Hội nghị đầu tư 2020 do Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư tổ chức ngày 5.11. Ảnh: Quý Hòa.
Dòng tiền mới hậu COVID-19
Thực tế, dù chưa kết thúc năm 2020 nhưng giới phân tích đều cùng chung nhận định, thế giới đã qua một năm 2020 đầy biến động, ngoài tầm dự đoán. Trong đó, như nhận định của ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên Cấp cao, Fulbright Vietnam, tại Hội nghị đầu tư mang tên “Dòng tiền mới” do Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư tổ chức tại TP.HCM ngày 5.11, dịch COVID-19 xuất hiện đã tạo cú sốc kép cho thị trường. Từ phía cung, đó là giảm sức sản xuất khi nhiều nhà máy phải đóng cửa vì cách ly. Còn chuỗi cung ứng thì bị xáo trộn và có nhiều rào cản về đi lại.
Chuyển hóa “cú sốc kép”
Theo Tổng Cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 3.2020 giảm tới 68,1% so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt, 2 thị trường khách quốc tế lớn nhất của du lịch Việt Nam là Trung Quốc và Hàn Quốc đều giảm 91,5% và 91,4%. Trong khi đó, dẫn các số liệu, ông Thành nhấn mạnh, các nhà máy sản xuất công nghiệp lại ít bị tác động bởi COVID-19.
Số liệu từ Tổng Cục Thống kê cho thấy chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 5,4% so với cùng kỳ, gấp đôi mức tăng trưởng của 10 tháng đầu năm là 2,7%. Ngành công nghiệp chế biến chế tạo vẫn là động lực tăng trưởng chính, với mức tăng 8,3% trong tháng 10, bên cạnh một số ngành như sản xuất thuốc (+25,3%), kim loại (+15,2%), sản phẩm điện tử (+16,8%).
Các nhà đầu tư tại sàn HOSE TP.HCM. Ảnh: Quý Hòa. |
Còn chuỗi cung ứng cũng không bị xáo trộn quá tiêu cực và logistics hàng hóa nguyên liệu đầu vào của Việt Nam so với một số nước như Hàn Quốc... không bị ngưng trệ. Theo lý giải của đại diện Savills Việt Nam, đó là nhờ Việt Nam có dân số đông (96 triệu người), ký kết nhiều hiệp định thương mại như EVFTA, chính trị ổn định, tốc độ tăng trưởng nhanh và môi trường kinh doanh cải thiện. Việt Nam cũng có lợi thế giá nhân công rẻ, giá thuê đất phải chăng, nhờ ưu đãi thuế... Ngoài ra, báo cáo của JLL Việt Nam nhận định: “Dịch COVID-19 có thể là chất xúc tác mới thúc đẩy quá trình dịch chuyển sản xuất diễn ra nhanh hơn”.
“Tuy nhiên, sức cầu giảm là một vấn đề quan trọng. Khi đứng trước nỗi lo thất nghiệp hoặc giảm thu nhập, thói quen chi tiêu của người dân đã thay đổi theo hướng tiết kiệm, cắt giảm bớt các khoản chi không cần thiết. Đây mới là tác động tiêu cực nhất và sẽ còn kéo dài”, ông Thành nhận định.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho hay, 9 tháng năm 2020, doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ở Việt Nam giảm 3,6% so với cùng kỳ, sau khi đã loại bỏ lạm phát. Hay tần suất di chuyển đến các cơ sở dịch vụ (nhà hàng, trung tâm mua sắm, giải trí) ở Việt Nam vào đầu tháng 10 giảm 21% so với giai đoạn bình thường trước COVID-19. Ngoài ra, việc doanh nghiệp cắt giảm chi tiêu đầu tư vì lo ngại viễn cảnh kinh tế ảm đạm cũng tác động đáng kể. Dù vậy, mặt tích cực là các khoản chi tiêu đầu tư này được bù đắp một phần bởi xuất khẩu và gia tăng đầu tư công.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ cuối tháng 7 đã có chuyển biến tích cực, với lượng giải ngân ước đạt hơn 321.529 tỉ đồng, hoàn thành 68,3% kế hoạch. Đây là con số đáng chú ý vì cùng kỳ năm ngoái, vốn đầu tư công chỉ được giải ngân ở mức 54,69% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Riêng về xuất khẩu, theo Tổng cục Hải quan, xuất khẩu Việt Nam trong 9 tháng năm 2020 là 202,6 tỉ USD, tăng nhẹ 4% nhờ kim ngạch tăng mạnh vào thị trường Mỹ, Trung Quốc.
