Cao su trở thành ngành hàng đầu tiên của Việt Nam xem xét cách thức thực thi EUDR. Ảnh: TL

 
Hải Vân Thứ Tư | 17/07/2024 08:00

Cao su đẩy cánh cửa EUDR

Cao su Việt Nam có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội khi thiếu cơ chế chia sẻ thông tin giữa các bên tham gia chuỗi cung ứng, tiêu thụ...

Casumina đang sản xuất đơn hàng lốp xe giao sang thị trường Đức, điều kiện là sử dụng cao su nguyên liệu từ nguồn cung đáp ứng được Quy định ngăn chặn phá rừng (EUDR) của Liên minh châu Âu. Nhưng bây giờ, Casumina lo ngại rằng nếu không hoàn tất khai báo vào tháng 12 tới, Công ty sẽ không xuất khẩu được đơn hàng này, nhà mua hàng có thể quay sang nguồn cung khác.

Cửa mua hàng khắt khe hơn

Việc các nhà mua hàng khắt khe hơn cho thấy tính phức tạp trong thực thi EUDR. Casumina và các nhà sản xuất lốp xe của Việt Nam có thể lỡ cơ hội hưởng lợi từ thị trường EU. Dữ liệu của Future Market Insights ghi nhận, nhu cầu lốp xe của châu Âu tăng mạnh trong 10 năm tới (2023-2033), tạo đà tăng trưởng CAGR lên tới 4,8%, thúc đẩy khả năng vượt qua mức định giá 108,7 tỉ USD vào năm 2033.

Việc đáp ứng các yêu cầu của EUDR đóng vai trò quan trọng nhằm duy trì tiếp cận đối với thị trường EU trong tương lai. Dữ liệu của Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cũng chỉ ra EU đang là khách hàng quan trọng đối với nhóm cao su thiên nhiên, đặc biệt là sản phẩm cao su chế biến sâu, lĩnh vực mang lại giá trị gia tăng cao hơn trong năm 2023, với 375,3 triệu USD, trong đó nhiều nhất là sản phẩm lốp xe, chiếm 71,5% giá trị xuất khẩu sang thị trường EU.

Quy định EUDR chính thức có hiệu lực từ ngày 29/6/2023. Theo EUDR, 7 nhóm mặt hàng, trong đó có cao su, sẽ bị cấm nhập khẩu vào EU nếu quá trình sản xuất các mặt hàng này vi phạm các quy định của quốc gia xuất khẩu và/hoặc gây mất rừng và suy thoái rừng.

EU ngày càng coi trọng nhập khẩu nguyên liệu xanh và bền vững, bước quan trọng trong nỗ lực thực hiện Kế hoạch Xanh của EU về giảm khí thải, chống biến đổi khí hậu. Nhưng ở chiều ngược lại, ngành cao su Việt Nam chưa thể đáp ứng hết các yêu cầu, cũng như cung cấp bằng chứng chứng minh sản phẩm cao su không gây mất rừng và hợp pháp theo quy định của EUDR. Đặc biệt, cách định nghĩa rộng hơn về suy thoái rừng bao gồm cả việc chuyển đổi rừng nguyên sinh hoặc rừng tái sinh tự nhiên thành rừng trồng hoặc thành đất có rừng khác của quy định thương mại mới này, có thể ảnh hưởng đến việc đánh giá rủi ro của EU đối với Việt Nam trong năm tới.

Ngành cao su Việt Nam đang đối diện với những yêu cầu chưa từng có. Hiện nay, trên diện tích 918.000 ha trồng cao su, các công ty từng thuộc sở hữu Nhà nước chiếm khoảng 52%, có thể ít khó khăn hơn về truy xuất nguồn gốc, xác định vị trí địa lý, bởi hầu hết vùng trồng đã định rõ địa giới, được chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, công việc này sẽ rất phức tạp với 48% diện tích còn lại của 260.000 hộ tiểu điền trong nước và nguồn cao su nhập khẩu.

Nguyên liệu cao su nhập khẩu từ Campuchia và Lào được coi là “sự phức tạp điển hình” trong thực thi EUDR của Việt Nam, theo báo cáo mới nhất của Forest Trends. Hiện nay, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Campuchia chỉ sau Trung Quốc, cũng là 1 trong 6 thị trường xuất khẩu cao su của quốc gia này, với kim ngạch năm 2023 đạt 919 triệu USD. Về lý thuyết, chính phủ nước này có thể cung cấp thông tin cần thiết cho khách hàng Việt Nam, nhưng thực tế lại gần như không thể.

Cam kết bền vững ở cấp độ toàn cầu

Các nhà nghiên cứu của Forest Trends cảnh báo ngành cao su Việt Nam đang đối mặt với những rủi ro lớn hơn khi thực hiện EUDR trong bối cảnh thiếu cơ chế chia sẻ thông tin giữa các bên tham gia chuỗi cung ứng, từ nguyên liệu đến thị trường tiêu thụ. Trung Quốc đang là nguồn cung cao su lớn nhất cho thị trường châu Âu, có thể sẽ sớm áp dụng EUDR khi nhập khẩu cao su từ Việt Nam, với tư cách là thị trường nhập khẩu cao su lớn nhất, chiếm 82% trong 5 tháng đầu năm 2024.

Cao su trở thành ngành hàng đầu tiên của Việt Nam xem xét cách thức thực thi EUDR. Theo VRA, một số công ty lo ngại về nguồn lực tài chính và con người, những yếu tố căn bản xây dựng bằng chứng về tính hợp pháp của đất đai. Nhưng một số khác lại cảm thấy việc xây dựng một hệ thống cho phép khách hàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm sẽ đẩy chi phí sản xuất tăng khoảng 10%.

Điều này, cộng hưởng với hiệu quả kinh tế kém, dịch bệnh và thời tiết cực đoan, có thể khiến sản lượng cao su suy giảm mạnh hơn trong tương lai, khi diện tích cao su tiếp tục giảm 1-2%/năm, còn khoảng 800.000-850.000 ha, kéo sản lượng khai thác giảm từ 1,3-1,5 triệu tấn/năm.

Ngành cao su Việt Nam có thể xem xét cách thức Thái Lan, quốc gia sản xuất và xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới, đang cố gắng vượt qua các tiêu chuẩn của EUDR. Cơ quan Quản lý Cao su Thái Lan (RAOT) đã thiết lập một nền tảng quốc gia, giúp các hộ trồng cao su thu thập và đối chiếu thông tin của các bên trong chuỗi cung ứng. Nền tảng này không chỉ cung cấp thông tin, mà còn giúp nhà mua hàng theo dõi nguồn gốc nguyên liệu, chuỗi sản xuất, thậm chí cả cách thức tiêu thụ.

VRA cũng đang tham khảo cách lập bản đồ số và khả năng truy xuất nguồn gốc đến cấp độ vườn cây, số hóa chặng đường đầu tiên của chuỗi giá trị nông nghiệp có thể đặt nền tảng cho các biện pháp can thiệp bền vững toàn diện. Trong một cuộc họp gần đây, ông Hoàng Thành, Quản lý Chương trình Nông nghiệp và Kinh tế tuần hoàn của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, cho rằng việc thực thi EUDR sẽ giúp xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU thuận lợi hơn, qua đó chứng minh Việt Nam tuân thủ phát triển bền vững, đảm bảo thực thi các cam kết ở cấp độ toàn cầu.