Văn Đạt Thứ Tư | 29/12/2021 13:10

Từ “lồng ấp” TVS đến triển vọng kỳ lân GEE

Công ty Cổ phần Chứng khoán Thiên Việt (TVS), chung nhóm cổ đông sáng lập Galaxy Entertainment & Education (GEE), đang được ví như “lồng ấp kỳ lân”...

Công ty Cổ phần Chứng khoán Thiên Việt (TVS), chung nhóm cổ đông sáng lập Galaxy Entertainment & Education (GEE), đang được ví như “lồng ấp kỳ lân” sau thương vụ ví điện tử MoMo được định giá hơn 2 tỷ USD. Ngoài MoMo, các thành viên khác có dấu ấn đầu tư của TVS và GEE cũng có triển vọng trở thành những “kỳ lân” tiếp theo của Việt Nam.

Ngày 21/12, Công ty Cổ phần Dịch vụ Di động trực tuyến (M-Service), cơ quan chủ quản của ví điện tử MoMo, công bố đã hoàn thành vòng gọi vốn thứ 5 (Series E) sau khi nhận số tiền đầu tư trị giá khoảng 200 triệu USD từ các nhà đầu tư toàn cầu bao gồm Mizuho, Ward Ferry, Goodwater Capital và Kora Management.

Sau thương vụ này, định giá của M-Service đạt mức 2,27 tỷ USD, đủ điều kiện để được gọi là “kỳ lân công nghệ” mới nhất của Việt Nam. Mức định giá hấp dẫn trên khiến các nhà đầu tư thiên thần vào ví điện tử này vui như “mở cờ trong bụng”. Một trong những nhà đầu tư đó là Công ty Cổ phần Chứng khoán Thiên Việt.

TVS cho biết giá gốc của khoản đầu tư vào startup này vào năm 2007 là 27,85 tỷ đồng, tương đương 30.000 đồng/cp. Thương vụ trên khiến giá trị một cổ phiếu M-Service tăng lên 2,5-2,8 triệu đồng. Điều này có nghĩa là giá trị của khoản đầu tư vào MoMo của TVS đã tăng gấp trăm lần chỉ sau 14 năm. Tại thời điểm 30/6/2021, TVS sở hữu hơn 918.414 cổ phiếu phổ thông, tương đương gần 6% cổ phần. Với mức định giá hơn 2 tỷ USD, tài sản của nhà đầu tư thiên thần Thiên Việt tại MoMo hiện có giá trị khoảng 120 triệu USD.

CỔ PHIẾU TVS VỚI LỰC ĐẨY TỪ THƯƠNG VỤ MOMO

M-Service là khoản đầu tư mà Ban lãnh đạo TVS luôn tự hào mỗi khi nhắc đến. Cổ phiếu TVS đã bắt đầu tăng mạnh từ đầu năm 2021 sau khi MoMo hoàn tất vòng gọi vốn Series D với số tiền được cho là xấp xỉ 100 triệu USD. Tính từ đầu năm 2021, thị giá cổ phiếu TVS tăng gần 500%.

Sau khi có thông tin về sự kiện MoMo trở thành “kỳ lân công nghệ”, cổ phiếu của TVS của Chứng khoán Thiên Việt, vốn được mệnh danh là chiếc lồng ấp “kỳ lân” mát tay, duy trì đà tăng trần liên tục 7 phiên (tính đến ngày 24/12), đưa vùng giá từ 46.000 đồng/cổ phiếu lên 67.000 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản tăng vọt lên gần 500.000 đến 1 triệu đơn vị mỗi phiên.

Ngoài M-Service, TVS còn là nhà đầu tư thiên thần vào một công ty fintech đầy triển vọng, đó là CTCP Finhay Việt Nam, cơ quan chủ quản của ứng dụng đầu tư Finhay. Sau khi đầu tư vào Finhay, TVS đã góp phần giúp Finhay nâng cao năng lực quản trị đồng thời hỗ trợ Finhay phát triển các sản phẩm dịch vụ quản lý tài chính cá nhân.

