Bất động sản hàng hiệu đến Việt Nam sau 100 năm hình thành
Bất động sản hàng hiệu (branded residences) là gì?
Một dự án nhà ở có sự hợp tác giữa một nhà phát triển bất động sản uy tín và một thương hiệu danh tiếng. Phần lớn thương hiệu này là một tên tuổi trong lĩnh vực khách sạn, sẽ tham gia vào quá trình thiết kế, xây dựng, đồng thời quản lý và vận hành dự án để cung cấp cho khách hàng những dịch vụ và tiện ích cao cấp theo phong cách khách sạn 5 sao trở lên. Ngoài ra các thương hiệu này có thể là một tên tuổi trong lĩnh vực xe hơi, thời trang, phong cách sống hoặc người nổi tiếng.
Tùy thương hiệu mà mỗi dự án bất động sản hàng hiệu sẽ có một nét đặc trưng của thương hiệu đó, ví dụ như tiêu chuẩn dịch vụ đối với thương hiệu khách sạn (ví dụ như Marriott, Four Seasons), hay tiêu chuẩn, phong cách thiết kế đối với thương hiệu thời trang (ví dụ như Armani, Bvlgari).
Ai “phát minh” ra bất động sản hàng hiệu?
Vào cuối những năm 20 của thế kỷ trước, những căn hộ hàng hiệu đầu tiên xuất hiện tại tòa tháp Sherry-Netherland Hotel tại New York. Tòa tháp này cao 38 tầng với 165 căn hộ và 50 phòng khách sạn được xây dựng theo ước nguyện của hai doanh nhân Louis Sherry và Lucius Boomer - đó là tạo ra một nơi đáng sống hơn bất cứ nơi đáng sống nhất nào trên thế giới.
Nhờ vào vị trí đắc địa, nằm ngay trung tâm thành phố New York và cạnh công viên Manhattan, tòa nhà này nhanh chóng trở thành nơi ở của rất nhiều doanh nhân giàu có và ngôi sao nổi tiếng.
Hơn 50 năm sau, mô hình bất động sản hàng hiệu mới bắt đầu nở rộ với sự tham gia của nhiều nhà phát triển bất động sản và thương hiệu khách sạn khác.
Vào năm 1986, Four Seasons mới chính thức giới thiệu dự án bất động sản hàng hiệu thứ 2 trên thế giới, tại thành phố Boston, đánh dấu một bước phát triển mới của mô hình nhà ở dành cho giới thượng lưu ở thị trường Bắc Mỹ.
Thị trường nhà hiệu phát triển mạnh những năm gần đây. Chỉ trong vòng 10 năm, số lượng các dự án bất động sản hàng hiệu trên toàn cầu đã tăng 170% lên 517 dự án với 76.000 căn hộ, nhưng hầu hết các dự án đều tập trung tại Mỹ với thị phần 35% các dự án đã đi vào hoạt động.
Marriott International hiện là thương hiệu dẫn đầu thị trường với 109 dự án đã hoàn thành. Các thương hiệu như Accor, YOO Inspired by Starck, Four Seasons, Trump và nhiều thương hiệu khách sạn khác cũng đang cạnh tranh quyết liệt trong thị trường này, nhưng số lượng dự án trong tương lai cho thấy Marriott sẽ tiếp tục giữ vững ngôi vương trong thời gian tới.
Số người giàu tăng gấp đôi – động lực tăng trưởng cho thị trường nhà hiệu
Theo nghiên cứu của Công ty Tư vấn bất động sản Jones Lang LaSalle (JLL), số người có tài sản ròng trên 1 triệu USD trên thế giới đã tăng gấp đôi trong giai đoạn năm 2008 và 2017. Các triệu phú, tỉ phú này luôn có ước muốn trở thành công dân toàn cầu và sống trong những căn hộ cao cấp bậc nhất tại các thành phố lớn nhất trên thế giới.
Đây chính là nền tảng thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của bất động sản hàng hiệu trong những năm qua.
Nhà hiệu “di cư” sang châu Á
Trong khi Mỹ đang là thị trường dẫn đầu trong phân khúc bất động sản này, Trung Đông và châu Á được dự đoán sẽ là “kinh đô” tiếp theo của nhà hiệu vì rất nhiều dự án mới đang được tập trung vào khu vực này.
