Minh Duy Thứ Hai | 30/10/2023 13:45

Nhìn lại The Makeover 2023: Nghĩ mới để làm mới

Những cách làm mới mẻ, những góc nhìn thú vị, những câu chuyện thực tiễn đã được chia sẻ trong 2 ngày diễn ra Hội thảo The Makeover...

“Với những tiềm lực đang có, doanh nghiệp Việt có thể tạo nên những điều chưa từng bằng các hoạt động đổi mới sáng tạo đa dạng”. - Bà Tiêu Yến Trinh, Nhà sáng lập & Tổng Giám đốc, Talentnet Corporation, khẳng định khi mở đầu Hội thảo The Makeover.

Trên thực tế, đổi mới sáng tạo không phải là một câu chuyện “mới”. Theo báo cáo gần nhất của Tập đoàn Tư vấn Boston, 79% doanh nghiệp toàn cầu nhìn nhận đổi mới là 1 trong 3 ưu tiên hàng đầu trong năm 2023, và 66% đang lên kế hoạch gia tăng chi tiêu để thúc đẩy đổi mới - sáng tạo trong tổ chức. Đây là sự phát triển vượt bậc so với năm 2009, thời điểm có ít hơn 2/3 doanh nghiệp xem đổi mới là cần thiết và chỉ 58% doanh nghiệp dự định tăng chi tiêu hàng năm cho hạng mục này.

Nhưng, làm thế nào để đổi mới hiệu quả thì lại cần có những cách tiếp cận “mới”.

“N” Ý TƯỞNG TRONG QUỸ THỜI GIAN HỮU HẠN

Tại một trong những bài trình bày đáng chú ý nhất của The Makeover, “Thức thời cùng sự đa diện của cải tiến và đổi mới”, Tiến sĩ. Sơn Đỗ Lệnh – Harvard Research, Giám đốc Trải nghiệm khách hàng, Công nghệ quản trị tài sản tại Ngân hàng tư nhân hàng đầu Thuỵ Sĩ đã có một khám phá cá nhân đầy thú vị.

Tại sao lại giới hạn đổi mới sáng tạo, trong khi đổi mới sáng tạo bản thân nó đã không có giới hạn? Ông Sơn Đỗ Lệnh gợi ý, trong hành trình đổi mới, doanh nghiệp nên tạo nhiều cơ hội để đội ngũ lao động đưa ra và triển khai các sáng kiến mới. Dĩ nhiên, vẫn có những giới hạn mà lãnh đạo doanh nghiệp cần cân nhắc.

 

Theo ông Lê Trí Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc PNJ, trong nỗ lực theo đuổi đổi mới (makeover), các nhà quản lý doanh nghiệp đang phải cạnh tranh với quỹ thời gian (timeover) và nguy cơ thất bại (gameover). Ông chia sẻ: “Nỗ lực đổi mới phải được thực hiện phù hợp với đặc điểm ngành và diễn ra trong một quỹ thời gian phù hợp, nếu không đó sẽ là một nỗ lực cải tiến thất bại”.

Nhận định của ông Lê Trí Thông được kiểm chứng qua khảo sát do Bain & Company Inc thực hiện, được chia sẻ tại hội thảo bởi ông Andrea Campagnoli - Partner, Head of Vietnam office, Bain & Company Inc. Theo kết quả từ 70.000 người lao động toàn cầu gửi về, trong số các tổ chức theo đuổi đổi mới, chỉ có 30% thành công.

Bên cạnh việc bị giới hạn thời gian, cách tiếp cận chưa phù hợp hoặc khả năng của tổ chức trong quá trình đổi mới, ông Andrea Campagnoli bổ sung một sai lầm phổ biến doanh nghiệp nên tránh - chọn đổi mới vì mục đích lợi nhuận. Theo ông, “Đổi mới sáng tạo không nên đơn thuần xuất phát từ mục tiêu lợi nhuận, tài chính. Cách tiếp cận này có thể khiến doanh nghiệp không nhận được sự ủng hộ từ đối tác, nhân viên, thậm chí làm suy giảm động lực để đổi mới”.

Ông Andrea Campagnoli cũng đóng góp cho hội thảo 4 mẫu số chung của 30% doanh nghiệp chuyển đổi thành công: chất lượng nhân tài và định hướng phát triển đúng đắn; sự kỷ luật; khả năng phối hợp của nhân lực trong tổ chức; sự bền bỉ.