Bên cạnh TVS, Insignia Ventures Partners và 1 số quỹ đầu tư khác, Finhay còn nhận được khoản đầu tư từ nhà đầu tư nước ngoài Jeffrey Cruttenden – Cofounder Acorns.

Jeffrey Cruttenden – Cofounder Acorns, một unicorn có mô hình tương tự như Finhay rất thành công tại Mỹ, cũng nhận ra tiềm năng của Finhay và sự bùng nổ của fintech tại thị trường Việt Nam. Được thành lập năm 2017, Finhay là ứng dụng được sinh ra với vai trò một huấn luyện viên tài chính số giúp người dùng tạo dựng thói quen tích lũy, gây dựng và bảo vệ gia sản một cách thông minh.

Nền tảng của Finhay cho phép người dùng có thể đầu tư vào các danh mục được phân bổ tuỳ theo khẩu vị rủi ro chỉ từ 50.000 đồng. Hiện tại Finhay đã có hàng triệu tài khoản đăng ký và hàng trăm ngàn người dùng thường xuyên với nhiều sản phẩm tài chính khác nhau.

Finhay là một dấu ấn mới trong thị trường fintech đang bùng nổ tại Việt Nam, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Theo báo cáo của Ngân hàng UOB, hãng Kiểm toán PwC Singapore và Hiệp hội Fintech Singapore, Việt Nam đứng thứ 3 trong khu vực về thu hút vốn đầu tư vào fintech với 375 triệu USD, tương đương hơn 10% tổng giá trị vốn đổ vào fintech trong khu vực là 3,5 tỉ USD - con số cao kỷ lục từ trước đến nay. Việc đầu tư vào Finhay cũng nằm trong định hướng phát triển đa dạng hóa dịch vụ tài chính của TVS. Trong đó, hướng đến nhóm những nhà đầu tư trẻ cũng như nhu cầu quản lý, tối ưu hoá tài chính của tầng lớp trung lưu đang gia tăng tại Việt Nam.

CÚ BỨT TỐC CỦA GALAXY PLAY

Điều thú vị là TVS và GEE có cùng đội ngũ nhà sáng lập và lãnh đạo với nền tảng tài chính – ngân hàng cực kỳ vững chắc, xuất thân từ các trường đại học danh giá tại Nga cũng như Harvard (Mỹ).

Galaxy Entertainment & Education tạo nên một hệ sinh thái gồm sản xuất phim (Galaxy Production), rạp chiếu – phân phối (Galaxy Studio), nền tảng chiếu phim trực tuyến (Galaxy Play), Galaxy Media, Galaxy Education, Galaxy Communications.

Trong đó, nằm trong hệ sinh thái của Tập đoàn, Galaxy Play là nền tảng xem phim trực tuyến tiên phong, chiếm vị trí số 1 tại Việt Nam. Kể từ khi thành lập năm 2015, doanh thu của Galaxy Play không ngừng tăng trưởng. Năm 2021, doanh thu Galaxy Play tăng gấp đôi với hơn 2 triệu người dùng đăng ký mới.  Hiện tại, nền tảng này có hơn 7 triệu người đăng ký với 4,5 triệu người dùng thanh toán tích luỹ.

“Chúng tôi sở hữu kho phim Việt độc quyền lớn nhất, luôn được cập nhật. Bên cạnh nền tảng kỹ thuật tiên tiến, ứng dụng tiện ích, dễ sử dụng, thế mạnh của Galaxy Play là ở nội dung được thiết kế đặc biệt cho khán giả Việt. Chúng tôi đặt mục tiêu phục vụ thật tốt người xem Việt trong nước và người Việt trên toàn thế giới”, bà Lưu Thanh Lan, Tổng Giám đốc Galaxy Play, cho biết.

 Với hậu thuẫn là công ty sản xuất và phát hành phim lớn nhất Việt Nam, Galaxy Play luôn nắm độc quyền phân phối online những phim bom tấn chiếu rạp như Bố già, Lật Mặt, Mắt Biếc (giải Bông Sen Vàng 2021)… và sắp tới là dự án điện ảnh Em và Trịnh, được kỳ vọng sẽ gây tiếng vang lớn khi công chiếu vào tháng 4.2022. Kể từ năm 2020, Galaxy Play đều đặn sản xuất phim bộ độc quyền như Sugar Daddy, Sugar Mommy, Bông hồng lửa, Chị Mẹ Học Yêu... Với đầu tư công phu và nội dung bám sát thị hiếu khán giả Việt, các phim bộ độc quyền của Galaxy Play luôn đứng đầu trong các serie được yêu thích nhất trên nền tảng.