Cũng như các sản phẩm, dịch vụ cao cấp khác, bất động sản hàng hiệu có khuynh hướng di chuyển sang những nơi kinh tế phát triển ổn định để đáp ứng nhu cầu của những người có tài sản ròng cao.
Bất chấp đại dịch COVID-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Savills ước tính trong năm 2021 sẽ có ít nhất 100 dự án bất động sản hàng hiệu được đưa vào sử dụng, trong đó cứ 4 dự án mới thì có 1 dự án tại châu Á – Thái Bình Dương.
Kinh tế các nước đang phát triển ở châu Á tăng trưởng khá ấn tượng trong giai đoạn này. GDP thực tế của khu vực tính theo sức mua tương đương đã tăng lên 24.500 tỉ USD năm 2009 từ mức 3.300 tỉ USD năm 1980.
Đây là mức tăng 7,5 lần, cao hơn nhiều so với mức tăng 3 lần của toàn cầu. GDP bình quân đầu người ở châu Á tăng gấp 4 lần trong giai đoạn này, theo báo cáo của ADB.
Tại thị trường châu Á Thái Bình Dương, Four Seasons đang là thương hiệu dẫn đầu về số lượng dự án. Bên cạnh đó các thương hiệu như Ritz-Carlton và YOO Inspired by Starck đang tăng cường danh mục dự án tại khu vực này.
Ở châu Á, các dự án Branded Residences mới tập trung phần lớn ở khu vực Đông Nam Á, chiếm hơn 90% trong tổng số dự án. YOO Inspired by Starck, thương hiệu lớn nhất trong lĩnh vực này, đang phát triển nhiều dự án tại Bangkok, Kuala Lumpur, Hồng Kông, và Manila.
Thái Lan đang trở thành thị trường dẫn đầu ở châu Á vì có nhiều dự án đang được triển khai nhất, với tổng cộng hơn 30 dự án, cung cấp cho thị hơn 4.700 căn hộ, chiếm 29% tổng số căn hộ đang hình thành.
Chỉ trong 10 năm, thị trường này tăng trưởng 170%. Điều gì khiến branded residences trở nên hấp dẫn đến như vậy?
Khả năng chống chịu tốt trong mọi biến cố của thời đại
Từ khi hình thành cho đến nay, loại hình bất động sản hàng hiệu đã tăng trưởng tốt qua nhiều giai đoạn suy thoái kinh tế toàn cầu. Gần đây nhất, đại dịch COVID-19 đã giúp phân khúc bất động sản này minh chứng được giá trị bền vững bất chấp mọi biến cố.
Khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 khiến cho nền kinh tế toàn cầu tổn thất hơn 2.000 tỉ USD. Đại dịch COVID-19 cũng khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại ít nhất 3.940 tỉ USD, tương đương 4,5% GDP toàn cầu.
Tuy nhiên, bất chấp những diễn biến ảm đạm của nền kinh tế, phân khúc bất động sản hàng hiệu duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững. Số lượng dự án mới không những không giảm mà vẫn tiếp tục tăng mạnh ngay trong năm khủng hoảng 2008 và nhiều năm tiếp theo.
Trong năm 2020, kết quả khảo sát của Knight Frank cho thấy giá bất động sản hàng hiệu ở các thành phố lớn trên thế giới vẫn tăng, cao hơn so với kỳ vọng. Trên 70% số thành phố được khảo sát có giá tăng, so với tỉ lệ 29% các thành phố có giá giảm trong năm qua.
Số lượng hạn chế - hàng hiệu phiên bản giới hạn
Đa phần các dự án bất động sản hàng hiệu tập trung ở các đô thị lớn (74% theo Knight Frank Malaysia) với vị trí đắc địa, độc tôn nhất trong thành phố, nên số lượng dự án và căn hộ có mặt trên thị trường rất hạn chế. Đến thời điểm hiện tại, cả thế giới chỉ có 76.000 căn hộ hàng hiệu. Giá trị của căn hộ hàng hiệu cũng vì vậy mà sẽ tăng rất mạnh.
Nhờ có thương hiệu danh tiếng và vị trí đắc địa nên chủ nhà ít khi bán lại mà giữ bất động sản này trong một thời gian rất dài. Điều này càng khiến cho bất động sản hàng hiệu trở nên khan hiếm trên thị trường.
