Ảnh: shutterstock.com.

 
Khánh Nam Thứ Tư | 31/07/2024 07:30

Bơm vốn qua Fintech

Nhanh chóng thúc đẩy các loại hình cung ứng dịch vụ tài chính số là một giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi kinh tế.

Chuyển đổi số là quá trình mang tính toàn diện, tác động đến tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Đến nay, chuyển đổi số đang hiện diện trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, bao gồm kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế..., tạo ra những đột phá trong cách thức hoạt động, sản xuất kinh doanh, từ đó góp phần tăng năng suất, giảm chi phí cho các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế tại Việt Nam.

Mục tiêu không dễ

Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2025: Có ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại các tổ chức được cấp phép; 25-30% người trưởng thành gửi tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng.

Có thể thấy đây là mục tiêu rất lớn nhưng không dễ thực hiện. Bởi lẽ, trên thực tế, bất chấp sự hỗ trợ của công nghệ, các tổ chức tài chính, tín dụng truyền thống dường như vẫn chưa bao phủ nhanh đến tất cả các nhóm đối tượng sử dụng dịch vụ, đặc biệt là người thu nhập thấp, người dân ở vùng sâu, vùng xa, các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ.
“Nút thắt lại là tổ chức bộ máy và cách vận hành bộ máy. Các ngân hàng truyền thống hoạt động trên cơ sở mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch, trong khi việc vận hành và duy trì các chi nhánh, phòng giao dịch này rất tốn kém do chi phí mặt bằng, vận hành cơ sở vật chất, nhân công và rất nhiều chi phí liên quan khác”, Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nhận xét.

Dẫn số liệu từ World Bank, Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên phân tích, về hoạt động thanh toán, nếu tỉ lệ trung bình cả nước thanh toán qua các tổ chức tín dụng và trung gian thanh toán đạt tới hơn 23%, thì đối với nhóm thu nhập thấp, tỉ lệ này chỉ 2,9%, trong khi thanh toán tiền mặt là 51,2%. Do nhóm thu nhập thấp còn tương đối “vô hình” trong mắt các tổ chức tài chính, tín dụng truyền thống, nên việc phát triển các dịch vụ tài chính cá nhân đối với nhóm này chưa được chú trọng.

Số liệu từ World Bank cho thấy tỉ trọng người sở hữu tài khoản trong khoảng 5 năm (2017-2022) đã tăng trưởng hơn 20%. Nhưng khi phân theo mức thu nhập từ thấp đến cao thì tỉ lệ người trưởng thành ở mức thu nhập thấp nhất chỉ tăng khoảng 6% sau 5 năm, trong khi các nhóm thu nhập cao có tốc độ tăng cao hơn.

Nhiệm vụ của chiến lược chuyển đổi số quốc gia là phủ sóng các sản phẩm, dịch vụ tài chính cho mọi người dân và doanh nghiệp, trong đó đặc biệt chú trọng tới nhóm đối tượng mục tiêu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ với chi phí hợp lý trên nền tảng ứng dụng công nghệ số. “Về mục tiêu này, Việt Nam còn một khoảng cách xa so với các nước phát triển và trong khu vực”, Tiến sĩ Trần Văn, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển Kinh tế số (IDS), chia sẻ.

“Chính phủ Thái Lan thực hiện hỗ trợ nông dân 50% giá mua phân bón qua chương trình đồng chi trả trên ứng dụng di động với số tiền khoảng 800 triệu USD. Ở Việt Nam, các chương trình mục tiêu quốc gia, với nguồn kinh phí rất lớn từ ngân sách, nếu được thực hiện qua ứng dụng số, đặc biệt là Fintech, thì có lẽ hiệu quả được nhân lên gấp bội, nhưng rất tiếc còn chậm ứng dụng”, Tiến sĩ Trần Văn lấy ví dụ.

Cơ hội cho Fintech 

Các doanh nghiệp Fintech hàng đầu của Việt Nam như MoMo, ZaloPay, Finviet... đang tích cực số hóa các kênh phân phối hiện đại nhằm mở rộng phạm vi cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính với chi phí thấp, đặc biệt là qua điện thoại di động cho các tầng lớp dân cư, hộ kinh doanh.

Với hàng chục triệu người dùng, những nền tảng Fintech này đã góp phần đáng kể vào việc thực hiện chiến lược bằng cách đẩy mạnh thanh toán qua thiết bị di động, phát triển mạnh các sản phẩm, tài chính số nhờ những giải pháp công nghệ thanh toán mới dễ sử dụng, có chi phí thấp, thuận tiện và an toàn.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Dương Quốc Anh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, hành lang pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển các dịch vụ tài chính số chậm được rà soát, sửa đổi bổ sung, nhất là đối với các doanh nghiệp Fintech vốn đang hoạt động theo giấy phép thử nghiệm với nhiều hạn chế.

“Cần thúc đẩy nhanh việc xây dựng khuôn khổ pháp lý riêng biệt cho các công ty Fintech để cùng với các ngân hàng truyền thống đưa những sản phẩm, dịch vụ tài chính tới tệp khách hàng một cách thuận tiện với chi phí hợp lý thông qua ứng dụng công nghệ số. Với tỉ trọng người dân Việt Nam tiếp cận internet trên 80%, trong đó nhóm thu nhập thấp có tới hơn 60% thì dư địa để tăng tỉ lệ người trưởng thành tiếp cận sản phẩm, dịch vụ tài chính là rất lớn”, Tiến sĩ Dương Quốc Anh nói.

Thị trường Fintech Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh thứ 2 trong khu vực châu Á, sau Singapore. Dự kiến thị trường Fintech Việt Nam sẽ đạt 18 tỉ USD vào năm 2024 với mức độ cạnh tranh cao. Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh do thói quen, tâm lý, hành vi người tiêu dùng đã thay đổi cũng như sự phát triển của các giải pháp Fintech đổi mới, sáng tạo giúp thanh toán thuận tiện, thúc đẩy mua bán hàng hóa, dịch vụ, giảm chi phí giao dịch. Các giải pháp Fintech về tín dụng góp phần rút ngắn thời gian xét duyệt cấp vốn và bơm vốn vào nền kinh tế.

Nhìn rộng hơn, với trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể và khoảng gần 800.000 doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính, thì việc đổi mới quy định đối với những loại hình mới tham gia vào cung ứng dịch vụ tài chính như Fintech là một giải pháp phù hợp, vừa phát triển được thị trường tài chính, vừa tạo đà tăng trưởng mà không dẫn đến sự cạnh tranh trực tiếp giữa doanh nghiệp truyền thống và doanh nghiệp công nghệ.