 Dĩ nhiên, để nuôi dưỡng thành công cho một kỳ lân mới, GEE sẽ phải giải bài toán kết hợp hệ sinh thái của cả Galaxy Play và Galaxy Education, với hơn 10 triệu người sử dụng. Năm 2015, Galaxy Play đã đầu tư hàng triệu USD vào việc nghiên cứu và phát triển cơ sở hạ tầng đám mây và phát trực tuyến của mình dựa trên các nguồn mở.

 Người người ở nhà, “work-from-home” là “thời điểm vàng” góp phần cho mô hình “rạp phim tại nhà” bùng nổ mạnh mẽ. Thị trường phim trực tuyến tại Việt Nam ngày càng sôi động khi số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, tháng 11.2020 đã ghi nhận có khoảng 35 doanh nghiệp hoạt động cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trực tuyến, với 14 triệu thuê bao và tổng doanh thu đạt khoảng 9.000 tỷ đồng.

 Các quỹ đầu tư nhìn nhận dịch bệnh COVID-19 như là một sự sàng lọc thị trường start-up. Start-up nào chống chọi được với dịch bệnh để tồn tại sẽ là ứng viên tiềm năng, sáng giá để đầu tư. Các công ty điện ảnh đang dần thích nghi với tình trạng các rạp chiếu phim đóng cửa bằng cách tăng nội dung trên các dịch vụ phát trực tuyến. Lịch sử cũng cho thấy, các cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế chính là lúc startup kỳ lân bắt đầu lộ diện hoặc hình thành nên những loại hình start-up mới đầy hứa hẹn.

BÓNG DÁNG CỦA “KỲ LÂN” EDTECH ĐẦU TIÊN

Bên cạnh thương mại điện tử, logistics, thanh toán điện tử, còn nhiều mảng kinh tế khác cũng đang nuôi dưỡng, hình thành các doanh nghiệp triệu USD, nền tảng để bứt phá thành kỳ lân. Đó có thể sẽ là lĩnh vực edtech và dịch bệnh sẽ thúc đẩy lĩnh vực này tiến nhanh hơn.

GEE đang ấp ủ và đặt nhiều tham vọng trong việc “ấp kỳ lân” khi triển khai các chiến lược chuyển đổi số trong hai lĩnh vực giải trí và giáo dục.

Thương vụ đầu tư vào Học Mãi là cánh cửa đầu tiên để Galaxy Education tham gia mảng giáo dục trực tuyến ở tất cả các khối học mầm non, phổ thông, đại học, dạy nghề… Galaxy Education được ví như một trường học trực tuyến lớn, đáp ứng mọi nhu cầu học vấn từ 2-18 tuổi.

“Trước khi dịch bệnh xảy ra, thay đổi suy nghĩ về giáo dục trực tuyến không hề dễ dàng tại Việt Nam. Nhưng lúc này, chúng ta cần nhìn lại vai trò quan trọng của các mô hình học từ xa, đào tạo trực tuyến. Qua khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hơn 80% trường học có chuyển đổi sang mô hình học tập trực tuyến”, ông Phạm Giang Linh, Tổng giám đốc Galaxy Education, cho biết.

Trong 2 năm vừa qua, số người dùng đăng ký của Galaxy Education bùng nổ một cách ấn tượng với mức tăng trưởng 200%, trong đó, số người dùng trả phí tăng hơn 100%. Nền tảng này đang dẫn đầu thị trường giáo dục trực tuyến tại Việt Nam với 5,5 triệu người đăng ký sử dụng, cao gấp 3 lần so với đối thủ đứng thứ 2.

