Thị trường nửa đầu năm cho thấy sự hồi phục rõ nét, dù vẫn còn các lực cản ngắn hạn như sự phân hóa giữa các nhóm ngành và tâm lý chốt lời ngắn hạn. Ảnh: shutterstock.com

 
Kim Dung Thứ Hai | 07/07/2025 08:35

Đãi cát tìm vàng khi VN-Index vượt đỉnh

VN-Index hiện đang giao dịch ở vùng giá cao nhất kể từ tháng 5/2022. cơ hội nào cho nhà đầu tư?

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6/2025, VN-Index đóng cửa tại mốc 1.376 điểm, tăng 3,26% so với tháng trước. Dòng tiền tiếp tục lan tỏa với nhiều nhóm ngành luân phiên tăng điểm, giữ nhịp cho thị trường, nổi bật ở ngành dầu khí, hóa chất, bán lẻ, thực phẩm và đồ uống, nhóm cổ phiếu trong giai đoạn tích lũy nền trước đó. 6 tháng đầu năm 2025, thị trường phân hóa và dòng tiền tập trung vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là sự trỗi dậy của nhóm cổ phiếu thuộc họ Vingroup. Lũy kế 2 quý đầu năm, VN-Index tăng hơn 108 điểm, tương đương khoảng 8,5%. 

Chia sẻ với NCĐT, bà Nguyễn Hoàng Yến, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, cho rằng nửa đầu năm 2025 thị trường chứng khoán Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ, bất chấp bối cảnh toàn cầu vẫn còn nhiều bất ổn. Bà chỉ ra 3 yếu tố nội tại then chốt tạo đà tăng trưởng cho thị trường. 

Thứ nhất, chính sách tiền tệ linh hoạt và ổn định vĩ mô là điểm tựa lớn. Việc Ngân hàng Nhà nước duy trì mặt bằng lãi suất thấp và tỉ giá ổn định giúp hỗ trợ chi phí vốn cho doanh nghiệp cũng như cải thiện kỳ vọng dòng tiền của nhà đầu tư. Tính đến tháng 6/2025, mặt bằng lãi suất cho vay trung - dài hạn tại nhiều ngân hàng lớn vẫn giữ quanh mức 8-9%/năm, thấp hơn đáng kể so với giai đoạn 2022-2023.

 

Thứ 2, kết quả kinh doanh quý I và kỳ vọng quý II của nhiều doanh nghiệp niêm yết đã vượt mong đợi. Một số ngành chủ chốt như bất động sản khu công nghiệp, hàng tiêu dùng, logistics và công nghệ đã tăng trưởng lợi nhuận 2 con số, trung bình 12% so với cùng kỳ.

Thứ 3, dòng vốn nội bền bỉ là nhân tố tạo lực cầu ổn định cho thị trường. Bất chấp sự thận trọng của dòng tiền ngoại trong quý II ở khu vực châu Á do rủi ro địa chính trị và lãi suất tại Mỹ, nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn giữ tâm lý tích cực. Điều này giúp thanh khoản thị trường duy trì quanh mức 16.000-18.000 tỉ đồng/phiên. Tính đến ngày 31/5/2025 tổng số tài khoản giao dịch trong nước đã vượt mốc 10,02 triệu tài khoản, trong đó chủ yếu là của nhà đầu tư cá nhân. 

Thị trường nửa đầu năm cho thấy sự hồi phục rõ nét, dù vẫn còn các lực cản ngắn hạn như sự phân hóa giữa các nhóm ngành và tâm lý chốt lời ngắn hạn. Theo dữ liệu từ Phòng Phân tích của Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, nếu loại bỏ đà tăng đột biến của nhóm cổ phiếu họ Vingroup, tổng giá trị vốn hóa của VN-Index thực chất chỉ tăng 2% so với đầu năm, so với mức tăng 9,49% hiện tại (đã bao gồm vốn hóa tăng thêm từ các cổ phiếu mới niêm yết trên HOSE, số liệu tính đến ngày 30/5/2025). Điều này mang đến những lo ngại trong ngắn hạn về các nhịp chốt lời từ nhóm nhà đầu tư cá nhân nhằm hiện thực hóa lợi nhuận, sau đà bứt phá của nhóm cổ phiếu họ Vingroup (VIC, VHM, VRE). 

 

Dự báo triển vọng kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam trong 2 quý cuối năm 2025, Tiến sĩ Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng Khoán VPS, nhấn mạnh 3 yếu tố tác động chính. Thứ nhất, căng thẳng tại Trung Đông đã có dấu hiệu tích cực hơn, vòng đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ về chính sách thuế đang cho thấy triển vọng khả quan, với mức thuế dự kiến thấp hơn đáng kể so với giai đoạn ban đầu. Thứ 2 là thông điệp mới đây từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), khi lạm phát đang có tín hiệu hạ nhiệt. FED có thể giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong tháng 7 hoặc tháng 9 tới.

“Bên cạnh đó, thị trường tiếp tục kỳ vọng vào câu chuyện nâng hạng. Với diễn biến hiện tại, khi VN-Index và nhiều cổ phiếu đã vượt đỉnh của vài năm trở lại đây, riêng VN-Index đã vượt đỉnh 3 năm kể từ năm 2022, chúng tôi tiếp tục giữ nguyên dự báo từ đầu năm rằng VN-Index có thể chinh phục vùng 1.400-1.450 điểm trong năm nay”, ông Khánh nói thêm. 

Nhìn về dài hạn hơn, khi Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, thị trường chứng khoán cũng được kỳ vọng sẽ có những diễn biến tích cực, phản ánh tinh thần này. 

Bà Yến của Mirae Asset chỉ ra các ngành tiêu biểu có thể đại diện cho Việt Nam ở kỷ nguyên mới trong mắt nhà đầu tư quốc tế gồm công nghệ thông tin, phần mềm và ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Ngành logistics và chuỗi cung ứng khu vực cũng đóng vai trò quan trọng khi Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất thay thế trong chuỗi toàn cầu. Một ngành khác gây chú ý là năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh để hưởng lợi từ cam kết net zero và đầu tư hạ tầng điện của Chính phủ. Tiếp đến là tài chính, ngân hàng số và fintech để hỗ trợ hoạt động giao dịch, nguồn vốn. Và không thể không nhắc đến ngành hàng tiêu dùng khi các thương hiệu nội địa đã vươn ra quốc tế.

“Tôi tin rằng thị trường chứng khoán là tấm gương phản chiếu trực tiếp sự chuyển mình của nền kinh tế Việt Nam. Khi chúng ta nói về một kỷ nguyên vươn mình, điều đó cũng đồng nghĩa với việc thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường chứng khoán phải thể hiện được tầm vóc mới, cả về chất và lượng”, bà Yến chia sẻ với NCĐT.

Có thể bạn quan tâm 

Vốn lớn cho hạ tầng lớn