Hiện mảng nước ngọt không đường chiếm đến 1/4 tổng doanh số của thị trường nước ngọt có ga nói chung. Ảnh: shutterstock.com

 
Tuệ Lâm Thứ Hai | 15/07/2024 07:30

Cú sốc 10% của ngành nước giải khát

Mức thuế tiêu thụ đặc biệt về đường sẽ tạo ra bước ngoặt lớn của ngành công nghiệp nước giải khát tại Việt Nam.

Rục rịch từ nhiều năm qua và cuối cùng, trong dự thảo mới nhất, Bộ Tài chính đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường ở mức 10%.
 
Sức hút của thị trường đồ uống

Ở đây bao gồm đồ uống hương liệu, nước giải khát có chứa cà phê, chè, nước trái cây và các loại đồ uống từ ngũ cốc... (trừ sữa và sản phẩm từ sữa). Rõ ràng, doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng này có lý do để lo ngại khi lượng tiêu thụ sẽ giảm và người tiêu dùng chuyển sang dùng sản phẩm thay thế hoặc loại ít đường, tốt hơn cho sức khỏe. Trên thực tế, lượng tiêu thụ nước ngọt có ga trên thế giới đã liên tục sụt giảm trong 20 năm qua khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe hơn, chuyển sang đồ uống ít đường. Nắm bắt xu hướng này, Coca-Cola và Pepsi đã tung ra sản phẩm nước ngọt không đường, qua đó đánh vào tâm lý của các khách hàng béo phì, ăn kiêng hay muốn giảm cân.

Hiện mảng nước ngọt không đường chiếm đến 1/4 tổng doanh số của thị trường nước ngọt có ga nói chung. Hàng loạt những cái tên như Diet Coke, Coke Zero, Pepsi Zero Sugar hay Diet Mountain Dew đã trở thành sự thay thế mới hiệu quả cho các tập đoàn nước giải khát. Xu hướng sản phẩm mới này cũng đang diễn ra trên thị trường Việt Nam.

Người ta có thể không uống nước giải khát nhiều đường nhưng không thể không uống nước khi khát. Thực tế này điều hướng thị trường giải khát sang một hướng đi mới hơn là gây khó khăn cho những hãng giải khát có tiềm lực về nghiên cứu sản phẩm mới. Vì vậy, cùng thời điểm với dự thảo về thuế tiêu thụ đặc biệt, cả Coca-Cola và Pepsi đều công bố kế hoạch xây dựng nhà máy mới.

Trong khi đó, sức ép cũng rất lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất nước giải khát Việt Nam khi không kịp đổi mới hoặc bắt kịp xu hướng của thị trường. “Khi các doanh nghiệp trong ngành đồ uống phải đóng thuế tiêu thụ đặc biệt nhiều hơn, bị mất lợi thế cạnh tranh đối với doanh nghiệp nước ngoài”, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), nhận định.

Cuộc đua đầu tư mở rộng 

Sau nhiều năm cạnh tranh quyết liệt, thị trường nước giải khát Việt Nam đã định hình rõ nét nhóm doanh nghiệp thống lĩnh gồm 3 cái tên ngoại là Suntory PepsiCo, Coca-Cola, URC cùng 2 doanh nghiệp nội là Tân Hiệp Phát và Tập đoàn Masan. Riêng năm 2023, doanh thu ngành nước giải khát Việt Nam đạt 8,25 tỉ USD và dự kiến cán mốc 10 tỉ USD vào năm 2027.

Một câu hỏi đặt ra là việc siết các quy định bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng nhằm tránh các bệnh như tiểu đường, béo phì, sâu răng... liệu có tác động đến cục diện thị phần hiện tại? Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc áp thuế với đồ uống này làm giá tăng lên 10%, thì lượng tiêu thụ giảm khoảng 11%. 

“Việc tăng giá đồ uống có đường bằng cách đánh thuế sẽ khuyến khích mọi người giảm tiêu thụ loại đồ uống này và chuyển sang đồ uống lành mạnh hơn như nước suối và các loại đồ uống không đường khác”, Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, cho biết.

WHO cũng khuyến nghị đưa ra các biện pháp để hạn chế tiêu thụ nước ngọt bao gồm: ghi nhãn dinh dưỡng ở mặt trước đồ uống, hạn chế quảng cáo, hạn chế đồ uống có đường... Dữ liệu của Nielsen chỉ ra doanh thu của 5 loại đồ uống có đường bị áp thuế ở Philippines đã giảm mạnh so với trước đó.

Áp lực mới này diễn ra trong bối cảnh tất cả các doanh nghiệp trong ngành đối mặt với sức ép gia tăng về chi phí và hoạt động kinh doanh do cạnh tranh ngày càng tăng. Mặt khác, nhu cầu về sản phẩm thân thiện với sức khỏe đặt ra thách thức đối với các hãng nước giải khát có đường. Có thể thấy, đồ uống càng nhiều đường thì sẽ càng chịu nhiều biện pháp quản lý chặt chẽ.

Tuy nhiên, tiềm năng của thị trường nước giải khát tại Việt Nam vẫn là sức hút lớn đối với nhiều thương hiệu. Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát, cho biết trung bình người Việt chỉ tiêu thụ 23 lít nước giải khát/năm, trong khi người tiêu dùng thế giới sử dụng 40 lít/năm. Điều này chứng tỏ tiềm năng thị trường nước giải khát Việt Nam còn khá lớn.

Cùng với việc xây dựng nhà máy thứ 6 tại Long An, ông Jahanzeb Khan, Tổng Giám đốc Điều hành Suntory PepsiCo Việt Nam, cho biết Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm cho chiến lược đầu tư dài hạn của Hãng. Cụ thể, nhà máy mới có tổng vốn dự kiến hơn 300 triệu USD, rộng 20 ha và công suất 800 triệu lít/năm. Quy mô này xác lập vị thế nhà máy có quy mô lớn nhất trong lịch sử của Suntory PepsiCo tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Cũng trong đầu năm 2024, Coca-Cola Việt Nam đã tổ chức lễ khởi công dự án nhà máy thứ 4. Hãng nước ngọt này tiếp tục chiến lược đa dạng hóa danh mục sản phẩm, giành thị phần bằng cách mở rộng đối tượng khách hàng mục tiêu, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới có lợi cho sức khỏe... Cùng với việc đổi mới sản phẩm, các thương hiệu giải khát tiếp tục cuộc chạy đua để dẫn đầu ngành bằng chiến lược nhắm đến người tiêu dùng trẻ thông qua việc xây dựng hình ảnh mới gắn liền với đổi mới bao bì, giảm thiểu carbon và trách nhiệm cộng đồng địa phương... 

Theo ý nghĩa này, “thuế đường” được kỳ vọng tạo ra sân chơi bình đẳng nhằm loại bỏ lợi thế không công bằng của các sản phẩm không lành mạnh so với những sản phẩm lành mạnh.