Trong đó, xuất khẩu đạt giá trị cao nhất là các sản phẩm điện tử, máy móc thiết bị, nội thất... Còn những hàng hóa xuất khẩu truyền thống như dệt may, da giày, thủy sản... thì ghi nhận đà suy giảm so với cùng kỳ. Suy giảm mạnh nhất là ở thị trường EU, Đông Nam Á.
Quỹ đạo tăng trưởng 2021
Việt Nam hiện là một trong những quốc gia kiểm soát thành công dịch COVID-19 và được thế giới đánh giá cao. Ông Thành dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2020 đạt 2,5% nhờ tăng trưởng đầu tư công và tăng trưởng xuất khẩu. Năm 2021, tăng trưởng GDP Việt Nam có thể đạt 6,9%, khả năng phục hồi dự kiến diễn ra từ quý II/2021. Đầu tư công vẫn là một động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, tiêu dùng dân cư và đầu tư tư nhân chưa thể tăng mạnh trở lại; đồng thời du lịch chưa thể phục hồi...
Tuy nhiên, ở ngành bất động sản, Công ty McKinsey (MGI) nhận định: “Dù bầu trời kinh tế toàn cầu phủ đám mây u ám, một số lĩnh vực kinh tế vẫn sẽ ít bị ảnh hưởng hơn, thậm chí có khả năng phục hồi sớm. Bất động sản là một trong số đó”. Ông Nguyễn Thái Phiên, Giám đốc cấp cao của Novaland, cũng quan sát thấy, trong thời gian dịch bệnh, dù có xảy ra việc trả mặt bằng hoặc đóng cửa hàng nhưng ở phân khúc bất động sản bán lẻ, giá thuê và tỉ lệ lấp đầy vẫn ổn định.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổng cục Thống kê, vốn FDI đổ vào Việt Nam trong 10 tháng qua dù có giảm nhẹ so với cùng kỳ nhưng vẫn ghi nhận con số giải ngân đáng kể: 15,8 tỉ USD. Nếu tính cả nguồn vốn FDI đăng ký, con số là 17,37 tỉ USD. Theo ông Phạm Văn Thinh, Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam, sản xuất vẫn là động lực cho vốn FDI. Trong đó, Hàn Quốc, Nhật, Singapore, Đài Loan... là những quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn FDI cam kết đổ vào Việt Nam nhiều nhất. Đây sẽ là động lực thúc đẩy kinh tế Việt Nam phục hồi và phát triển hậu COVID-19.
Cầu Thủ Thiêm 2 là một trong những dự án đầu tư lớn. Ảnh: Quý Hòa. |
Từ quý IV.2020, theo dự đoán ông Phiên, đà phục hồi sẽ còn mạnh mẽ nhờ mua sắm nội địa gia tăng, nhờ Hiệp định thương mại Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực... Ở phân khúc văn phòng cho thuê, tuy dịch bệnh khiến nhu cầu thuê văn phòng ít lại nhưng quy mô thuê lại lớn hơn trước và giá thuê vẫn có xu hướng tăng (3% so với cùng kỳ). Đặc biệt, tại phân khúc bất động sản công nghiệp, các chuyên gia đồng tình, có nhiều yếu tố thúc đẩy thị trường này. Trong đó, dòng vốn FDI được xem là cơ sở quan trọng.
