Thanh Hằng Thứ Ba | 14/05/2024 15:50

Bà Đoàn Nguyễn Xuân Mai, Phó Giám đốc Conservation Vietnam: “Quỹ Bảo tồn giúp tôi hiểu thế nào là đi theo sứ mệnh”

Bà Đoàn Nguyễn Xuân Mai rẽ bước sang Quỹ Bảo tồn với mong ước một ngày nào đó nhìn thấy lại các loài động thực vật hoang dã trong rừng tự nhiên

Sau khi tốt nghiệp Đại học Linfield, bà Đoàn Nguyễn Xuân Mai nhận được công việc trong mơ tại Tập đoàn Evergreen tại Oregon (Mỹ), nơi cho phép bà đi công tác khắp các thành phố lớn và tận hưởng các dịch vụ cao cấp. Thế nhưng, người phụ nữ này không chọn “giấc mơ Mỹ” được nhiều người theo đuổi, mà chọn trở về quê hương vì muốn đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam.

8 năm sau, một lần nữa bà từ bỏ công việc với những dự án hàng trăm triệu USD từ nguồn đầu tư nước ngoài để lựa chọn đầu quân cho một quỹ xã hội lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam, quỹ hiến tặng cho hoạt động bảo tồn động thực vật hoang dã Việt Nam. 2 ngã rẽ mang tính bước ngoặt trong sự nghiệp của bà đều có một điểm chung, đó là “tìm kiếm một sứ mệnh”.

NGÃ RẼ ĐỊNH MỆNH

Quỹ Bảo tồn động thực vật hoang dã Việt Nam (Conservation Vietnam), nơi khiến người phụ nữ sinh năm 1990 dừng bước 2 năm trước, là một môi trường vừa lạ lại vừa quen với bà. Quen là vì bà sẽ vẫn thực hiện những công việc đã từng thành thục tại nơi làm việc trước đây: gây quỹ, quản lý và đánh giá các khoản đầu tư. Tuy vậy, những dự án đầu tư bây giờ không còn được đo lường bằng lợi nhuận mà được đo lường bằng tác động đối với các loài nguy cấp và hệ sinh thái.

Tính đến thời điểm này, Quỹ Bảo tồn đã phê duyệt và bắt đầu triển khai được 4 dự án bảo tồn loài và hệ sinh thái cũng như hỗ trợ nâng cao năng lực cho 10 tổ chức và doanh nghiệp xã hội đang thực hiện các dự án bảo tồn đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước.

Bà Mai khẳng định, thành công chung của các tổ chức bảo tồn chính là thành công của Quỹ Bảo tồn. “Mục tiêu của Quỹ là đảm bảo nguồn tài trợ minh bạch và lâu dài để các dự án bảo tồn được triển khai từ phía các tổ chức bảo tồn”, bà nói. Bằng việc hỗ trợ các phương pháp tiếp cận sáng tạo, các thử nghiệm có tiềm năng tạo ra sự thay đổi cơ bản trong hoạt động bảo tồn, Quỹ Bảo tồn tập trung vào những kết quả tích cực cho đa dạng sinh học và cho chính các tổ chức bảo tồn, chứ không phải các phương pháp tạo ra tác động. Những dự án khác nhau sẽ cần những cách tiếp cận khác nhau, vì vậy Quỹ Bảo tồn ưu tiên hỗ trợ các tổ chức có khả năng tạo tác động theo hướng tích cực và sở hữu những lĩnh vực mà họ có sẵn ưu thế.

 

“Tôi vẫn làm công việc chuyên môn về quản lý quỹ, nhưng là một quỹ không vì mục tiêu lợi nhuận mà hướng đến tác động về bảo tồn thiên nhiên”, bà Mai nói về sứ mệnh của Quỹ Bảo tồn mà bà đầu quân. Sau 2 năm công tác tại Quỹ Bảo tồn, bà đã cùng đội ngũ Quỹ Bảo tồn tham gia hơn 10 chuyến thực địa và trải nghiệm tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên để quan sát, tìm hiểu cuộc sống của các loài sinh vật quý hiếm tại Việt Nam như các loài linh trưởng, tê tê, cá sấu và các loài chim di cư cũng như cuộc sống của đội ngũ các chuyên gia, kiểm lâm, cán bộ bảo vệ rừng và người dân các bản làng ven rừng.

