88% lao động ở Việt Nam đang sử dụng GenAI tại nơi làm việc so với 75% trên toàn cầu. Ảnh: Quý Hòa

 
Nguyễn Hằng Thứ Hai | 27/05/2024 11:13

Tăng vốn con người, tăng giá trị tổ chức

Doanh nghiệp có thể đạt được kết quả kinh doanh nhanh hơn nếu ngay từ bây giờ trang bị cho nhóm của mình những kỹ năng họ cần trong tương lai.

Việt Nam là nền kinh tế số có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á trong năm 2022, 2023 và được kỳ vọng sẽ duy trì vị thế này đến năm 2025. Theo HSBC, tốc độ tăng trưởng của kinh tế số tại Việt Nam tiếp tục gây ấn tượng khi đóng góp đến 16,5% GDP vào năm ngoái. Một khảo sát do HSBC thực hiện gần đây cho biết 6/10 doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam lên kế hoạch đầu tư vào công nghệ và số hóa hoạt động kinh doanh hiện tại, tập trung vào thanh toán số, thương mại điện tử và trí tuệ nhân tạo (A.I).

“Những công ty này tin rằng việc áp dụng và nâng cao các dịch vụ kỹ thuật số sẽ giúp họ đáp ứng mong đợi của khách hàng về sự tiện lợi kỹ thuật số và nâng cao hiệu quả”, HSBC cho biết. 

Bắt kịp thời đại A.I

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), cho đến năm 2027, 6/10 nhân viên sẽ cần được đào tạo, tuy nhiên một nửa không được tiếp cận nguồn lực để việc đào tạo được tiến hành. “Bạn không thể tiến về phía trước nếu bạn thiếu nhiều thứ”, ông Richard Qiu, Chủ tịch Quỹ New Ventures tại Udemy, phân tích.

Kể từ khi được giới thiệu lần đầu vào cuối năm 2022, A.I tạo sinh (GenAI) đang thay đổi cách doanh nghiệp làm việc và xác định lại các kỹ năng cần thiết để thành công. Viện Toàn cầu McKinsey cho biết 30% số giờ làm việc hiện nay có thể được tự động hóa vào năm 2023 với GenAI.

Việc ứng dụng GenAI đã gần như là một hành động tất yếu trong hầu hết các ngành kinh doanh đang vận hành trong mọi nền kinh tế. Trong báo cáo được phát hành vào tháng 5/2024, Microsoft cho biết chỉ sau 1 năm, A.I đã tác động đáng kể đến cách mọi người làm việc, lãnh đạo và tuyển dụng trên toàn thế giới.

Điều đáng ngạc nhiên là mức độ ứng dụng GenAI tại Việt Nam ở cả cấp độ cá nhân lẫn doanh nghiệp đều cao hơn so với trung bình thế giới. 88% lao động ở Việt Nam đang sử dụng GenAI tại nơi làm việc so với 75% trên toàn cầu. Trong khi 89% lãnh đạo tại Việt Nam tin rằng công ty của họ cần áp dụng A.I để duy trì tính cạnh tranh, chỉ gần một nửa số này lo ngại về việc thiếu kế hoạch và tầm nhìn để triển khai cụ thể (trên toàn cầu, các con số này lần lượt là 79% và 60%).

Microsoft cũng tiết lộ nhân viên đang sử dụng các công cụ A.I theo cách riêng của mình, dẫn đến việc bỏ lỡ những lợi ích của việc áp dụng A.I trên diện rộng một cách chiến lược, đồng thời tăng nguy cơ về an toàn thông tin của dữ liệu của công ty. “Các nhà lãnh đạo cần nắm bắt cơ hội để biến động lực này thành lợi nhuận đầu tư”, Microsoft kết luận.

“Nếu hôm nay có thể trang bị cho nhóm của mình những kỹ năng họ cần trong tương lai, doanh nghiệp có thể đạt được kết quả kinh doanh nhanh hơn”, ông Richard Qiu, Chủ tịch của nền tảng học trực tuyến sở hữu danh mục 16.000 khách hàng doanh nghiệp, trong đó có hơn một nửa danh mục Fortune 100, phân tích. “Giữ chân nhân tài hàng đầu, tăng năng suất, tăng doanh thu và duy trì tính liên tục”, ông nói. 

Lấp đầy khoảng cách

“Có một khoảng cách giữa những gì cá nhân học với những gì tổ chức mong đợi nhân viên học ở Việt Nam”, ông Richard Qiu nhận xét. Sau gần 2 năm chính thức đưa Udemy Business vào thị trường Việt Nam, ông nhận thấy trong khi cá nhân tham gia những lớp học thiên về kỹ thuật như phát triển phần mềm, chứng chỉ công nghệ thông tin, tiếp thị, tài chính kế toán hay ngoại ngữ, thì tổ chức lại kỳ vọng họ sẽ trau dồi các kỹ năng mềm như quản lý, giao tiếp, khả năng lãnh đạo hay GenAI.

Vì thế, Udemy đang vận hành 2 nền tảng, một cho cá nhân và một cho doanh nghiệp để giúp tái đào tạo kỹ năng và nâng cấp nguồn nhân lực. “Chúng tôi thấy trên thị trường, cá nhân đang học những kỹ năng cao cấp mang tính chức năng, hầu hết học những khóa về công nghệ. Họ nghĩ việc học này giúp họ tìm kiếm việc làm trong lĩnh vực công nghệ hoặc giúp họ làm công việc hiện tại tốt hơn”, ông Richard Qiu chia sẻ với NCĐT.

Tuy nhiên, ở góc độ tổ chức, ông Richard Qiu cho rằng khi thuê nhân sự, họ có thể đã giả định rằng nhân sự đã sở hữu những kỹ năng cứng đó. “Do đó, doanh nghiệp muốn nhân viên học kỹ năng mềm để đảm bảo họ có thể hợp tác, làm việc cùng nhau trong một đội nhóm và có khả năng lãnh đạo dự án”, ông nói.

Theo quan sát của ông Richard Qiu, người liên tục di chuyển giữa các quốc gia châu Á, cấu trúc này tại Việt Nam cũng tương tự như ở các quốc gia khác. Để lấp đầy khoảng cách giữa kỳ vọng của cá nhân và doanh nghiệp, Udemy làm việc với tổ chức để thiết kế “con đường học tập” nhằm giúp cá nhân và đội nhóm không chỉ học các kỹ năng chức năng hoặc kỹ năng cao cấp, mà còn học kỹ năng mềm. “Chúng tôi có thể giúp người học đạt được cả 2 loại kỹ năng”, vị Chủ tịch tự tin về danh mục đa dạng hơn 26.000 khóa học bằng 15 ngôn ngữ dành cho khách hàng doanh nghiệp của Udemy.

Với mô hình “chợ lớp học”, Udemy cho phép mọi người đều có thể vừa là học viên, vừa là giảng viên. Mô hình khác biệt này đem đến lợi thế về thời gian và quy mô cho họ. Từng rất nhanh nhạy trong việc ra mắt các lớp học liên quan đến công nghệ thông tin và A.I, giờ đây Udemy khá cân bằng trong việc cung cấp các lớp học liên quan đến kỹ năng cứng và kỹ năng mềm lẫn quản lý.