
Sự ấm dần lên của thị trường bất động sản và hoạt động bán lẻ sôi động hơn sẽ thúc đẩy tín dụng cho vay mua nhà và tín dụng bán lẻ tăng trưởng tích cực. Ảnh: TL
Lực đẩy ngân hàng bán lẻ
Sự hồi phục của thị trường bất động sản và hoạt động bán lẻ nhộn nhịp hơn sẽ là lực đỡ thúc đẩy tín dụng cho vay mua nhà và tín dụng bán lẻ trong năm 2025.
Phân hóa diện rộng
Sự phân hóa giữa các ngân hàng lớn và những ngân hàng nhỏ rất rõ nét trong suốt 2 năm qua. Trong điều kiện tăng trưởng tín dụng tương đối khó khăn như nửa đầu năm 2024, những ngân hàng lớn có được lợi thế tín dụng nhiều hơn khi có lãi suất cho vay ở mức hấp dẫn cũng như mạng lưới khách hàng và chi nhánh rộng lớn trên khắp cả nước.
Do danh mục cho vay ít rủi ro và sử dụng những chính sách quản lý rủi ro bảo thủ hơn, chất lượng tài sản của các ngân hàng lớn cũng tốt hơn so với những ngân hàng quy mô nhỏ. Trong thời kỳ nền kinh tế biến động, ngân hàng quy mô lớn sẽ chiếm ưu thế hơn về hoạt động và về chất lượng bảng cân đối.
![]() |
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Mỹ Liên, Trưởng phòng Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS), cho rằng sự phân hóa giữa các ngân hàng không đồng nghĩa là những ngân hàng nhỏ không có cơ hội. Thực tế cho thấy TPBank, MSB hay OCB từng chứng kiến mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế vượt trội. Đối với TPBank, mức tăng trưởng này là 30-40% trong giai đoạn 2021-2022, với MSB là từ 90-100% trong khi các ngân hàng lớn rất khó tăng trưởng mạnh với mức quy mô quá lớn và khẩu vị rủi ro chặt.
Theo bà Liên, các chiến lược kinh doanh linh hoạt và chủ động giúp cho nhóm ngân hàng quy mô vừa và nhỏ có sự nhạy bén hơn trong các hoạt động kinh doanh. Đồng thời, các ngân hàng này cũng có thế mạnh ở những khoản thu ngoài lãi nhờ dịch vụ đa dạng, sáng tạo. Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế khó khăn và gặp sự cạnh tranh gay gắt về lãi suất cho vay đã khiến cho cả thu lãi lẫn ngoài lãi của nhóm ngân hàng này giảm sút.
“Trong năm 2025, tôi kỳ vọng sự phân hóa có phần giảm bớt khi kinh tế Việt Nam dự kiến bứt tốc mạnh mẽ. Hệ thống ngân hàng sau giai đoạn tự cơ cấu bảng cân đối đã cải thiện hơn về chất lượng tài sản. Thị trường bất động sản hồi phục cùng với nhu cầu tiêu dùng cải thiện sẽ giúp các ngân hàng không chỉ đẩy mạnh được hoạt động tín dụng, mà còn lan tỏa sang các hoạt động thanh toán và bảo hiểm, từ đó giúp hệ thống ngân hàng ghi nhận triển vọng khả quan hơn”, bà Liên nhận định.
Bản đồ lợi nhuận 2025
Mặc dù phải đối mặt với những khó khăn sau cuộc khủng hoảng thị trường bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp vào năm 2022-2023, kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng vẫn duy trì bền vững, cho thấy khả năng chống chịu của ngành này đang tốt hơn rất nhiều so với giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2012-2013.
![]() |
Bức tranh lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng trong năm 2024 cho thấy sự phân hóa trong ngành. Trong số 17 ngân hàng có vốn hóa tỉ USD được NCĐT thống kê, đa phần đều ghi nhận đà tăng trưởng mạnh mẽ bên cạnh những ngân hàng vẫn phải đối diện với thách thức đáng kể.
VPBank (VPB) dẫn đầu đường đua tăng trưởng với mức tăng hơn 88,2% về lợi nhuận sau thuế trong năm 2024 so với cùng kỳ năm trước. Với chiến lược tập trung bán lẻ, hưởng lợi từ đà tăng trưởng cao của khu vực thương mại - dịch vụ, VPBank đã tăng tốc mở rộng quy mô tín dụng, ghi nhận cho vay tăng trưởng ổn định trong các phân khúc chiến lược và phân khúc tiềm năng FDI.
Lợi nhuận của LPBank (LPB) cũng tăng trưởng tốt còn nhờ đẩy mạnh việc đa dạng hóa nguồn thu, nổi bật là doanh thu từ thu phí dịch vụ đóng góp hơn 16% tổng thu nhập, tỉ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) giảm mạnh xuống còn 29%.
Nhóm ngân hàng có mức tăng trưởng trung bình từ 15-30% như HDBank (HDB), VietinBank (CTG), SHB, Techcombank (TCB) và BIDV (BID) tiếp tục thể hiện sự ổn định, trong khi MB (MBB) và ACB tăng trưởng khiêm tốn dưới 10%. Đáng chú ý, bức tranh không hoàn toàn tươi sáng khi một số ngân hàng như VIB, OCB và Vietcombank (VCB) chứng kiến lợi nhuận suy giảm, trong đó VIB sụt giảm mạnh nhất.
Ông Cao Việt Hùng, CFA, Giám đốc Phân tích ngành tài chính, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS), đánh giá tỉ lệ nợ xấu mặc dù vẫn tăng nhẹ trong 2 quý liên tiếp, nhưng đã có một số dấu hiệu cho thấy nợ xấu dường như đã tạo đỉnh và có thể cải thiện trong năm 2025. “Nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02/2023 cũng có xu hướng giảm và chỉ còn chiếm tỉ trọng khoảng 0,8%. Dư nợ chịu ảnh hưởng bởi bão Yagi chiếm tỉ trọng khoảng 1,2% và được phép tái cơ cấu theo Thông tư 53/2024 đến hết năm 2025. Do đó, tác động lên nợ xấu của các ngân hàng là không lớn”, ông Hùng nhận định.
Ở góc nhìn tăng trưởng, bà Liên của PHS dự báo năm 2025 sự ấm dần lên của thị trường bất động sản và hoạt động bán lẻ sôi động hơn sẽ thúc đẩy tín dụng cho vay mua nhà và tín dụng bán lẻ tăng trưởng tích cực. Qua đó, hỗ trợ các ngân hàng có thế mạnh về bán lẻ như VPBank, HDBank và MB duy trì được động lực tăng trưởng và cải thiện NIM.
Thêm vào đó, việc nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém cũng hỗ trợ những ngân hàng này có mức tăng trưởng tín dụng cao hơn. Cụ thể, MB đã hoàn thành nhận chuyển giao OceanBank, trong khi VPBank và HDBank đã nhận chuyển giao GPBank và DongA Bank.
“Theo tôi, chất lượng tài sản của MB và VPBank sẽ cải thiện hơn trong năm 2025 sau khi đã thực hiện những biện pháp quản lý rủi ro chặt chẽ và đẩy mạnh xử lý nợ xấu”, bà Liên nhận định. Có thể thấy, những ngân hàng có quy mô lớn có lợi thế hơn về các chỉ số chất lượng tài sản, nhưng những ngân hàng thương mại cổ phần với sự linh hoạt, năng động lại được dự báo tăng trưởng mạnh trong năm 2025.
Có thể bạn quan tâm
Thị trường vốn Việt Nam: Tiềm năng bứt phá sau bước khởi đầu