 

HR - ÁT CHỦ BÀI CỦA DOANH NGHIỆP TRONG CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI 

Thị trường Việt Nam dù sở hữu lợi thế là nguồn lao động dồi dào, với 51,7 triệu người lao động từ 15 tuổi trở lên và có tuổi lao động trung bình là 32 - độ tuổi sung sức và tham gia vào thị trường tích cực nhất, nhưng doanh nghiệp tuyệt đối không thể chủ quan. Theo “Báo cáo xu hướng nhân tài châu Á - Thái Bình Dương” được công bố tại The Makeover, tình trạng thiếu hụt nhân tài đang diễn ra trầm trọng nhất trong 16 năm qua. Người làm HR trở thành “át chủ bài” của doanh nghiệp với những chiến lược nhân tài sáng tạo để đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp.

Trong phiên tọa đàm “Kỹ năng nhân sự: Kiểu mới hay kiểu khác?”, bà Nguyễn Thị An Hà, Giám đốc Marketing & Hợp tác chiến lược, Talentnet Corporation khẳng định: “Trong thế giới đầy xáo động, HR không còn gói gọn công việc trong các hoạt động truyền thống mà cần phải tự trang bị những kỹ năng tưởng chừng không hề liên quan đến nhân sự”.

 

Một trong những kỹ năng tiêu biểu HR cần trang bị trong thời đại đổi mới là năng lực truyền thông và xây dựng nhân hiệu. Từ góc độ chuyên môn, ông An Bùi, Giám đốc Marketing mảng kinh doanh, TikTok Việt Nam chia sẻ: “Trung bình, doanh nghiệp chỉ có 6s để gây ấn tượng với khách hàng mục tiêu của mình. Trong thời đại đổi mới, doanh nghiệp cũng rất cần tạo ấn tượng với ứng viên tiềm năng để tạo lợi thế trong thị trường tuyển dụng đầy cạnh tranh. Lúc này, HR nếu sở hữu một nhân hiệu tốt sẽ trở thành nam châm thu hút nhiều nhân tài đến với tổ chức”.

Bên cạnh đó, “nghiên cứu dữ liệu” cũng là một kỹ năng đáng chú ý mà HR nên trang bị được bà Alexis Phạm, Giám đốc Nhân sự, Home Credit Vietnam và ông Nguyễn Khắc Nguyện, Phó Tổng Giám đốc, ACB gợi ý.

 

Theo “Báo cáo xu hướng nhân tài châu Á - Thái Bình Dương” được công bố tại sự kiện, 88% doanh nghiệp tin rằng mình quan tâm đến nhân viên, nhưng chỉ 66% nhân viên tin rằng doanh nghiệp thực sự quan tâm đến sức khỏe toàn diện của họ. Một số liệu gây sốc khác được ông Alan Malcolm - Head of Partnerships, Udemy chia sẻ tại hội thảo: “Mỗi năm, 7,8 tỉ USD, tương đương 11% GDP toàn thế giới đã thất thoát, chỉ vì người lao động mất kết nối với doanh nghiệp”. Nhưng theo ông Alan Malcolm, ở chiều ngược lại, công ty sở hữu lực lượng lao động gắn kết có khả năng tạo lợi nhuận tốt hơn 23% so với các công ty còn lại.

Những số liệu đã chứng minh, nếu chỉ dựa trên cảm tính, góc nhìn chủ quan, lãnh đạo và các nhà quản trị nhân sự hoàn toàn có thể đưa ra những quyết định sai lầm, dẫn đến thiệt hại to lớn. Và đó là lý do theo bà Alexis Phạm, việc đưa ra quyết định ở thời đại đổi mới cần dựa trên dữ liệu, được thu thập từ toàn bộ nhân sự trong tổ chức. “Trong thời đại mới, HR chính là những “mọt số”, luôn đo lường để tìm ra những dữ liệu gợi ý cho phương pháp cải thiện trải nghiệm làm việc và hiệu suất nhân viên”, bà Alexis khẳng định.

LÀM CHỦ CẢM HỨNG ĐỔI MỚI Ở TỪNG NHÂN VIÊN

Khi những góc nhìn về đổi mới ở khía cạnh toàn tổ chức và ở góc độ các chuyên gia quản trị nhân sự đã được lật mở, bài trình bày “7 nguyên tắc làm chủ thế giới” của diễn giả TED Talk Andreas Ekstrom tiếp cận đổi mới - sáng tạo ở góc độ cá nhân nhất - bản thân mỗi người lao động.

