Thứ Tư | 24/05/2023 09:00

Nhà thiết kế Sĩ Hoàng - Tĩnh

Tôi thích cải lương và giao hưởng. Tôi thưởng thức cả tranh lụa và sơn dầu. Tôi yêu văn chương bình dân của Hồ Biểu Chánh và cả bác học như Hemingway.

(Bài viết được thực hiện năm 2017)

Những lần thấy anh trên truyền hình, gặp anh tại các sự kiện, anh ưa mặc trang phục đen sang trọng và bí ẩn. Trong một lần trò chuyện cùng anh, nhà thiết kế Sĩ Hoàng vẫn trang phục đen, với nhiều suy ngẫm về đời và người.

Là người làm nghệ thuật, anh có định chọn cho mình một gu thẩm mỹ nhất định?

Tôi thích cải lương và giao hưởng. Tôi thưởng thức cả tranh lụa và sơn dầu. Tôi yêu văn chương bình dân của Hồ Biểu Chánh và cả bác học như Hemingway.

Môn nghệ thuật nào anh thích sau hội họa?

Kịch. Vì nó là sự tổng hợp của văn học, âm nhạc, phục trang, hình thể, đài từ, âm thanh, ánh sáng. Tôi không bao giờ xem tấu hài với các vai giả giọng, hở hàm ếch, làm xấu hay những thứ tương tự như vậy... Tôi nghĩ họ giễu cợt trên nỗi đau của người khác.

Tôi muốn biết một nghệ sĩ như anh khi bị căng thẳng thường sẽ làm gì?

Tôi quan niệm nên chia sẻ niềm vui với mọi người, còn nỗi buồn thì tự “tiêu hóa” lấy. Có thể tôi sẽ lao động chân tay, dọn dẹp bàn làm việc, chẳng hạn, để giải tỏa căng thẳng, hoặc đến thăm các em mồ côi, trẻ khuyết tật để được cảm nhận nỗi khổ của tôi là quá nhỏ bé so với các em, việc gì tôi phải cứ triền miên ngụp lặn trong nó.

 

Anh nghĩ thế nào về sự kết hợp giữa nghệ thuật sang trọng với cuộc sống bình dị?

Năm 1985, tôi đến làng nghề gốm Bàu Trúc, tỉnh Ninh Thuận để thực tập. Người dân ở đây rất tình cảm nhưng sống cơ cực lắm. Bữa ăn chỉ có cơm độn bắp với mắm sống cùng đàn ruồi bâu đen xung quanh. 10 năm sau trở lại, tôi đã là giảng viên Đại học Kiến trúc, nhưng người dân nơi này thì vẫn vậy. Tôi quyết định mua hết số bình gốm họ làm. Lúc đó, tôi đang chuẩn bị một cuộc triển lãm tranh thảm. Khi tôi thử kết hợp trang sức bằng cườm vào bình gốm thì rất đẹp, rất lộng lẫy, thế là tôi quyết định mang tất cả chúng đi trưng bày cùng với tranh thảm. Không ngờ khách mua sạch! Thế là giai đoạn 1995-1999, tôi tham gia làm gốm cùng dân làng. Năm 2000, tôi tổ chức triển lãm lần thứ 2 với 800 mẫu, mời chính các nghệ nhân trong làng tạo tác sản phẩm tại chỗ, thu hút rất nhiều nhà xuất nhập khẩu và tạo nên được thương hiệu gốm Bàu Trúc. Đó cũng là cách để hỗ trợ cho dân làng, những người từng giúp tôi trong lúc chúng tôi khó khăn.

Anh nghĩ gì về dân nghệ thuật thích thể hiện những phong cách mới lạ, đôi khi dị thường?

Bạn thấy đấy, xưởng vẽ của tôi, nó có thể bừa bộn nhất cũng không có một giọt màu rơi! Làm nghệ sĩ không nhất thiết quần áo phải lôi thôi, tóc phải dài, phong cách phải lập dị. Hình ảnh đó có thể chỉ nhất thời khi người nghệ sĩ say mê lao động, nhưng không nên biến nó thành cuộc đời của mình.

Nhưng anh gặp và có thể làm việc chung với những người như vậy?

Tôi khó chịu nhưng không phê phán và chỉ dừng lại ở mức xã giao. Cuộc sống vốn đa dạng mà! Đâu phải ai nhìn tôi cũng thích, tại sao tôi buộc mọi người phải giống mình?!

Anh nói gì nếu tôi nói rằng, cuộc sống của anh trông có vẻ êm đềm, tẻ nhạt?

Một người ăn phở có thể ăn ngay khi người phục vụ mang ra, cũng có người sẽ cho thêm đủ thứ gia vị vào. Không ai sai trong chuyện này cả! Tôi thì cho thêm đủ thứ, vì tôi là họa sĩ yêu sắc màu mà. Và tôi cũng cho rằng nồi phở ấy dành cho một trăm người không cá tính, còn tôi sẽ biến thành tô phở của Sĩ Hoàng. Tôi thể hiện mình theo cách của tôi, cá tính nhưng không nổi bật, kỳ dị!

 

Không gian làm việc của anh mang hơi hướng của Thiền. Anh có vẻ là người sống “duy tâm”?

Không phải duy tâm, nhưng tôi quan tâm nhiều đến Triết học và Phật giáo. Bởi các yếu tố này mang lại cho tôi sự tĩnh tại trong tâm hồn, dạy tôi biết cách đối nhân xử thế. Tôi thích triết lý âm dương vì nó biểu hiện sự cân bằng. Đời sống của tôi cũng hướng đến sự cân bằng đó.

Anh đối nhân xử thế theo cách nào?

Nếu cuộc sống là gương soi, thì mình chỉ làm hình chứ không nên làm bóng. Đừng nghĩ mình là sếp rồi bắt nhân viên phải chào. Nhìn vào gương phải cười trước rồi nó mới cười với mình, không thể làm điều ngược lại. Tôi luôn chào hỏi nhân viên ngay cả anh bảo vệ, chị lao công. Cái chào giúp người lao công lau nhà sạch hơn. Vậy lợi cho ai? Cho chính tôi! Tôi cho họ sự trân trọng hơn là tiền bạc. Và ngược lại. 

Anh thường chọn trang phục màu đen?

Màu đen nghĩa là không có màu. Một ngày làm việc của tôi đã quá nhiều màu. Chọn màu đen là cách tôi tìm đến sự cân bằng.

Xin cảm ơn anh!