Sang năm 2021, theo ông Thành, dòng vốn FDI đến Việt Nam sẽ còn tăng nhờ tiếp tục triển khai những dự án bị hoãn trước đó do các lệnh giãn cách. Ngoài ra, các yếu tố như sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, công nghiệp chế biến chế tạo hướng vào xuất khẩu, Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ tháng 8.2020 cùng đà phục hồi xuất khẩu của Việt Nam sang Đông Bắc Á và Đông Nam Á sẽ càng thúc đẩy dòng vốn FDI.
Ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành kiêm Trưởng Bộ phận Đầu tư Tập đoàn VinaCapital, cũng nhận định đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII đầu tư thông qua vốn cổ phần hoặc trái phiếu) là một lĩnh vực mà Việt Nam có cơ hội thu hút dòng vốn hậu COVID-19, khi ngân hàng trung ương các nước in thêm 6.000 tỉ USD thông qua những chương trình nới lỏng định lượng. Dòng vốn này chắc chắn sẽ hỗ trợ đáng kể cho thị trường chứng khoán. Trước đây, chỉ số VN-Index tăng gần 50% trong năm 2017 khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) phát hành 1.000 tỉ USD tiền mới.
Xét về chỉ số, theo dự đoán của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), VN-Index khó có khả năng giảm sâu trong quý cuối cùng của năm 2020 vì dịch bệnh vẫn được kiểm soát tốt, kinh tế Việt Nam đang trong quá trình phục hồi, dòng tiền trong nước vẫn đổ vào chứng khoán đầy khả quan, trung bình đạt gần 9.800 tỉ đồng/phiên trong tháng 10 vừa qua, tăng hơn 111% so với cùng kỳ.
Với các doanh nghiệp, ngoài gọi vốn từ phát hành cổ phiếu, đàm phán với ngân hàng thì tìm vốn qua kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp cũng rất thịnh hành. Trong 8 tháng năm 2020, theo thống kê chung, đã có 287.300 tỉ đồng trái phiếu doanh nghiệp được phát hành, cao gấp 2,2 lần so với cùng kỳ. Nếu loại trừ trái phiếu do các ngân hàng thương mại phát hành, con số này gấp 2,8 lần cùng kỳ. Trong đó, nhiều nhất là trái phiếu bất động sản.
Một điểm sáng khác tạo đà phục hồi nhanh chóng cho Việt Nam và thu hút vốn mới là vĩ mô ổn định. Việt Nam đã có những chính sách để giữ lạm phát trong tầm kiểm soát, ổn định tỉ giá, giảm lãi suất và đạt thặng dư thanh toán. Từ đầu năm đến nay, dự trữ ngoại tệ tăng thêm 14 tỉ USD, đạt 92 tỉ USD vào cuối tháng 8.2020. Với những nỗ lực này, World Bank và cả Chính phủ Việt Nam đều lần lượt đưa ra những dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 đầy khả quan cho Việt Nam với mức tăng trưởng trung bình 6,5-7%/năm.
Chuẩn bị đường bay mới
Triển vọng năm 2021 được hầu hết chuyên gia đồng tình là tươi sáng hơn năm 2020, nhất là khi thế giới tin tưởng rằng, đại dịch sẽ được kiểm soát vào giữa năm 2021, khi có vaccine. Kinh tế toàn cầu, đặc biệt ở Đông Bắc, Đông Nam Á cũng đang trên đà khởi sắc, đạt tình trạng bình thường mới. Trong đó, sức cầu nguyên liệu sản xuất công nghiệp chế tạo đang dần hồi phục. Đây là những cơ sở để các nước ước định những con số tăng trưởng cho mình.
Tuy nhiên, nhiều lo ngại về tính bất trắc có thể xảy ra trong năm 2021. Trong đó, thế giới sẽ chưa thể dập được COVID-19 trong năm 2021 mà phải sống và kinh doanh chung với dịch bệnh. Một nghi ngại khác liên quan đến diễn biến giá vàng tiếp tục ở mức cao và thị trường chứng khoán năm 2021 có thể trồi sụt...