Đâu là những tín hiệu cho thấy Galaxy Education có thể trở thành một “kỳ lân công nghệ” trong tương lai? Galaxy Education là một startup thống trị trong một thị trường bị phân mảnh với hơn 200 công ty tham gia. Startup này còn có một cam kết mục tiêu đầy tham vọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng người dùng và doanh thu thương mại để phục vụ tất cả người học Việt Nam.

Ngoài ra, ứng dụng giáo dục trực tuyến này có một hệ sinh thái dạy và học toàn diện tối đa hóa quy mô với nhiều sản phẩm, đa nền tảng, từ kết hợp trực tuyến đến trực tiếp dành cho lứa tuổi từ 2 đến 18 tuổi với chiến lược về thương hiệu, tiếp thị và nội dung rất rõ ràng. Có thể thấy, Galaxy Education là start-up dẫn đầu với 15 năm kinh nghiệm giáo dục trực tuyến, đặc biệt trong phân khúc giáo dục phổ thông.

Các công ty edtech như Galaxy Education đang đứng trước tiềm năng tiếp cận xấp xỉ 17 triệu học sinh phổ thông, hơn 5 triệu trẻ mầm non và hơn 1,7 triệu sinh viên đại học. Đối tượng khách hàng của edtech có phổ rộng, từ mẫu giáo cho đến người đi làm. Việt Nam hiện nằm trong top 10 thị trường edtech có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với tỉ lệ lên tới 44,3% trong năm 2018.

Theo Ken Research, thị trường Edtech của Việt Nam có thể đạt giá trị 3 tỉ USD vào năm 2023. Với sự bùng nổ nhanh của internet và di động, Việt Nam được xem là thị trường rất tiềm năng cho các mô hình Edtech khai sinh và thăng hoa tại khu vực. Nhiều công ty nước ngoài cũng nhanh chóng nhận ra tiềm năng này, và kết quả là sự đổ bộ của một số tên tuổi lớn tại đây như Duolingo, Age of Learning, Ruangguru, Upgrad và Snapask…

Các chuyên gia nhận định, tiềm năng phát triển của thị trường EdTech Việt Nam nằm trong quỹ đạo phát triển chung của châu Á. Bên cạnh 2 thị trường lớn là Trung Quốc và Ấn Độ, khu vực Đông Nam Á đang được đánh giá là có điều kiện thuận lợi cho EdTech phát triển bởi quy mô dân số trẻ, kinh tế tăng trưởng nhanh, mật độ sử dụng điện thoại thông minh cao và độ phủ internet tốt. Nằm trong xu hướng này, nhiều khoản đầu tư cho Edtech tại Việt Nam nở rộ trong vài năm gần đây. Chẳng hạn, Tập đoàn Giáo dục EQuest bất ngờ tiết lộ nhận được vốn rót lên tới 100 triệu USD từ một công ty đầu tư lớn của thế giới. CoderSchool, startup dạy lập trình trực tuyến của Việt Nam, công bố nhận được khoản đầu tư trị giá 2,6 triệu USD trong vòng gọi vốn Pre-series A do Quỹ Monk’s Hill Ventures dẫn dắt. Marathon cũng đã gọi vốn thành công 1,5 triệu USD cho vòng tiền hạt giống (Pre-seed) từ các quỹ Forge Ventures, Venturra Discovery, iSeed và các nhà đầu tư thiên thần. Educa được Quỹ đầu tư ReDefine Capital rót 2 triệu USD tại vòng gọi vốn Series A. Thu hút nhiều vốn đầu tư nhất có lẽ là ứng dụng học tiếng Anh ELSA với 15 triệu USD ở vòng gọi vốn Series B do Vietnam Investments Group và SIG đồng dẫn đầu; tính chung, ELSA gọi vốn được tổng cộng 27 triệu USD.

“Để duy trì vị thế, chúng tôi đầu tư nhiều cho công nghệ. Hệ thống Học Mãi nằm trong hệ sinh thái Galaxy với vai trò xây dựng chương trình, nội dung học tập và thông qua dữ liệu lớn, cũng như trí tuệ nhân tạo, để xác định đúng nhu cầu của người sử dụng, qua đó nâng cao hiệu quả kỹ năng tự học. Chúng tôi tự tin xây dựng nền tảng Edtech hàng đầu Việt Nam”, ông Linh khẳng định. 