Việc thu thập các câu chuyện thực tế và hiểu sâu sắc về những khó khăn của hoạt động bảo tồn tại Việt Nam chính là động lực để bà và đội ngũ Quỹ Bảo tồn tiếp cận, kêu gọi nguồn tài trợ từ các định chế tài chính và đã thành công huy động được nguồn tài trợ lên đến 15,6 tỉ đồng cho định hướng chiến lược 2023-2025 của Quỹ Bảo tồn. “Thời tiết ngày càng khắc nghiệt đòi hỏi các nỗ lực bảo tồn cần được thay thế bởi công nghệ hàng đầu như trí tuệ nhân tạo, máy ảnh nhiệt và những thiết bị tiên tiến để quan sát cả một khu rừng rộng lớn”, bà Mai chia sẻ. “Việc đầu tư vào công tác bảo tồn cần được thực hiện từ trung đến dài hạn để có thể tìm ra được giải pháp cho các loài và hệ sinh thái nhằm bảo vệ sự sống của con người trong tương lai”, bà nói tiếp.

 

HƯỚNG ĐẾN BỀN VỮNG

Chỉ trong thời gian ngắn, Quỹ Bảo tồn đã nhận được sự ủng hộ của nhiều trường đại học, hiệp hội, các câu lạc bộ hướng đến hoạt động xã hội và cả những người nổi tiếng có quan tâm đến bảo tồn thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Với hơn 8 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư tài chính, bà Mai là nhân sự đầu tiên dấn thân vào hoạt động của Quỹ Bảo tồn và thu hút nhân sự từ khối doanh nghiệp bước sang công tác bảo tồn. Bà bước lên vai trò dẫn dắt đội nhóm trong các hoạt động gây quỹ, chi tài trợ song song với việc kết nối các chuyên gia tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, tạo nền tảng để các tổ chức bảo tồn có thể giao lưu, học hỏi, cùng nhau đưa ra những giải pháp có tác động tích cực đến môi trường.

Trong lần kêu gọi thứ nhất theo định hướng chiến lược 2023-2025, Quỹ Bảo tồn đã kêu gọi được 11 đề xuất cho các dự án bảo tồn trên khắp cả nước và đã phê duyệt được 4 dự án với tổng giá trị 21 tỉ đồng. Tính đến nay, có 2 dự án đã khởi động và nhận được sự ủng hộ từ chính quyền địa phương, các chuyên gia bảo tồn.

Bà Mai không đến với hoạt động bảo tồn một cách tình cờ. Nhà bảo tồn Jonathan Eames là một trong số những người đã tác động đến quyết định lựa chọn con đường sự nghiệp này của bà. “Nếu cô tiếp tục làm nhà đầu tư tài chính doanh nghiệp thì vẫn tốt thôi, dù có không ít người đã và đang làm rồi. Nhưng sẽ rất cần thiết khi chúng ta có thể đưa những hiểu biết về phương pháp tiếp cận, kinh nghiệm làm việc từ lĩnh vực đầu tư mà cô có vào việc đảm bảo nguồn tài chính bền vững dành riêng cho các hoạt động bảo tồn tại Việt Nam”, ông Jonathan Eames nói với bà Mai. Bà cảm nhận được đây chính là sứ mệnh của mình.

 

Trong quá trình học tập và làm việc tại Oregon, bà Mai đã được tiếp xúc với các mô hình của tổ chức phi lợi nhuận ngoài công lập với nguồn lực tài chính ban đầu đến từ các cá nhân, tổ chức tư nhân thông qua mô hình quỹ hiến tặng (endowment fund) và hiểu được tác động đến cộng đồng cũng như khả năng duy trì sự phát triển của mô hình này. Đây chính là mô hình mà Quỹ Bảo tồn lựa chọn để duy trì được nguồn tài chính bền vững nhằm tồn tại qua nhiều thập kỷ.

Với lòng nhiệt huyết cùng nhiều năm kinh nghiệm quản lý các dự án đầu tư trong các mô hình tư nhân hóa, hợp tác công tư, đầu tư tạo tác động và thiện nguyện, bà Mai tự tin bà có thể đưa đội ngũ của Quỹ Bảo tồn hướng đến phát triển bền vững trong chính tổ chức và thực hiện nhiệm vụ chi tài trợ, giúp cho các tổ chức nhận tài trợ từ Quỹ có thể phát huy nội lực trong nước và thực hiện các hoạt động bảo tồn cấp bách được đề xuất trong thời gian 3-5 năm, thậm chí đồng hành lâu dài hơn.

Kết thúc cuộc phỏng vấn, bà Mai lại tất bật chuẩn bị cho chuyến công tác đến Quảng Bình để đại diện nhà tài trợ trong Hội thảo khởi động dự án bảo tồn Gà lôi lam mào trắng Lopura Edwardsi cực kỳ nguy cấp. “Mong ước của chúng tôi là một ngày nào đó sẽ nhìn thấy lại Gà lôi lam mào trắng trong rừng tự nhiên”, bà tâm sự.