Hoa hậu Việt Nam Nguyễn Thị Ngọc Khánh (đăng quang năm 1998). Ảnh: TL.

 
Chủ Nhật | 19/06/2022 20:31

Hoa hậu Ngọc Khánh: “Thầy cãi”, doanh nhân đến MC

Hoa hậu Việt Nam Nguyễn Thị Ngọc Khánh (đăng quang năm 1998) để lại cho tôi sau cuộc trò chuyện với chị về sự nghiệp kinh doanh và MC năm 2006.

(Bài viết được thực hiện vào năm 2006)

Lối nói chuyện dí dỏm, gương mặt khả ái được ví như “Julia Robert phiên bản Việt” và trang phục bình dị là 3 nét ấn tượng mà Hoa hậu Việt Nam Nguyễn Thị Ngọc Khánh (đăng quang năm 1998) để lại cho tôi sau cuộc trò chuyện với chị về sự nghiệp kinh doanh và MC năm 2006. Hiện tại, Ngọc Khánh đã không còn tham gia showbiz, mà dành tâm sức cho cuộc sống gia đình bên cạnh người chồng doanh nhân trên đất Mỹ. 
 
Chị là Cử nhân Luật, vậy sao không theo nghiệp “thầy cãi” mà chọn con đường kinh doanh và MC?

Những ngày thực tập tại Phòng Báo chí của Sở Ngoại vụ TP.HCM đã giúp tôi nhận ra mình thật sự thích lĩnh vực truyền thông, phát huy được tính cộng đồng nhiều hơn, trong khi nghề luật chỉ co cụm trong 4 bức tường. Vì thế, tôi quyết định theo học thêm ngành quảng cáo, tham gia lĩnh vực kinh doanh, rồi làm chuyên gia tiếp thị, giám đốc điều hành công ty giải trí. Sau khi kinh doanh thì tôi nhận ra, coi sóc doanh nghiệp thật giống như trông một đứa trẻ, trong khi tôi vẫn còn mê mải với những công việc xã hội. Rồi thời của ngành truyền thông và truyền hình đến, tôi quyết định dành nhiều thời gian hơn cho ngành này. Thật ra, tôi vẫn hợp tác làm kinh doanh với vài người bạn, họ làm quản lý, còn tôi chỉ ở vai trò đối tác.

Nếu người nào đó hỏi tôi: “Sao cô hoa hậu kia là tiến sĩ hoặc hoa hậu nọ là doanh nhân mà cô lại chỉ chọn nghề MC thì tôi sẽ nói với họ rằng: “Đơn giản vì tôi không phải là các cô ấy”. Ảnh: VTV
Nếu người nào đó hỏi tôi: “Sao cô hoa hậu kia là tiến sĩ hoặc hoa hậu nọ là doanh nhân mà cô lại chỉ chọn nghề MC thì tôi sẽ nói với họ rằng: “Đơn giản vì tôi không phải là các cô ấy”. Ảnh: VTV

Hoa hậu làm MC có khác gì với người bình thường làm MC?

Người bình thường sẽ mất rất lâu để quen với công chúng hay quen với máy quay hoặc ánh sáng trong phim trường. Chính vì vậy, chọn những người được công chúng biết đến nhiều, cũng là những người đã “chai” với sân khấu như diễn viên, điện ảnh, ca sĩ, người mẫu… sẽ là xu hướng. Nhưng MC giỏi cần đa dạng và phải hiểu biết sâu sắc, cũng như ứng xử đúng mực trong mọi tình huống. Anh có thể thấy Oprah Winfrey. Nếu cô ta mặc đồng phục quân đội, chắc chắn cô ta đang dẫn chương trình thời sự chiến tranh. Nếu cô ta ăn mặc lộng lẫy, cô ta sẽ dẫn một chương trình trao giải phim hay âm nhạc nào đấy. Và cô ta, trong các talkshow đã dẫn dắt tâm lý nhân vật rất tốt, làm cho người được phỏng vấn vốn không chia sẻ tâm sự với ai đã phải “giãi bày” cho hàng triệu triệu người xem truyền hình. Nói chung, còn rất nhiều thứ cần phải học cho một MC chuyên nghiệp!

Chị nghĩ gì nếu một khán giả nào đó nói: “Cô ấy đẹp nhưng làm MC chưa tốt” hoặc “Cô ấy không có bản sắc!”?

Tôi không phải là người quyết định mọi thứ mà phụ thuộc vào ê-kíp. Bên cạnh đó, MC ở trong cánh gà cần phải có trợ lý để họ biết ngoài sân khấu đang xảy ra những gì, vì nếu bị đẩy ra sân khấu trong trường hợp khẩn cấp mà chẳng biết gì ngoài ấy thì sẽ không thể làm tốt được. Ngoài ra, sự thay đổi trong kịch bản rất thường xuyên xảy ra trong các chương trình ở Việt Nam. Cơ hội đâu để chúng tôi biểu lộ bản sắc? MC của chúng ta thường nắn gọt lời ăn tiếng nói cho thật hoàn hảo giống kịch bản nên sẽ rất khó có bản sắc. Ở Việt Nam, nhiều anh chị MC đã tạo được bản sắc riêng rất ấn tượng nhưng sau đó bị lặp lại chính mình.

Đẹp trong mắt bạn nhưng không đẹp trong mắt người khác. Tôi có thể thắng vài trăm, vài ngàn người phụ nữ trong một cuộc thi sắc đẹp nhưng tôi không thể thắng tất cả. Ảnh: VTV
Đẹp trong mắt bạn nhưng không đẹp trong mắt người khác. Tôi có thể thắng vài trăm, vài ngàn người phụ nữ trong một cuộc thi sắc đẹp nhưng tôi không thể thắng tất cả. Ảnh: VTV

Từ một Cử nhân Luật, một nhà điều hành, một Hoa hậu, chị có sợ vị trí của mình bị “tụt” khi tham gia nghề MC?

Nếu người nào đó hỏi tôi: “Sao cô hoa hậu kia là tiến sĩ hoặc hoa hậu nọ là doanh nhân mà cô lại chỉ chọn nghề MC thì tôi sẽ nói với họ rằng: “Đơn giản vì tôi không phải là các cô ấy”. Lý tưởng của con người, theo tôi, không phải là số tiền bạn sở hữu, số nhân viên bạn có mà là bạn đã làm được công việc mình yêu thích hay chưa. Nhiều nhà báo hỏi tôi về ước mơ, tham vọng, tôi đành thú thiệt với các anh chị ấy rằng, cuộc sống của tôi rất nhạt, chẳng có ước mơ lớn, dự án lớn. Có lẽ tôi là một con kiến, mỗi ngày chỉ làm được một chút việc thôi. Nhưng thành công lớn nhất của tôi là sự hạnh phúc trong cuộc đời này!
 
Nét đẹp góp phần làm nên sự tự tin. Chị có nghĩ chính sắc đẹp đã mang lại sự thành công cho mình?

Đẹp trong mắt bạn nhưng không đẹp trong mắt người khác. Tôi có thể thắng vài trăm, vài ngàn người phụ nữ trong một cuộc thi sắc đẹp nhưng tôi không thể thắng tất cả. Tôi không dành thời gian để nghĩ xem mình có đẹp không? Tôi dành nó để nghĩ về thứ gì mình làm được cho xã hội! 

Xin cảm ơn chị!