Sữa Cô Gái Hà Lan & sứ mệnh dinh dưỡng
Trên cương vị Chủ tịch khu vực châu Á của FrieslandCampina, bà Corine Tap đến Việt Nam khá thường xuyên trong 2 năm qua. Lần này, ngoài mục đích công việc thường lệ, bà đến Việt Nam để tham dự Hội nghị bàn tròn CEO nhân chuyến thăm chính thức của Phái đoàn Thương mại Hà Lan. Sự kiện này không chỉ khẳng định mối quan hệ song phương ngày càng phát triển giữa 2 nước mà còn thể hiện cam kết mạnh mẽ của FrieslandCampina tại Việt Nam, nơi Tập đoàn là một trong những nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên đặt chân đến ngay từ năm 1995, thời kỳ Đổi Mới của đất nước. Nhân dịp này, NCĐT đã trao đổi với bà Corine Tap về sứ mệnh tại Việt Nam của FrieslandCampina ở vai trò là tập đoàn dinh dưỡng hàng đầu thế giới với nhiều thương hiệu đã quen thuộc với người Việt như Sữa Cô Gái Hà Lan, Yomost, Friso, Fristi...
Theo bà, thách thức lớn nhất về dinh dưỡng của Việt Nam là gì?
An ninh lương thực đã là một trong những ưu tiên quốc gia của Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua, góp phần to lớn trong việc cải thiện sức khỏe và điều kiện sống của người dân. Dù vậy, Việt Nam vẫn nằm trong số 34 quốc gia có tỉ lệ suy dinh dưỡng cao nhất thế giới với 1,8 triệu trẻ em dưới 5 tuổi đang trong tình trạng này và có nguy cơ chịu rủi ro ảnh hưởng vĩnh viễn tới thể chất và trí não. Điều đó cho thấy an ninh dinh dưỡng tại Việt Nam, xét trên phương diện tiếp cận với nguồn thực phẩm an toàn, đủ dinh dưỡng, phù hợp với khả năng chi trả của người dân, lại chưa đạt được thành tựu như an ninh lương thực.
Dự án điều tra dinh dưỡng SEANUTS II mà chúng tôi thực hiện trên 14.000 trẻ em trong độ tuổi từ 6 tháng đến 12 tuổi tại Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam đã chỉ ra thách thức lớn về dinh dưỡng tại 4 quốc gia này. Đó là thách thức 3 gánh nặng về dinh dưỡng gồm suy dinh dưỡng thấp còi, thừa cân béo phì và thiếu vi chất dinh dưỡng.
Nghiên cứu SEANUTS II cho thấy, tại Việt Nam tỉ lệ còi xương và thiếu máu ở trẻ em lần lượt là 10% và 24%. Tỉ lệ thừa cân và béo phì ở trẻ từ 7-12 tuổi là 30%. Và hơn 70% trẻ em từ 6 tháng đến 12 tuổi bị thiếu vitamin D và calcium. Thực trạng này một mặt chỉ ra 3 gánh nặng về dinh dưỡng đang là thách thức lớn nhất đối với an ninh dinh dưỡng của Việt Nam, nhưng mặt khác cũng cho thấy tầm quan trọng của việc thực hiện các giải pháp dinh dưỡng phù hợp.
Vậy theo bà, đâu là giải pháp mà Chính phủ và các doanh nghiệp cần đưa ra để cùng cải thiện vấn đề an ninh dinh dưỡng?
Chiến lược Dinh dưỡng Quốc gia 2020-2030 và tầm nhìn năm 2045 của Việt Nam tiệm cận các nước phát triển, khi đề ra mục tiêu: Mọi người dân đều có quyền công bằng tiếp cận với dinh dưỡng và thực phẩm để đạt được tình trạng dinh dưỡng tối ưu, góp phần giảm thiểu gánh nặng bệnh tật.
Với thực trạng dinh dưỡng của người dân hiện nay, các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp nên tập trung vào 2 nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất, cung cấp các sản phẩm dinh dưỡng phù hợp với khả năng chi trả của người dân. Thứ 2, hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các bên như chính phủ, các tổ chức phi chính phủ (NGO), doanh nghiệp, cộng đồng, nhằm giúp người tiêu dùng hiểu biết rõ hơn về các sản phẩm dinh dưỡng phù hợp. Những nhiệm vụ này cũng phù hợp với các nhiệm vụ trọng tâm trong Chiến lược Dinh dưỡng Quốc gia 2020-2030 của Việt Nam, bao gồm: tăng cường công tác truyền thông, giáo dục dinh dưỡng; tăng cường công tác phối hợp liên ngành và vận động xã hội; tăng cường chuyên môn về can thiệp dinh dưỡng, bao gồm cả việc cải thiện chất lượng bữa ăn, đảm bảo an ninh thực phẩm và an ninh dinh dưỡng.
