
Có thể thấy, áp lực và thách thức dường như vẫn đè nặng doanh nghiệp tư nhân trong thời gian tới. Ảnh: VIMC
Đổi ngôi câu lạc bộ 100.000 tỉ
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa có thêm 1 doanh nghiệp có vốn hóa vượt ngưỡng 100.000 tỉ đồng là Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - Công ty Cổ phần (VIMC). Cổ phiếu của doanh nghiệp lớn trong ngành cảng và vận tải biển này có phiên bứt phá mạnh, qua đó giúp vốn hóa thị trường của VIMC lập kỷ lục hơn 105.000 tỉ đồng, tăng 60% từ đầu năm 2025.
Cũng như VIMC, thời gian gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến sự đi lên của nhóm ngân hàng quốc doanh, doanh nghiệp thuộc ngành hàng không, viễn thông, liên tiếp lập đỉnh và gia tăng vốn hóa. Toàn sàn chứng khoán có khoảng 18 doanh nghiệp có vốn hóa trên 100.000 tỉ đồng (khoảng 4 tỉ USD) tính đến ngày 6/2/2025, trong đó có 8 doanh nghiệp nhà nước. Đáng chú ý, Top 4 doanh nghiệp là Vietcombank (VCB), Viettel Global (VGI), BIDV (BID) và ACV. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp nhà nước cũng chứng kiến giá cổ phiếu bứt phá mạnh mẽ thời gian gần đây như TOS, KSV, PHP liên tiếp lập đỉnh lịch sử.
![]() |
Xu hướng này thúc đẩy sự phân hóa giữa nhóm doanh nghiệp do Nhà nước chi phối và các tập đoàn tư nhân lớn. Trong khi nhóm doanh nghiệp nhà nước liên tiếp gia tăng quy mô thì nhiều tập đoàn tư nhân từng dẫn dắt thị trường lại có dấu hiệu chững lại.
Còn nhớ giai đoạn 2020-2021, nhiều doanh nghiệp tư nhân thậm chí chi phối sàn chứng khoán Việt Nam. Chẳng hạn, bộ 3 Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM) và Vincom Retail (VRE) có thời điểm đạt tổng mức vốn hóa lên đến 1 triệu tỉ đồng, chiếm khoảng 1/4 giá trị toàn thị trường. Trong khi đó, tổng vốn hóa của các doanh nghiệp họ Vin (tính cả VEFAC) hiện nay cũng chỉ vào khoảng 381.000 tỉ đồng, chiếm 5,5% giá trị toàn thị trường.
Có thể thấy, giai đoạn vừa qua, nhiều doanh nghiệp nhà nước tận dụng tốt lợi thế từ chính sách hỗ trợ, đầu tư công và nền tảng tài chính vững chắc để tăng trưởng. Trong khi đó, cú sốc dịch bệnh khiến nhiều doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn, dẫn đến thu hẹp quy mô đầu tư, kinh doanh. Trước giai đoạn dịch COVID-19, tăng trưởng đầu tư ở khu vực tư nhân chiếm 60-65% tổng đầu tư toàn xã hội và đạt mức tăng trưởng từ 15-17% hằng năm. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, tốc độ tăng trưởng của đầu tư tư nhân đã giảm đáng kể, với 2 năm gần nhất đều ở mức khá thấp là 2,7% trong năm 2023 và 7,7% trong năm 2024. Đây là mức thấp nhất trong cả giai đoạn 2019-2022.
![]() |
Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, phải phục hồi đầu tư của khối tư nhân thì nền kinh tế mới tăng trưởng mạnh trở lại. “Nên điều chỉnh giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ mức 20% xuống 17% đối với doanh nghiệp trung bình và giảm xuống 15% đối với doanh nghiệp nhỏ. Chỉ có phát triển khu vực này thì kinh tế tư nhân mới có thể đóng góp 60-65% như định hướng”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực nhận định.
Có thể thấy, áp lực và thách thức dường như vẫn đè nặng doanh nghiệp tư nhân trong thời gian tới. Hơn bao giờ hết, doanh nghiệp cần sự hỗ trợ thiết thực và hiệu quả từ cải cách của Chính phủ và sự đồng hành của chính quyền địa phương. Đó là Chính phủ cần tiếp tục duy trì được một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát và tỉ giá. Bên cạnh đó, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh việc cải cách thể chế, khắc phục điểm nghẽn về pháp luật, cơ chế, chính sách, quy định kinh doanh để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam, cho biết việc đẩy mạnh các dự án hạ tầng giao thông, năng lượng và y tế không chỉ giúp tháo gỡ điểm nghẽn trong hệ thống hạ tầng, mà còn kích thích đầu tư tư nhân, tạo việc làm và thúc đẩy tiêu dùng.
Cũng nhấn mạnh đầu tư công có vai trò là đòn bẩy kích thích, dẫn dắt đầu tư tư nhân, Tiến sĩ Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, đề xuất cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư công, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Cùng với đó, cần thúc đẩy hoạt động đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Bởi vì, nếu đầu tư công phát huy tốt vai trò vốn mồi kích thích, dẫn dắt đầu tư tư nhân, một mặt sẽ giúp ngân sách nhà nước giảm bớt gánh nặng về đầu tư hạ tầng, dành nguồn lực đó cho các lĩnh vực quan trọng khác của nền kinh tế, mặt khác khu vực tư nhân lại có thêm không gian để phát triển.
Có thể bạn quan tâm