Một điểm tối về xã hội Việt Nam hiện tại chính là niềm tin lỗi thời về kiến thức y dược, như khoa học khi sử dụng sừng tê giác để chữa bệnh. Ảnh: TL.

 
Hằng Nguyễn Thứ Ba | 07/02/2023 09:19

Juliet Bảo Ngọc Doling: Bảo tồn nên là ý thức tối thiểu

Tình yêu thiên nhiên và động vật đã thúc đẩy cô gái trẻ mong muốn trở thành “anh hùng” trong hoạt động bảo tồn và bảo vệ động vật hoang dã.

Vừa chạm ngõ đôi mươi, Juliet Bảo Ngọc Doling được biết đến rộng rãi nhờ vai diễn chính trong bộ phim đạt giải quốc tế Tro Tàn Rực Rỡ (của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư).  Cô gái trẻ này còn là một nhà hoạt động tích cực vì môi trường và cô đã chia sẻ với NCĐT về định hướng này.

Bảo Ngọc đang theo học ngành Động vật học và Khoa học về Động vật (Zoology and Animal Science) tại Đại học Deakin. Một chuyên ngành có rất nhiều điều cần nói...

Khi học ngành Zoology and Animal Science, em được tìm hiểu thêm rất nhiều kiến thức về động vật, môi trường và về tác động của con người lên động vật và hệ sinh thái trái đất. Ngành học này rất thực tế, giúp sinh viên được đi nhiều chuyến đi thực hành ngoài trời và thực hành trong phòng thí nghiệm. Ngoài ra, cuối năm nay, em được thầy trong trường đề cử cho một giải hỗ trợ nghiên cứu, giúp em có thể thực hiện giấc mơ có bằng tiến sĩ trong tương lai.

Em chọn ngành này là vì những lúc thoải mái nhất chính là những lúc được hòa mình vào thiên nhiên. Từ nhỏ em cũng đã rất yêu thiên nhiên, môi trường và động vật. Ngoài ra, là Đại sứ trẻ tê giác và có thời gian làm đại diện cho Wilderness Foundation Africa (WFA), em cũng tò mò muốn tìm hiểu sâu hơn trong ngành này.

 

Trong vai trò Đại sứ Tê giác, Bảo Ngọc có kế hoạch hành động như thế nào?

Em rất may mắn khi đã có cơ hội xin học bổng và học ở Trường Quốc tế Renaissance ở quận 7. Trong khi đang học lớp 11, Tổ chức WFA quảng cáo một cuộc thi tuyển chọn những đại sứ mới cho chiến dịch Wild Rhino Vietnam và rất may mắn em được chọn. Trước khi làm Đại sứ, WFA đưa em đi một chuyến qua Nam Phi để tận mắt chứng kiến vẻ đẹp của tê giác ngoài thiên nhiên và nói chuyện với những con người dũng cảm đang đấu tranh để bảo vệ tê giác. Điều này thúc đẩy em đẩy mạnh phong trào “Nói không với sừng tê giác” ở trường học cũng như mở rộng kết nối với trường khác.

Ngoài ra, khi tốt nghiệp cấp 3 và nghỉ giữa năm, em được mời làm đại diện của tổ chức này trong thời gian chờ quay phim Tro Tàn Rực Rỡ. Trong thời gian này, em được giao lưu với rất nhiều trường học các cấp, trường đại học, các tổ chức, lãnh sự quán để đẩy mạnh chiến dịch bảo vệ tê giác. Bên cạnh đó là gặp gỡ và giữ kết nối với các đại sứ trẻ khác và giao lưu làm việc với tổ chức bên Nam Phi.

Tham gia bảo vệ thiên nhiên, môi trường khi còn khá trẻ. Từ khi nào Bảo Ngọc thấy cần phải hành động để hiện thực hóa mong muốn này?

Từ nhỏ em đã thích coi phim tài liệu, nhất là các phim về môi trường và động vật hoang dã. Khi tìm hiểu về sự nóng lên của toàn cầu ở trường học, em không hiểu tại sao con người lại không quyết liệt hành động để ngăn chặn rủi ro này. Điều này thúc đẩy em bắt đầu các hoạt động bảo vệ môi trường. Từ đó, em tự giác tham gia các hoạt động dọn rác, lập các câu lạc bộ bảo vệ môi trường ở trường học và những hoạt động tình nguyện ở Úc.

Qua những hoạt động đã thực hiện, Bảo Ngọc nghĩ đâu là điểm sáng và điểm tối trong bức tranh lớn về bảo vệ thiên nhiên, động vật hoang dã tại Việt Nam? 