Việt Nam hiện nằm trong top 10 thị trường Edtech có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với tỉ lệ lên tới 44,3% trong năm 2018. Ngoài các công ty trong nước, nhiều công ty nước ngoài cũng nhanh chóng nhận ra sự tiềm năng của Việt Nam.

EdTech tại Việt Nam đang chờ những khoản đầu tư lớn để hình thành một kỳ lân mới như xu hướng tại nhiều thị trường trên thế giới. Nikkei nhắc đến nhiều tên tuổi đang nổi lên trong lĩnh vực này nhằm khẳng định tiềm năng to lớn của mảng giáo dục trực tuyến tại đây như FPT, KiddiHub, Equest, Elsa… Nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng bắt đầu rót vốn vào các startup trong lĩnh vực này. Với nền tảng công nghệ dẫn đầu và hệ sinh thái lớn, Galaxy Education tất nhiên cũng là cái tên hàng đầu đang được các nhà đầu tư quốc tế đặc biệt quan tâm.

Việt Nam đang tận hưởng làn sóng đầu tư từ nước ngoài do có nguồn lao động giá rẻ dồi dào và xu hướng dịch chuyển chuỗi sản xuất ra khỏi Trung Quốc của các công ty Mỹ. Nhưng nền kinh tế Đông Nam Á có nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Để vượt qua khó khăn này, lực lượng lao động phải được đào tạo bài bản hơn và dĩ nhiên giáo dục trực tuyến đang được chính phủ ưu tiên. Chính phủ Việt Nam đã đặt ra mục tiêu cung cấp giáo dục trực tuyến tại 90% trường đại học và 80% trường trung học và các cơ sở đào tạo nghề vào năm 2030, bài viết phân tích.

Người dân Việt Nam cũng ngày càng quan tâm đến giáo dục hơn. Theo Tổng Cục Thống kê, chi tiêu hàng năm cho giáo dục đã tăng 2,3 lần trong một thập kỷ lên khoảng 304 USD cho một học sinh vào năm 2020. Tuy nhiên, Nikkei cũng cho rằng cơ sở hạ tầng có thể cản trở sự bùng nổ của giáo dục trực tuyến tại Việt Nam khi kết nối Internet vẫn còn hạn chế ở các vùng nông thôn.

GIẤC MƠ CÓ THẬT VỀ 10 KỲ LÂN

Tại Đông Nam Á, bảng vàng kỳ lân đã hiện diện những cái tên quen thuộc như Bukalapak, Go-Jek, Traveloka, Tokopedia của Indonesia; Grab của Malaysia; Lazada, Razer, SEA (Garena) của Singapore...

Sự xuất hiện của những kỳ lân thế hệ thứ hai tại Việt Nam như MoMo đang góp phần hiện thực hoá mục tiêu nuôi dưỡng được 10 kỳ lân trong 10 năm tới. Sau thế hệ khởi nghiệp F1 đã hoặc chuẩn bị chạm ngưỡng kỳ lân như VNG, Tiki thì cũng bắt đầu xuất hiện bóng dáng các kỳ lân thuộc thế hệ thứ 2 như Finhay, GEE.

Theo ông Addie Thái, Giám đốc quỹ 500 Startups Vietnam, mục tiêu đạt con số 10 kỳ lân công nghệ tại Việt Nam là khó nhưng hoàn toàn có thể được. Ông Eddie nói hệ sinh thái startup của Việt Nam đã phát triển và quỹ của ông cần thay đổi chiến lược của mình để bắt kịp xu thế mới.

Xu thế mới được nhắc đến ở đây đã chỉ rõ sau giai đoạn bùng nổ “khởi nghiệp công nghệ”, nhiều startup tại Việt Nam đang bước vào giai đoạn trưởng thành, đặc biệt ở 3 lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech), công nghệ giáo dục (edtech) và công nghệ y tế (healthtech), góp phần thúc đẩy hoàn thiện “hệ sinh thái khởi nghiệp” với 10 kỳ lân công nghệ trong 10 năm tới.