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã điều chỉnh dự báo ngắn hạn về đà phục hồi cho năm 2021 theo hướng yếu hơn (chỉ tăng 5,2% so với 5,4%). Ngoài ra, những thách thức đến từ thương mại quốc tế có khả năng tăng trưởng chậm và chiến tranh thương mại, chiến tranh công nghệ vẫn tiếp tục. Riêng với Việt Nam, áp lực còn đến từ nỗi lo khi Mỹ mở cuộc điều tra liệu Việt Nam có định giá thấp đồng tiền của mình và gây tổn thương cho thương mại Mỹ hay không. Nguyên cớ đưa tới cuộc điều tra này là do Mỹ đã vươn lên trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với thặng dư thương mại của Việt Nam - Mỹ 8 tháng năm 2020 là 37,7 tỉ USD, trong khi cùng kỳ chỉ 29,8 tỉ USD, theo số liệu Tổng Cục Hải quan.
Chuyển đổi số kỳ vọng sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới cho kinh tế Việt Nam. Ảnh: ictvietnam.vn |
Dù thuận lợi hay gặp trở ngại, theo các chuyên gia, doanh nghiệp vẫn nên chuẩn bị kỹ lưỡng cho những biến động của năm 2021. Ông Phạm Văn Thinh, Deloitte Việt Nam, đã đưa ra 5 giải pháp mà doanh nghiệp cần giải quyết nếu muốn vươn lên trong giai đoạn này. Đó là tái nhận diện và điều chỉnh mô hình kinh doanh; đầu tư vào chuyển đổi kỹ thuật số; cân nhắc phương thức làm việc tương lai; tăng cường khả năng quản trị rủi ro an ninh mạng; tái cấu trúc để nắm bắt các cơ hội từ mua bán - sáp nhập doanh nghiệp.
Chi tiết hơn, ông Pramoth Rajendran, Giám đốc Toàn quốc Khối Quản lý tài sản và Tài chính cá nhân HSBC, cho rằng đại dịch đã mang đến những đòi hỏi mới buộc phải chuyển đổi số. Khả năng phục hồi của nền kinh tế Việt Nam và mức độ thâm nhập ngày càng gia tăng của smartphone sẽ hỗ trợ tốc độ số hóa. Theo nghiên cứu của HSBC, bằng thanh toán kỹ thuật số, cơ hội tăng trưởng doanh thu có thể lên đến 10 tỉ USD vào năm 2030. Cơ hội trở nên rộng hơn khi mức độ thâm nhập của các ngân hàng ở ASEAN còn thấp. Các công ty dịch vụ tài chính kỹ thuật số có thể tiếp cận nhóm dân số chưa có tài khoản ngân hàng, chưa sử dụng các dịch vụ tài chính chính thống.
Một cơ hội khác là doanh nghiệp có thể biến dữ liệu thành sức mạnh. Trong xu hướng này, Việt Nam cần đẩy mạnh chiến lược chuyển đổi sang nền kinh tế số. Ông Phùng Tuấn Đức, Tổng Giám đốc Gojek Việt Nam, nhấn mạnh, chính dữ liệu (big data) là “dầu mỏ mới” cho động lực tăng trưởng. Doanh nghiệp có thể khai thác dữ liệu để chuyển hóa thành lợi thế kinh doanh. Chẳng hạn, 35% doanh số bán hàng của người khổng lồ Amazon đến từ các đề xuất sản phẩm được cá nhân hóa dựa trên lịch sử mua hàng và duyệt web của người dùng.
Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu rằng dữ liệu ở mọi nơi nhưng sự thấu hiểu khách hàng mới quan trọng. Để biến dữ liệu thành sức mạnh tài chính, theo đại diện Gojek, doanh nghiệp cần đầu tư trang bị nền tảng máy học (machine learning), tối ưu hóa vòng lặp thấu hiểu khách hàng - hành động.