Khi hoạt động về môi trường, nhất là khi làm việc với WFA, em được gặp rất nhiều “anh hùng”, đặc biệt là các bạn trẻ đứng ra bảo vệ môi trường. Giới trẻ Việt Nam cũng có rất nhiều người có tâm huyết muốn bảo vệ môi trường. Vì vậy, em tin giới trẻ Việt Nam sẽ thay đổi được suy nghĩ của xã hội về việc sống hài hòa trong thiên nhiên bền vững.

Một điểm tối về xã hội Việt Nam hiện tại chính là niềm tin lỗi thời về kiến thức y dược, như khoa học khi sử dụng sừng tê giác để chữa bệnh. Những niềm tin mù quáng này khiến con người giam nhốt, sát hại tàn nhẫn nhiều động vật hoang dã quý hiếm. Ngoài ra, con người vẫn đang phải học cách sống hòa bình lại với động vật và thiên nhiên hoang dã.

Khi sống bên Úc, em học được rất nhiều về văn hóa của người dân bản địa. Họ có sự tôn trọng rất lớn đối với thiên nhiên và động vật. Họ chỉ đi săn hoặc lấy tài nguyên thiên nhiên khi thật sự cần thiết và khi lấy gì cũng phải trả lại hoặc thể hiện sự tôn trọng bằng cách chỉ săn những con đực hoặc những con thú già.

Việt Nam còn rất nhiều khu rừng xanh nhưng hệ sinh thái đa dạng đang bị thu hẹp dần. Đây chính là cơ hội và trách nhiệm cho một thế hệ nhà bảo tồn trẻ tham gia để phục hồi tự nhiên và bảo vệ động vật quý hiếm. Trong một hệ sinh thái bền vững, việc này sẽ vừa giúp thiên nhiên mà vừa đem lại lợi ích kinh tế lâu dài.

Chuyến đi Nam Phi của Tổ chức WFA năm 2019 của Juliet Bảo Ngọc Doling (thứ 2 bên phải qua) và các bạn đại sứ trẻ. Ảnh: TL.
Chuyến đi Nam Phi của Tổ chức WFA năm 2019 của Juliet Bảo Ngọc Doling (thứ 2 bên phải qua) và các bạn đại sứ trẻ. Ảnh: TL.

Bảo Ngọc giới thiệu là nhà hoạt động vì môi trường (environmentalist), nhà bảo tồn (conservationist) và diễn viên. Vậy thứ tự ưu tiên của 3 nghề nghiệp là gì? 

Làm một nhà hoạt động vì môi trường và nhà bảo tồn không nên tính là nghề, mà nên tính là cái ý thức tối thiểu mà con người nên có. Còn khi nói về độ quan trọng của nghề, thì nghề diễn viên và động vật học, nghề nào cũng quan trọng vì cả hai đều hỗ trợ cho nhau. 

Điều thú vị là trong Tro Tàn Rực Rỡ cũng đưa ra một thông điệp: thế giới thiên nhiên luôn có sự cân bằng. Dù ngọn lửa có đốt thiêu nguyên một khu rừng thì từ những tàn tro sẽ có cơ hội cho cây mọc lại và khu rừng trở nên đẹp hơn trước.

Em muốn dùng những gì em học được từ việc làm diễn viên và áp dụng nó vào ngành bảo tồn, như làm những phim tài liệu hay phim có đề tài liên quan tới môi trường, động vật.

Còn khi nhắc tới ngành động vật học, việc nghiên cứu thế giới tự nhiên rất quan trọng đối với con người. Ông bà ta học hỏi được rất nhiều từ những cái có sẵn trong thiên nhiên và thiên nhiên đem lại rất nhiều lợi ích cho con người mà chúng ta vì nhiều lý do đã lỡ bỏ qua. Những “người hùng” thiên nhiên sẽ giúp con người hiểu ngôi nhà chung của chúng ta hơn.

Việc có nhiều nghề nghiệp, vai trò như kể trên đã mang đến cho Bảo Ngọc những thuận lợi hay khó khăn gì? Các nghề nghiệp có bổ trợ cho nhau hay tạo ra mâu thuẫn không? 

Tất cả các hoạt động tình nguyện của em bên Úc đều có liên quan tới môi trường và động vật nên tất cả những việc đó đều hỗ trợ cho nhau. Tuy nhiên, khi sống và làm việc ở cả Việt Nam và Úc, nhiều lúc em sẽ phải lựa chọn giữa công việc ở 2 nơi. Tuy nhiên, mong muốn của em cho tương lai là kết hợp 2 đam mê, vừa có thể làm phim mà vừa nghiên cứu và giúp mọi người cùng thấy vẻ đẹp tự nhiên của môi trường thiên nhiên.