
Tính theo giá trị tuyệt đối, tổng nợ xấu toàn hệ thống vào cuối quý I/2025 đã vượt 300.000 tỉ đồng, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2024. Ảnh: TL
Đánh tan “máu đông” nợ xấu
Tính theo giá trị tuyệt đối, tổng nợ xấu toàn hệ thống vào cuối quý I/2025 đã vượt 300.000 tỉ đồng, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm 2024 và tăng 13,4% so với đầu năm, theo báo cáo mới nhất từ Vietnam Report. Báo cáo này cảnh báo rủi ro nợ xấu vẫn còn hiện hữu khi Thông tư 02 đã chính thức hết hiệu lực từ ngày 1/1/2025. Các khoản nợ tái cơ cấu không còn được ưu đãi và sẽ phải phân loại lại, có thể đẩy một lượng nợ lớn vào nhóm nợ xấu.
Báo cáo tài chính quý I/2025 của nhiều ngân hàng cho thấy nợ xấu không chỉ tăng về tỉ lệ mà còn tăng mạnh về giá trị tuyệt đối so với cuối năm 2024. Một số ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu trên 2% có thể kể đến HDBank, Nam A Bank, Sacombank, MSB; không ít ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu trên 3% như Saigonbank, ABBank…
![]() |
Có thể thấy, nợ xấu vẫn là “cục máu đông” mà hệ thống ngân hàng cần phải giải quyết sớm. Bởi vì kể từ khi Nghị quyết 42/2017/QH14 hết hiệu lực vào cuối năm 2023, hệ thống pháp lý lại rơi vào khoảng trống, thiếu cơ chế đặc thù để tiếp tục xử lý nợ xấu một cách kịp thời và triệt để. Vì vậy, theo Tiến sĩ Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, việc hoàn thiện hành lang pháp lý không chỉ đơn thuần là một yêu cầu kỹ thuật, mà còn là điều kiện tiên quyết để giải phóng nguồn lực đang bị “đóng băng” trong hệ thống tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước từng xác định mục tiêu kiểm soát nợ xấu nội bảng ở mức dưới 3% để đảm bảo an toàn hệ thống. Thực tế, tính đến tháng 1/2025, tỉ lệ nợ xấu nội bảng toàn ngành ở mức 4,3%, chủ yếu tập trung tại một số ngân hàng yếu kém và thuộc diện kiểm soát đặc biệt. Nhiều nhận định cho rằng nợ xấu và nợ tiềm ẩn có thể gia tăng trong năm 2025 do biến động mới của thị trường toàn cầu.
“Khi nợ xấu vượt 3%, đó không còn là nguy cơ mà là hiện thực của một cục máu đông trong hệ thống tài chính. Đặc biệt, 70% tài sản bảo đảm cho các khoản vay là bất động sản. Do đó, xử lý nợ xấu chính là xử lý tài sản bảo đảm, là xử lý bất động sản”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, nhận định.
Để đối phó với tình hình nợ xấu có thể gây ra nhiều rủi ro cho hệ thống tài chính, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang tích cực triển khai và hoàn thiện các chính sách, hành lang pháp lý. Trong đó, luật hóa các quy định của Nghị quyết 42 là trọng tâm để giải quyết những điểm nghẽn về thể chế trong xử lý nợ xấu. Điều này được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch hơn, đặc biệt trong việc thu giữ và xử lý tài sản đảm bảo. Theo đó, các tổ chức tín dụng sẽ có công cụ pháp lý mạnh mẽ hơn để thu hồi nợ khi khách hàng không hợp tác hoặc chây ì.
Việc thu giữ tài sản đảm bảo sẽ diễn ra nhanh chóng, hiệu quả hơn so với việc phải thông qua quá trình tố tụng kéo dài và phức tạp. Việc luật hóa quyền thu giữ giúp giải quyết các “cục máu đông” này, đưa tài sản vào lưu thông, tạo điều kiện cho nền kinh tế phát triển... trong bối cảnh thách thức vẫn đè nặng lên nền kinh tế khi sức mua nội địa hồi phục yếu, thị trường thế giới chưa khởi sắc.
![]() |
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, cho rằng, quyền thu hồi tài sản trở thành công cụ pháp lý cốt lõi, đảm bảo dòng vốn lưu thông và thị trường tín dụng vận hành ổn định. Chính vì vậy, cần luật hóa những quy định đã áp dụng thành công từ Nghị quyết 42/2017/QH14 để đảm bảo quyền thu giữ tài sản hợp pháp của ngân hàng và cũng bảo vệ quyền tài sản của bên đi vay.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng VietinBank Trần Minh Bình cho rằng, căng thẳng thương mại gia tăng trong khi nền kinh tế của Việt Nam có độ mở rất lớn đã dẫn đến tác động tiêu cực đối với hoạt động của các doanh nghiệp trong nước nên nợ xấu và nợ tiềm ẩn có thể gia tăng trong năm 2025. VietinBank kỳ vọng lợi nhuận từ thu hồi nợ năm nay đạt 10.000 tỉ đồng, phấn đấu đạt 12.000-14.000 tỉ đồng. “Việc kiểm soát chất lượng nợ từ trước đến nay được xác định là một trong những trụ cột quan trọng để tiết kiệm chi phí tín dụng, kiểm soát chi phí dự phòng và đạt chỉ tiêu về lợi nhuận của VietinBank”, ông Minh Bình cho biết.
Các ngân hàng khác cũng kỳ vọng những tín hiệu tích cực trong thu hồi nợ xấu sẽ là cấu phần đóng góp đáng kể trong cơ cấu lợi nhuận năm nay. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước và một số phân tích từ các công ty chứng khoán như MBS, VDSC có góc nhìn lạc quan hơn, dự báo tỉ lệ nợ xấu của các ngân hàng có thể giảm xuống khoảng 1,8% vào cuối năm 2025 nhờ các biện pháp quản lý rủi ro chặt chẽ hơn và sự cải thiện trong chất lượng tài sản. Tăng trưởng tín dụng dự báo nhanh hơn cũng sẽ góp phần giảm tỉ lệ nợ xấu.
Mặc dù nợ xấu tăng, lợi nhuận của các ngân hàng vẫn được dự báo tăng khoảng 13,8% trong năm 2025, chủ yếu nhờ tăng thu nhập ngoài lãi và kiểm soát tốt chi phí hoạt động. Chi phí dự phòng cũng chỉ tăng nhẹ, cho thấy kỳ vọng chất lượng tài sản sẽ ổn định hơn.
Có thể bạn quan tâm