Có thể thấy, cộng đồng khởi nghiệp tại Việt Nam đang đứng trên kiềng ba chân khá vững chắc: chính sách, nhân lực và nguồn vốn. Chính phủ tạo nên những điều kiện thông thoáng cho khởi nghiệp phát triển bên cạnh sự trợ lực từ các nguồn vốn đầu tư khởi nghiệp của nhiều quỹ đầu tư, ngân hàng đầu tư, các định chế tài chính tên tuổi…

Ngoài ra, Việt Nam cũng có lợi thế cạnh tranh về nguồn lực với đội ngũ tài năng trẻ dồi dào, các kỹ sư phần mềm được đánh giá là đứng đầu Đông Nam Á... Theo tổ chức Blink năm 2020, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam được đánh giá ở vị trí 59 trên thế giới. Chỉ tính riêng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam cũng nằm trong top 20 hệ sinh thái hàng đầu.

Nhiều năm không có unicorn mới nhưng chỉ trong 2 năm 2020 - 2021, Việt Nam có 2 unicorn liên tiếp 2020 (VNPay), 2021 (MoMo) cho thấy những bất ngờ vẫn đang ở phía trước trong thị trường startup Việt Nam. Trong một góc nhìn cụ thể, Công ty Tư vấn YCP Solidiance dự đoán giá trị giao dịch của lĩnh vực công nghệ tài chính “fintech” (mảng sáng nhất của xu hướng khởi nghiệp) tại Việt Nam sẽ đạt 22 tỉ USD vào năm 2025, một mức tăng đột biến, đáng khích lệ so với 9 tỉ USD của năm 2019. Trên thực tế, hàng loạt thương hiệu như MFast, Toss, VNPay… vừa mới công bố chiến lược mở rộng kinh doanh tại thị trường Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, sau những dòng chảy triệu USD vào các fintech này.

Điểm lạc quan là nền kinh tế số Việt Nam đang đứng thứ 3 trong khu vực về thu hút vốn, với 600 triệu USD từ năm 2018 đến nửa đầu 2019. Năm 2019, số lượng thương vụ đầu tư ít hơn, nhưng giá trị cao hơn. Một số thương vụ đầu tư vào MoMo, Sendo, Topica… từ các nhà đầu tư quốc tế góp phần đưa Việt Nam trở thành điểm đến của các đầu tư.

Theo Golden Gate Ventures, cuối thập kỷ này, sẽ có thêm nhiều công ty startup ở Đông Nam Á xuất hiện, với số lượng các công ty phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) hằng năm trong khu vực này dự kiến sẽ vượt qua con số 300 vào năm 2030. Trong số đó, Việt Nam được đánh giá là “ngôi sao đang lên” của khu vực và sẽ nổi lên trở thành quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp lớn thứ ba ở Đông Nam Á vào năm 2022, với thêm nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm trong khu vực cam kết rót vốn đầu tư giai đoạn đầu vào các công ty khởi nghiệp tại đây.

Việt Nam đang có hy vọng rất lớn về sự xuất hiện của những kỳ lân mới sau VNG, MoMo như Nexttech, Tiki, Topica, Sen Đỏ, Finhay, GEE… để hiện thực hóa giấc mơ 10 kỳ lân trong 10 năm.

Nói đến phát triển công nghệ, không thể không nhắc đến vai trò của các “thiên thần”. Tại Việt Nam hiện có gần 180 quỹ đầu tư hoạt động, với nhiều tên tuổi như VSV Capital - Vietnam Silicon Valley, Nextrans, Mekong Capital, Vietnam Investment Group, 500 Startups Vietnam, IDG Ventures Vietnam, sẵn lòng cho cuộc chơi biến các công ty startup thành những kỳ lân mới.

“Việt Nam là một trong những điểm đầu tư hấp dẫn nhất trong khu vực và trong thời gian tới, các nhà đầu tư sẽ hướng mạnh vào ba lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech), công nghệ giáo dục (edtech) và công nghệ y tế (healthtech). Nuôi dưỡng startup trong những lĩnh vực sôi động này trở thành kỳ lân như MoMo cũng là mục tiêu của chúng tôi cũng như không ít quỹ đầu tư”, bà Nguyễn Thanh Thảo, Tổng Giám đốc TVS, cho biết.