suất cao hơn để đảm bảo cho tương lai hưu trí như bất động sản (47% số người được khảo sát), tiết kiệm (38%), đầu tư cổ phiếu (29%).
Khi được hỏi về kế hoạch nghỉ hưu, bạn Hà Thu, 25 tuổi, chuyên viên của một tập đoàn đa quốc gia với mức lương tháng hơn 40 triệu đồng, trả lời: “Tôi chưa có kế hoạch nghỉ hưu. Với mức lương của mình và thói quen gửi tiết kiệm, tôi đã có một khoản tiền kha khá để làm vốn và đang cân nhắc kế hoạch khởi nghiệp. Trước đây, tôi cũng có nghĩ đến bất động sản và đầu tư bitcoin mà không có thời gian nghiên cứu”.
Nam Công, 30 tuổi, nam nhân viên văn phòng làm việc tại quận 3, đã lập gia đình và có kế hoạch nghỉ hưu cụ thể. “Tôi đã chuẩn bị kế hoạch cho tuổi hưu bằng đầu tư bất động sản. Tới khi về hưu, tôi sẽ dùng một hoặc một vài căn hộ để cho thuê tạo dòng tiền ổn định”.
Giới trẻ 8x, 9x đã có những dự định riêng về cách thức đầu tư nhằm đảm bảo cuộc sống hưu trí an nhàn, phần nào đúng với kết quả khảo sát khi các bạn hầu hết đều dựa trên tiết kiệm để có được số vốn lớn ban đầu. Nhiều người dự định dùng số vốn này để đầu tư mạo hiểm hoặc đầu tư bất động sản; hoặc đa dạng hóa danh mục đầu tư nhằm đảm bảo có nguồn thu ổn định về lâu dài.
Ngoài các hình thức đầu tư cho hưu trí phổ biến như tiết kiệm và bất động sản, có 2 hình thức khác cũng là một trong lựa chọn hàng đầu của các bạn trẻ trên 16 quốc gia được khảo sát. Đó là bảo hiểm hưu trí cá nhân và gói hưu trí (bổ sung) với 22% và 20% số người được khảo sát lựa chọn. Tại các nước phát triển, phúc lợi hưu trí bao gồm nhiều trụ cột, không chỉ có bảo hiểm xã hội bắt buộc mà còn có hình thức bảo hiểm hưu trí và các sản phẩm hưu trí tự nguyện bổ sung rất đa dạng với nhiều hình thức, danh mục đầu tư khác nhau để đáp ứng nhu cầu của người dùng. Cụ thể, tại Mỹ, Fidelity Investment, quản lý hơn 1.400 tỉ USD tiền đóng góp hưu trí của người lao động các công ty, tập đoàn lớn.
Bảo hiểm hay quỹ mở?
Tại Việt Nam, hình thức bảo hiểm hưu trí mới xuất hiện năm 2013 khi Dai-ichi ra mắt sản phẩm An Nhàn Hưu Trí ngay sau khi Thông tư 115/2013/TT về bảo hiểm hưu trí tự nguyện bắt đầu có hiệu lực. Công ty bảo hiểm nhân thọ thường đưa ra mức lãi suất đảm bảo hằng năm từ 2-4% và hứa hẹn chia thêm lợi tức nếu quỹ bảo hiểm đầu tư mang lại lợi nhuận cao. Số tiền đóng bảo hiểm sẽ được các tập đoàn bảo hiểm nhân thọ giao cho công ty con chuyên quản lý quỹ đứng ra đầu tư vào các sản phẩm tài chính, chủ yếu là trái phiếu chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp và tiền gửi ngân hàng để đảm bảo rủi ro thấp.
Chính phủ Việt Nam cùng các công ty quản lý quỹ đang nghiên cứu hình thức hưu trí bổ sung tự nguyện tương tự như sản phẩm hưu trí phổ biến tại Mỹ. Trong năm 2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định 88/2016/NĐ-CP để thêm vào chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có văn bản hướng dẫn để các công ty, quỹ tiến hành cung cấp loại hình sản phẩm này và loại hình hưu trí nói trên vẫn khá tương tự với bảo hiểm hưu trí.
Mặc dù hai sản phẩm hưu trí này được khuyến khích mạnh mẽ để giảm sức ép bảo hiểm xã hội với chính sách ưu đãi thuế thu nhập cá nhân, nhưng chúng vẫn tồn tại nhiều điểm hạn chế, trong đó có lãi suất thấp (do giới hạn danh mục đầu tư vào trái phiếu và tiền gửi) cũng như thời hạn hưởng lợi khá xa trong tương lai.
Một hình thức đầu tư khác không dành riêng cho mục đích hưu trí mà nhiều bạn trẻ có thể cân nhắc đó là các quỹ mở đầu tư vào cổ phiếu tại Việt Nam. Thị trường quỹ mở hiện nay tương đối sôi động với sự tham gia của nhiều công ty quản lý quỹ với danh mục đầu tư khá đa dạng. Các quỹ mở thuần cổ phiếu mang tính mạo hiểm cao, có tiềm năng đem lại lợi nhuận cao hơn hẳn so với các hình thức đầu tư khác.
Trong năm 2016, dựa trên báo cáo giá trị tài sản ròng của các quỹ mở cổ phiếu, mức lợi nhuận đạt được rơi vào khoảng 10-24%/năm, khá cao so với mức đảm bảo của bảo hiểm hưu trí hay lãi suất tiền gửi ngân hàng. Dù vậy, chị Nguyễn Thái Thuận, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ VinaWealth, cho biết, khi đầu tư vào quỹ mở, khách hàng chịu hoàn toàn mức sinh lời tại thời điểm rút vốn đầu tư, không được hưởng ưu đãi thuế đặc biệt và vốn đầu tư cũng như lãi suất không được bảo hiểm, theo quy định của Nhà nước.
Tuy là hình thức đầu tư không chỉ đơn thuần cho hưu trí, VinaWealth cũng tiếp thị sản phẩm quỹ mở của mình cho các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu cung cấp các gói phúc lợi cho nhân sự cấp cao nhằm thu hút và giữ chân người tài. Doanh nghiệp tham gia chương trình VinaSave của VinaWealth có thể tham gia đóng góp với nhân viên để sở hữu chứng chỉ quỹ mở cổ phiếu và trái phiếu, coi đây là khoản tích lũy cho tương lai.
Ngoài VinaWealth, trên thị trường còn có các sản phẩm quỹ mở khác với mức lợi nhuận cao và ổn định trong 2, 3 năm qua như các quỹ của VietFund Management (VFM-VF1, VF4), Vietcombank Fund Management (VCBF-TBF, BCF), SSI Asset Management (SSI-SCA), VinaWealth Fund Management (VEOF). Dù lợi nhuận hấp dẫn với thời hạn đầu tư linh động, hình thức đầu tư quỹ mở vẫn còn khá mới mẻ, đòi hỏi người lao động phải tìm hiểu về các công cụ đầu tư và có hiểu biết tài chính nhất định để “chọn mặt gửi vàng”.
Như Thọ