Với bối cảnh đó, sứ mệnh của FrieslandCampina, ở vị trí là tập đoàn dinh dưỡng hàng đầu thế giới, tại Việt Nam là gì?
Với di sản 150 năm và sự hiện diện tại hơn 100 thị trường trên toàn cầu, chúng tôi mong muốn góp phần cải thiện an ninh dinh dưỡng của Việt Nam thông qua việc cung cấp dinh dưỡng chất lượng tốt nhất, dễ tiếp cận và giá cả phù hợp cho mọi người dân Việt Nam. Cam kết này đã được chúng tôi thực hiện ngay từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam.
Vậy FrieslandCampina Việt Nam đã có những hành động cụ thể nào và có kết quả ra sao?
Để đạt được mục tiêu và cam kết như nêu trên, chúng tôi tập trung vào các hoạt động cụ thể.
Thứ nhất, hợp tác nghiên cứu khoa học về dinh dưỡng và sữa với các cơ quan liên quan của Việt Nam, như chương trình SEANUTS II nêu trên.
Thứ 2 là hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo cho các nông hộ chăn nuôi bò sữa thông qua Chương trình Phát triển ngành sữa được xây dựng từ những năm 1990. Chương trình này đã gắn kết với hơn 2.500 trang trại bò sữa trên khắp cả nước, thực hiện trên 10.000 lượt đào tạo hằng năm, giúp các nông hộ nâng cao chất lượng sữa và góp phần cải thiện thu nhập và sinh kế cho nông dân.
Thứ 3 là cung cấp nguồn dinh dưỡng chuẩn, dễ dàng tiếp cận và phù hợp với túi tiền của mọi người dân Việt Nam. Như tôi đã đề cập ở trên, một trong những thách thức cho sự phát triển thể trạng và sức khỏe của trẻ chính là 3 gánh nặng về dinh dưỡng và sữa là một trong những giải pháp dinh dưỡng an toàn và hợp túi tiền. FrieslandCampina Việt Nam cam kết mang đến nhiều lựa chọn về dinh dưỡng chuẩn mang lại giá trị dinh dưỡng cao với mức giá phải chăng nhất. Ví dụ gần đây nhất là sản phẩm sữa bịch Cô Gái Hà Lan 180 ml mới với giá chỉ 6.000 đồng.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là giáo dục dinh dưỡng. Chúng tôi hợp tác chiến lược với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam phát triển giáo án điện tử về giáo dục dinh dưỡng, trang bị cho hàng triệu học sinh tiểu học những hiểu biết cơ bản về dinh dưỡng và tầm quan trọng của dinh dưỡng từ sữa chuẩn. Chúng tôi cũng đầu tư vào hoạt động truyền thông đại chúng để nâng cao nhận thức của các bà mẹ Việt Nam về lợi ích của dinh dưỡng chuẩn nhằm giúp họ hình thành thói quen lựa chọn tiêu dùng dinh dưỡng tốt, cần thiết cho sự phát triển lâu dài của con mình.
Với một lộ trình dài như vậy, theo bà sẽ có những khó khăn gì trong thực thi?
Theo tôi, chiến lược và tầm nhìn đúng đắn về dinh dưỡng Việt Nam đã có. Quan trọng là chúng ta cần làm thế nào để thực hiện điều đó trên quy mô lớn, vì chỉ khi thực hiện ở quy mô có tầm cỡ thì mới có thể tạo ra được những tác động mạnh mẽ. Tôi nghĩ rằng Chính phủ Việt Nam, cộng đồng các doanh nghiệp dinh dưỡng cần cùng chung tay để thúc đẩy phong trào này, giúp người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ tiếp cận được dinh dưỡng chuẩn, phát triển thể chất và trí tuệ, xây dựng tương lai tươi sáng cho đất nước.
Giải pháp dinh dưỡng của cá nhân bà thì sao? Với lịch làm việc bận rộn, cộng thêm những chuyến công tác dài ngày của một Chủ tịch, bà cân đối dinh dưỡng cho bản thân như thế nào?
Tôi yêu thích công việc của mình, nhưng tôi cũng có một gia đình với 4 đứa con, việc cân bằng gia đình và công việc rất quan trọng. Công thức dinh dưỡng của tôi không quá khác biệt, tôi làm việc trong doanh nghiệp về dinh dưỡng, nên sữa là thực phẩm không thể thiếu. Tôi cũng sử dụng nhiều phô mai, một nguồn protein tốt giúp cơ thể chậm lão hóa. Tất nhiên, vận động từ 1-2 giờ mỗi ngày cũng là việc tôi thường làm. Tôi chú trọng duy trì chế độ dinh dưỡng và vận động cân bằng, phù hợp với thể trạng và điều kiện của mình, điều đó giúp tôi có được sức khỏe thể chất và tinh thần.