
Mục tiêu bơm tiền là tăng nguồn cung tiền trong hệ thống, làm giảm lãi suất cho vay, qua đó giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn. Ảnh: sggp.org.vn
Nắn dòng tiền 2,5 triệu tỉ đồng
Dư nợ tín dụng tính đến giữa tháng 6 tăng 7,14% so với đầu năm, cao gần gấp đôi tốc độ giải ngân cùng kỳ năm ngoái, theo Ngân hàng Nhà nước. Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16%, ước tính ngành ngân hàng sẽ bơm ra nền kinh tế thêm gần 2,5 triệu tỉ đồng trong năm 2025, qua đó kéo GDP cả nước tăng trưởng 8% trong năm nay.
Mục tiêu bơm tiền là tăng nguồn cung tiền trong hệ thống, làm giảm lãi suất cho vay, qua đó giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận vốn để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh và người dân cũng có xu hướng vay tiền để tiêu dùng, mua sắm.
![]() |
Tại TP.HCM, trong 5 tháng đầu năm, các ngân hàng cho vay 4,12 triệu tỉ đồng, tăng 3,89% so với cuối năm 2024, trong khi cùng kỳ năm 2024 tín dụng tăng 1,9%, năm 2023 tín dụng tăng 1,9%. Những ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng tốt trong quý đầu năm như MSB, Eximbank, VPBank, SHB, VietinBank vẫn tiếp tục đà tăng tốt trong quý II/2025.
Việc bơm tiền có thể giúp duy trì mức lạm phát mục tiêu, tránh nguy cơ giảm phát và tạo môi trường ổn định cho hoạt động kinh tế. Trong một số trường hợp, động thái này có thể gián tiếp hỗ trợ Chính phủ trong việc phát hành trái phiếu để tài trợ các dự án đầu tư công, bởi lãi suất thấp sẽ làm giảm gánh nặng chi phí lãi vay cho ngân sách nhà nước.
Theo các chuyên gia phân tích của SHS Research, tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm là mức tăng nổi bật so với cùng kỳ các năm trước và là một trong những điểm sáng quan trọng giúp hấp thụ phần nào lượng tiền dư thừa. Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất hiện đã rơi về vùng 2,71%, mức thấp nhất kể từ đầu năm, phản ánh tình trạng thanh khoản hệ thống đang dư thừa rõ rệt.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối khách hàng cá nhân của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng dòng vốn tín dụng chảy mạnh vào cơ sở hạ tầng nên dù tín dụng tăng mạnh nhiều lần so với những năm trước nhưng mức lạm phát trong 5 tháng đầu năm hiện vẫn trong mức cho phép.
Mặt khác, các chính sách pháp lý như luật hóa Nghị quyết 42 và Nghị quyết 170 đang cải thiện khả năng xử lý nợ. Đồng thời, giải pháp gỡ vướng cho dự án bất động sản lớn và kế hoạch chi đầu tư công tăng gần 38% trong năm nay sẽ hỗ trợ dòng tiền doanh nghiệp, ổn định chất lượng tài sản ngân hàng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy biến động, việc Việt Nam bơm tiền vào nền kinh tế (thông qua tăng trưởng tín dụng) cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cần đặc biệt lưu ý. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng cho biết, dư nợ tín dụng trên GDP ở mức 134% vào cuối năm 2024. Việc tiếp tục dựa vào vốn ngân hàng, theo bà Hồng, sẽ tiềm ẩn rủi ro cho hệ thống và có thể gây hệ lụy cho nền kinh tế. Bà Hồng cho biết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng sẽ được kiểm soát, điều chỉnh phù hợp với thực tế.
![]() |
Trong bối cảnh giá cả thế giới (đặc biệt là năng lượng và nguyên vật liệu) có thể biến động do các yếu tố địa chính trị, áp lực lạm phát từ bên ngoài càng trở nên đáng lo ngại. Mặc dù Việt Nam đã kiểm soát lạm phát tốt trong thời gian qua, nhưng một đợt lạm phát cao có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân và sức mua của nền kinh tế.
Vì vậy, mặc dù cần kích thích tăng trưởng, Ngân hàng Nhà nước cần theo dõi sát sao diễn biến lạm phát để có thể điều chỉnh chính sách kịp thời. Chuẩn bị sẵn sàng các công cụ kiểm soát lạm phát khi cần thiết như tăng lãi suất điều hành, thực hiện nghiệp vụ thị trường mở, hoặc tăng tỉ lệ dự trữ bắt buộc.
Bên cạnh đó, mặt trái của đà tăng trưởng tín dụng là rủi ro chất lượng nợ gia tăng. Tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ toàn ngành đã lên tới 2,16%, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Báo cáo của Công ty Chứng khoán Mirae Asset đánh giá chất lượng tài sản của các ngân hàng niêm yết trong quý I/2025 tiếp tục giảm do yếu tố mùa vụ, với tỉ lệ nợ xấu tăng 19 điểm cơ bản so với quý IV/2024. Rủi ro vĩ mô vẫn hiện hữu, đặc biệt từ chính sách tiền tệ của các nền kinh tế lớn, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), có tác động mạnh mẽ đến tỉ giá. Bà Bùi Thị Thao Ly, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam, đánh giá, nếu tỉ giá và lạm phát tăng mạnh chắc chắn sẽ gây khó khăn lớn cho việc duy trì một chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng, môi trường lãi suất thấp như hiện nay khó có thể duy trì.
Theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Thế Anh, Trưởng Khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc Dân, trước những thách thức về thuế quan và sự quay lại của chủ nghĩa bảo hộ trên thế giới, Việt Nam đang có xu hướng chuyển từ mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu sang mô hình tăng trưởng dẫn dắt bởi đầu tư công.
Ông Thế Anh cho rằng, cần nâng cao hiệu quả chi tiêu công, thực hiện sự dịch chuyển hợp lý giữa các khoản chi và khai thác những nguồn thu mới bền vững thay thế cho các nguồn thu kém bền vững hoặc đang làm giảm động lực sản xuất và tiêu dùng. Vì thế, Việt Nam phải chọn lọc được các dự án đầu tư công một cách hiệu quả, chủ yếu là những dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, cũng như khuyến khích được khu vực tư nhân tham gia các dự án công - tư (PPP).
Kinh nghiệm các nước đã từng bơm tiền cho thấy đều phải đối mặt với thách thức lớn khi nền kinh tế phục hồi và cần thu hẹp quy mô bơm tiền. Do đó, Việt Nam cần có lộ trình rõ ràng và các công cụ sẵn sàng cho việc điều chỉnh chính sách tiền tệ khi cần thắt chặt để tránh lạm phát quá nóng hoặc bong bóng tài sản.
Có thể bạn quan tâm