Hàng hiệu tích sản
Giá trị bền vững vượt thời gian của bất động sản hàng hiệu cũng là một trong những yếu tố tạo nên sự ưu việt của loại hình bất động sản siêu sang này. Trong khi những món đồ hiệu là tiêu sản, bất động sản, đặc biệt là bất động sản hàng hiệu là tài sản tích lũy lâu dài.
Bên cạnh đó với bảo chứng bởi những thương hiệu danh tiếng thế giới, bất động sản hàng hiệu có giá trị thương mại toàn cầu. Dễ dàng tìm thấy những khách hàng nước ngoài tại các dự án bất động sản hàng hiệu; trong số họ, có những người sở hữu bất động sản hàng hiệu tại nhiều thành phố trên thế giới như một bộ sưu tập.
Biểu tượng của địa vị và thành công
Giới siêu giàu không chỉ xem căn hộ hàng hiệu là một tài sản tích lũy mà còn là một món “trang sức” đắt tiền để thể hiện đẳng cấp của mình. Cũng nhờ thương hiệu danh tiếng, chủ nhân của căn hộ hàng hiệu có thể tự hào với bất kỳ ai ở bất cứ nơi đâu khi sở hữu loại hình căn hộ này thay vì một căn hộ thông thường. Một căn hộ hàng hiệu giá triệu đô cũng được xem như một “tấm vé” để trở thành công dân toàn cầu và cơ hội tiếp cận giới tinh hoa của nhân loại.
Người mua nhà thuộc phân khúc này sẵn sàng chi rất nhiều tiền đôi khi chỉ vì ít ai có thể chi trả số tiền lớn như vậy. Một món hàng hiệu hiếm và đắt đỏ đem đến cảm xúc hạnh phúc cho chủ nhân khi được “tự thưởng” một món đồ đắt tiền, tự hào vì có khả năng chi trả và hãnh diện khi nhận được sự ngưỡng mộ từ những người xung quanh. Đây chính là giá trị cảm xúc của căn hộ hàng hiệu, bên cạnh những đặc quyền và cơ hội gia nhập cộng đồng thượng lưu.
Thời cơ cho những thương hiệu lớn nhất thế giới tại Việt Nam
Tờ South China Morning Post gọi Việt Nam là “ngôi sao đang lên của châu Á” khi bàn về thành tích chống dịch COVID-19 và thành tựu kinh tế nổi bật trong năm 2020. Với mức tăng trưởng kinh tế khá khiêm tốn, chỉ 2.91%, mức tăng thấp nhất của Việt Nam trong 30 năm, nền kinh tế Đông Nam Á trở thành ngôi sao sáng trên thế giới.
Sang năm 2021, Việt Nam vẫn đang tỏa sáng với mức tăng trưởng GDP 4.48% trong quý I.
Đây cũng là tín hiệu cho sự phát triển mạnh mẽ của tầng lớp giàu và siêu giàu tại Việt Nam. Theo Báo cáo Thịnh vượng 2021 của Knight Frank, Việt Nam đang có 19.491 người giàu và 390 người siêu giàu, và dự kiến 2 con số này sẽ tăng trên 30% trong 5 năm tới.
Nhu cầu hưởng thụ cuộc sống “mang thương hiệu” đạt chuẩn ngang tầm với bất cứ người giàu nào trên thế giới của tầng lớp thượng lưu tại Việt Nam là có thật. Vì vậy những thương hiệu lớn nhất thế giới trong phân khúc bất động sản hàng hiệu như The Ritz- Carlton, JW Marriott và Marriott đã đến Việt Nam. Tuy là mô hình còn mới mẻ, khách hàng Việt đã nhanh chóng đón nhận những căn hộ hàng hiệu của những thương hiệu nổi tiếng này. Bằng chứng là sự sôi động của nhà mẫu dự án Grand Marina – dự án căn hộ hàng hiệu đầu tiên tại TP.HCM với hàng trăm lượt khách mỗi ngày. Dự án mang thương hiệu The Ritz- Carlton tại trung tâm quận 1 cũng đang thu hút nhiều sự chú ý của thị trường với mức giá phỏng đoán hơn 500 triệu/m2.