Theo vị diễn giả đã từng tham gia diễn thuyết tại hơn 30 quốc gia toàn cầu, khi thế giới biến động, người lao động cần trụ vững và tìm cách duy trì thế thượng phong trong mọi trường hợp. Làm được điều đó, người lao động sẽ tự do, thoải mái tiếp cận sáng tạo. 7 nguyên tắc được ông Andreas Ekstrom chia sẻ bao gồm: Làm chủ danh tính; làm chủ thời gian; làm chủ tài chính; làm chủ những điều chúng ta muốn thấy; kết nối với cộng đồng; làm chủ không gian giao tiếp; cân nhắc kỹ lưỡng về A.I.

 

Trong 7 nguyên tắc, “Làm chủ danh tính” là nguyên tắc cốt lõi. Bản thân mỗi người lao động cần tìm ra đáp án cho câu hỏi “Vai trò, thế mạnh và triết lý làm việc của mình là gì?”.

Ngoài sự nỗ lực tự thân, hỗ trợ cho người lao động trong hành trình làm chủ danh tính một lần nữa không ai khác ngoài HR. Bà Nguyễn Hà Trang, Giám đốc Nhân sự, PepsiCo Foods Vietnam đã so sánh HR với một vai trò hiếm ai nghĩ đến – đó là “thầy thuốc”. Theo bà, “Với mỗi nhóm lao động, HR sẽ cần “bắt bệnh” để đưa ra những “bài thuốc” khác nhau. Đó là những sáng kiến, giải pháp được cá nhân hóa để giải quyết những khó khăn hiện tại của người lao động, giúp họ xác định năng lực và tiềm năng phát triển của bản thân. Từ đó, kích khởi năng lực đổi mới trong từng nhóm lao động”.

 

Chính PepsiCo Foods Vietnam đang triển khai chương trình thay đổi tư duy cho người lao động. Theo đó, dựa trên vị trí và rào cản tư duy mà từng nhân viên gặp phải, Công ty sẽ có những chương trình với cấp độ dần được nâng cao, nhằm mở rộng nhận thức và khai phóng năng lực cá nhân:

Fixed mindset & Growth mindset: thay thế tư duy cố hữu và sẵn sàng thay đổi để thích ứng.

Dare mindset: dám vượt qua vùng sợ hãi, tiến tới vùng học hỏi, tích cực đưa ra và thử nghiệm những phát kiến mới.

Our mindset: tư duy cùng thắng để thống nhất mục tiêu chung của lãnh đạo và lao động.

Còn với SAP, bà Akshita Shetty, CHRO of SAP Đông Nam Á, Interim HR Leader for Customer Success of SAP APJ đã hé lộ: “Công thức SAP đang áp dụng để kích hoạt mã gen sáng tạo cho lực lượng lao động gồm 3 thành tố (3T): đưa chuyển đổi (Transformation) trở thành văn hóa tổ chức; đầu tư vào chiến lược nhân tài (Talent Strategy) và liên tục cập nhật công nghệ (Technology) tân tiến”.

 

Nhờ đa dạng góc nhìn từ dàn diễn giả đẳng cấp, cùng số liệu độc quyền từ “Báo cáo xu hướng nhân tài châu Á - Thái Bình Dương” và “Báo cáo lương thưởng, phúc lợi Talentnet – Mercer 2023”, The Makeover đã hoàn thành sứ mệnh cung cấp nhiều gợi ý tiếp cận đổi mới - sáng tạo cho doanh nghiệp Việt Nam.

Đồng hành cùng Talentnet trong hành trình tạo nên hội thảo đổi mới The Makeover là Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau, Tổng Công ty Dầu Việt Nam PVOil, Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận PNJ, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín Sacombank. Chia sẻ về hội thảo, ông Nguyễn Chí Kiên, Giám đốc Cao cấp Nguồn nhân lực  - Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận PNJ cho biết: “Đây là sự kiện doanh nghiệp quy mô, hoành tráng, sở hữu cách thức tổ chức sáng tạo và bao hàm nhiều điểm chạm kích thích tư duy đổi mới đáng suy ngẫm mà người tham gia có thể rút ra để áp dụng cho tổ chức của mình”.