Nhiều dự báo cho thấy ngành ngân hàng sẽ tiếp tục hành trình vượt bão. Ảnh: Quý Hoà.

 
Minh Đức Thứ Tư | 08/02/2023 15:30

Bản đồ lợi thế ngân hàng

Động lực tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng phân hóa rõ rệt với các biến số về quản trị rủi ro tốt, chi phí vốn và chất lượng tài sản.

Bước vào năm 2023, không ít ngân hàng tỏ ra thận trọng với kế hoạch lợi nhuận khi thị trường được dự báo còn đối mặt với nhiều thách thức.

Thận trọng 

Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Tổng Giám đốc ABBank, đánh giá, trong năm 2023, nhiều nước vẫn duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ, đặc biệt là suy thoái kinh tế đã manh nha xuất hiện ở một số thị trường trọng điểm như khu vực châu Âu, Trung Quốc... khiến các đơn hàng mới của doanh nghiệp trong nước sụt giảm. Chưa kể, lãi vay, tiếp tục trong xu hướng tăng sẽ kéo chi phí tài chính của doanh nghiệp tăng cao hơn. Khó khăn của doanh nghiệp sẽ tác động trực tiếp lên hoạt động tín dụng nên đòi hỏi ngân hàng phải thận trọng hơn trong việc xây dựng kế hoạch kinh doanh.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, có tới 87% tổ chức tín dụng ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2022 tăng trưởng dương so với năm 2021; bên cạnh đó, vẫn có 9,3% tổ chức tín dụng ước tính lợi nhuận tăng trưởng âm. Nhiều dự báo cho thấy ngành ngân hàng sẽ tiếp tục hành trình vượt bão trong chu kỳ bất động sản đi xuống và triển vọng kém tích cực của xuất nhập khẩu.

Theo đó, báo cáo của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định thu nhập lãi của ngành ngân hàng sẽ tăng trưởng chậm lại do tác động từ tăng trưởng tín dụng cùng với tỉ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) giảm trong năm 2023. Tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng từ 11-12%, thấp hơn mức mục tiêu 15,5-16% của năm 2022. Ngoài ra, với triển vọng kém khả quan của thị trường bất động sản, nhu cầu tín dụng dự báo cũng sẽ thấp hơn giai đoạn vừa qua.

 

Ước tính tỉ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) của các ngân hàng sẽ giảm nhẹ trong năm 2023 trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế Việt Nam giảm. Mặc dù vậy, một số ngân hàng có bộ đệm dự phòng dày và chất lượng tài sản tốt, ít phơi nhiễm với những ngành rủi ro, khả năng cao vẫn sẽ giữ được mức ROE tương đối và sẽ hồi phục về mức trung bình trong năm 2024.

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng đưa ra đánh giá, nguyên nhân chính khiến tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng chậm lại là lãi suất huy động tăng đẩy chi phí huy động vốn cao hơn, khiến biên lãi thuần sụt giảm. Bên cạnh đó, tốc độ tăng lợi nhuận ngân hàng chậm lại do phải tăng trích lập dự phòng rủi ro khi nợ xấu có xu hướng gia tăng. Vì thế, khả năng lợi nhuận ngân hàng trong năm 2023 sẽ khó bứt phá.

Trong khi đó, theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, thách thức lớn của ngân hàng trong năm 2023 là lãi suất tăng sẽ làm tăng nghĩa vụ trả nợ của bên vay (cá nhân và doanh nghiệp), trong khi kinh tế phục hồi chậm lại, tăng trưởng thấp hơn như nêu trên, dẫn đến nợ xấu tiềm ẩn gia tăng. “Dự báo năm 2023 nợ xấu nội bảng ở mức 2%, nợ xấu gộp khoảng 4%. Trong khi đó, nợ xấu gộp của hệ thống tài chính tín dụng Việt Nam khoảng 4,99%, ở mức cao khi so sánh với các nước trong khu vực”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực nhận định.

Động lực 

Trong năm 2022, điểm chung trong động lực tăng trưởng lợi nhuận ở những ngân hàng lớn như BIDV, MB, ACB là chi phí dự phòng rủi ro ngày càng thấp, như BIDV giảm 17%, MB giảm 26%, ACB giảm 94%. Cùng với việc các hoạt động kinh doanh cốt lõi có kết quả tích cực, 3 ngân hàng này góp mặt vào nhóm những ngân hàng có tăng trưởng cao nhất (trên 50%) trong năm 2022.

Chuyên gia của Công  ty Chứng khoán VNDirect cho rằng, với tình hình hiện tại, các ngân hàng có khả năng phòng thủ trước những biến động (quản trị rủi ro tốt và cho vay bất động sản hạn chế) như Vietcombank và ACB có lợi thế. Và một khi sóng gió qua đi, những ngân hàng có định giá rẻ, bộ đệm vốn vững chắc, có tỉ trọng cho vay bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp lớn trong danh mục tín dụng như Techcombank và VPBank cũng sẽ có sức bật tốt.

Trước bối cảnh hiện nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ ưu tiên các ngân hàng thương mại có cơ cấu tín dụng lành mạnh (tỉ trọng cho vay các phân khúc rủi ro như bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp thấp và/hoặc tỉ trọng cho vay bán lẻ cao), tham gia cơ cấu lại các tổ chức tài chính yếu kém, chất lượng tài sản lành mạnh, tỉ lệ an toàn vốn cao và quản trị rủi ro tốt.

 

VPBank, MB, HDB và Vietcombank là 4 ngân hàng tham gia vào việc cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém. Vì vậy, các ngân hàng này sẽ được nhận hạn mức tín dụng cao hơn so với các ngân hàng khác, theo đó cải thiện thị phần tín dụng trong năm 2023.

Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ thắt chặt trong năm 2023-2024 trong bối cảnh kinh tế vĩ mô vẫn có nhiều biến động. Những ngân hàng có tỉ trọng cho vay bán lẻ và tỉ lệ CASA cao sẽ có khả năng chống chọi với việc tiền gửi không kỳ hạn (NIM) bị thu hẹp. Theo FinnGroup, xu hướng giảm của NIM trong các quý tới, đặc biệt là ở những ngân hàng vay mượn nhiều trên thị trường liên ngân hàng gồm TechcomBank, TPBank, VPBank, MSB, HDBank. 

Hiện Techcombank, Vietcombank và MB là những ngân hàng có tỉ lệ CASA tốt nhất hệ thống, trong khi VIB và ACB là 2 ngân hàng có tỉ trọng bán lẻ cao nhất, lần lượt ở mức 87% và 64%. VietinBank, VPBank, TPBank và MB cũng là những cái tên đáng chú ý khi đã thành công trong việc tăng tỉ trọng cho vay bán lẻ trong năm vừa qua.

Tỉ lệ bao phủ nợ xấu (LLCR) cho quý III/2022 vẫn ở mức cao (143,2%) cho thấy các ngân hàng vẫn có bộ đệm về dự phòng khá vững chắc để xử lý nợ xấu. Tỉ lệ bao phủ nợ xấu cao xuất hiện ở các ngân hàng: VietcomBank, MBBank, VietinBank, BIDV, TechcomBank, thể hiện nguồn lực vững chắc để xử lý nợ xấu. Đối với những ngân hàng có tỉ lệ LLCR thấp, bao gồm EximBank, OCB và SHB, sẽ có nguồn lực hạn chế hơn trong việc xử lý nợ xấu.