Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất Đông Nam Á với tỉ trọng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ chiếm khoảng 87-90% GDP vào năm 2023. Ảnh: TL

 
Dung Vũ Thứ Sáu | 11/07/2025 07:30

Hàn thử biểu tỉ giá

Sau áp lực, tỉ giá được kỳ vọng sẽ hạ nhiệt dần vào cuối năm nay.

Việt Nam là một nền kinh tế mở, liên quan đến FDI, xuất nhập khẩu thì áp lực tỉ giá đối với Việt Nam trong 6 tháng cuối năm có thể gây ra một số khó khăn cho nhà điều hành, cơ quan quản lý. Tuy nhiên, với những chính sách rõ ràng hơn, triển vọng về kinh tế tốt hơn, vấn đề tỉ giá sẽ bớt nóng lại”, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Võ Đình Trí, Trường IPAG Business School Paris, Pháp, chia sẻ quan điểm. 

Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất Đông Nam Á với tỉ trọng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ chiếm khoảng 87-90% GDP vào năm 2023. Mức độ phụ thuộc khá lớn vào thị trường quốc tế khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương bởi biến động tỉ giá và căng thẳng thương mại toàn cầu. Tỉ giá liên ngân hàng đã ghi nhận các mức cao trong những tháng gần đây, đạt quanh mốc 26.300 VND/USD tại thời điểm cuối tháng 6/2025, tăng khoảng 2,7% so với đầu năm. 

Chia sẻ với NCĐT, ông Vũ Văn Bằng, Giám đốc Nguồn vốn và Đầu tư, Công ty Tài chính Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Mirae Asset (Việt Nam), cho rằng VND đang đi ngược lại với diễn biến chính của hầu hết các đồng tiền trên thế giới, khi chỉ số phản ánh sức mạnh đồng USD là DXY đã giảm từ 109 điểm vào đầu năm 2025 về quanh mức 97 điểm, thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Điều đó cho thấy yếu tố khiến VND đi ngược xu hướng phần lớn đến từ nội tại. 

 

Có một số nguyên nhân như việc Kho bạc Nhà nước tăng cường chào mua USD từ các ngân hàng thương mại với tổng giá trị lên tới 1,6 tỉ USD tính từ đầu năm, hay nhu cầu USD cho hoạt động nhập khẩu tăng vọt trong các tháng gần đây do rơi vào mùa cao điểm. Thông tin kém lạc quan về tình hình vĩ mô cùng với việc tỉ giá liên tục tăng càng khuyến khích tâm lý găm giữ ngoại tệ trong người dân và doanh nghiệp. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục giữ lãi suất cơ bản ở mức cao trong thời gian dài hơn dự kiến, các chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ gần đây cùng với bất ổn địa chính trị trên thế giới cũng hỗ trợ cho sức mạnh của đồng USD.

Theo ông Bằng, với xu hướng tỉ giá VND/USD trong nửa cuối năm 2025, cần cân nhắc nhiều yếu tố, đặc biệt là rủi ro thuế đối ứng hiện hữu của Mỹ với Việt Nam. Nếu mức thuế này được giữ ở mức cao, hoạt động xuất khẩu và thu hút FDI của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, dẫn đến nguồn cung ngoại tệ tiếp tục bị siết chặt và gia tăng áp lực lên tỉ giá. Ngược lại, nếu đàm phán thành công và thuế được giảm về mức phù hợp thì sẽ đóng góp đáng kể vào việc ổn định tỉ giá, lãi suất khi hỗ trợ ổn định hoạt động xuất khẩu và thu hút FDI. 

“Chúng tôi dự đoán với các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc đàm phán thuế quan với Mỹ gần đây, mức thuế quan áp dụng cho Việt Nam sẽ không quá cao so với các quốc gia khác. Với kịch bản đó, chúng tôi dự báo tỉ giá sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trong quý III/2025 lên quanh mức 26.400 VND/USD (tương ứng VND giảm giá khoảng 3%), với nguyên nhân chủ yếu đến từ các yếu tố nội tại trong nước, sau đó sẽ hạ nhiệt dần về dưới 26.000 VND/USD vào cuối năm đi cùng với lộ trình cắt giảm lãi suất từ FED sẽ diễn ra vào các tháng cuối năm nay”, ông Bằng nói. 

 

Phòng Phân tích của Công ty Chứng khoán Maybank cũng cho rằng tỉ giá VND/USD vẫn đang chịu áp lực đáng kể. Nguyên nhân chính bắt nguồn từ lập trường thận trọng của FED làm dấy lên lo ngại về lạm phát đình trệ, kết hợp với thanh khoản VND dồi dào trong hệ thống ngân hàng do Kho bạc Nhà nước tăng gửi tiền tại các ngân hàng thương mại, khiến chênh lệch lãi suất giữa VND và USD nới rộng và thúc đẩy các hoạt động kinh doanh chênh lệch giá.

Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán Maybank kỳ vọng tỉ giá sẽ sớm bình ổn, nhờ Việt Nam duy trì thặng dư thương mại và thu hút vốn FDI tích cực trong 5 tháng đầu năm nay. Hơn nữa, kỳ vọng FED bắt đầu hạ lãi suất từ tháng 7 sẽ giúp thu hẹp chênh lệch lãi suất, giảm bớt áp lực lên tỉ giá trong trung hạn.

Phòng Phân tích của Công ty Chứng khoán MBS thì cho rằng các yếu tố như USD mạnh, bất ổn thuế quan và các bộ đệm cho đồng VND như hoạt động xuất khẩu và thu hút FDI có thể sẽ chậm lại sau khi kết thúc thời hạn hoãn thuế 90 ngày dự kiến tạo áp lực lên VND trong thời gian tới. Do đó, tổ chức này kỳ vọng tỉ giá sẽ dao động trong khoảng 26.000-26.400 VND/USD trong quý III/2025. 

Trong bối cảnh thị trường trong nước và quốc tế liên tục biến động, việc quản lý rủi ro tỉ giá vô cùng quan trọng, nhất là với doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp vay vốn bằng ngoại tệ. Để hỗ trợ doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro tỉ giá, các ngân hàng thương mại tại Việt Nam đang cung cấp nhiều công cụ phái sinh như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng hoán đổi, hợp đồng hoán đổi tiền tệ chéo... 

“Doanh nghiệp không nên cứng nhắc phụ thuộc vào việc sử dụng các công cụ, mà cần tính toán linh hoạt có chiến lược chủ động phù hợp với xu hướng biến động của tỉ giá. Ngoài ra, nên quản lý dòng tiền chặt chẽ, cân đối thu chi bằng ngoại tệ, lựa chọn thời điểm hợp lý để sử dụng các công cụ phòng ngừa nhằm giảm chi phí và tận dụng được lợi ích từ biến động tỉ giá”, ông Bằng chia sẻ với NCĐT. 

Có thể bạn quan tâm

Cho vay ký quỹ: “Đường vòng” của vốn ngân hàng?