Nền kinh tế xanh đang dần thay thế nền kinh tế nâu, thời trang chậm đang dần thay thế thời trang nhanh. Ảnh: TL

 
Minh Lan Thứ Bảy | 15/10/2022 07:00

Sợi sinh học Made in Vietnam

Faslink đi tiên phong định hướng thị trường vật liệu thời trang bền vững tại Việt Nam.

12 năm miệt mài làm việc cùng các phòng lab tại Đài Loan, Nhật, Hàn, Trung Quốc... và đưa sợi sinh học vào thương mại hóa tại Việt Nam, bà Trần Hoàng Phú Xuân, CEO Faslink, nhấn mạnh: “Nếu chỉ thay đổi và sáng tạo về kiểu dáng mà bỏ quên câu chuyện cốt lõi của thời trang - nguyên vật liệu thì sớm hay muộn, các hãng thời trang sẽ bị thị trường đào thải trước nhu cầu tiêu dùng xanh”.

Hành trình chông gai

Nối nghiệp gia đình tiếp quản kinh doanh nghề vải, thoạt đầu, bà Xuân chọn ngách nhỏ trong thị trường là đồng phục may đo cho doanh nghiệp. Trong quá trình tìm kiếm nguyên liệu, bà Xuân thấy nhiều loại vải vừa tốt cho người mặc vừa thân thiện với môi trường tại các hội chợ quốc tế nhưng thị trường trong nước hoàn toàn vắng bóng.

Bà Xuân thừa nhận, ban đầu cũng không hề ý thức được thế nào là thời trang bền vững, chỉ chọn vì nghĩ đó là xu hướng của tương lai. Thế nhưng, càng đi, bà càng đam mê với con đường đã chọn. “Hành trình tạo nên những sợi vải xanh từ bã cà phê, lá và thân sen, vỏ sò, than vỏ dừa, cellulose bạc hà... không chỉ bắt nguồn từ ý tưởng và xu hướng trong kinh doanh mà gắn liền với sự đam mê, khát vọng mạnh mẽ phát huy giá trị của những nguyên liệu được xem là bình thường, ít giá trị trong tự nhiên”.
Tìm ra các loại sợi mới không khó nhưng thương mại hóa không hề dễ dàng. Bà Xuân buộc phải đặt lên bàn cân tính toán loại sợi nào vừa mang tính ứng dụng cao, vừa có giá thành hợp lý trong muôn vàn loại sợi sinh học với hàng loạt công nghệ sợi mới nhất.

 

“Chúng tôi cần từ 9-18 tháng để có những phiên bản ứng dụng đầu tiên cho các loại sợi dựa trên nghiên cứu từ phòng lab. Sau đó, cần thêm 1-2 mùa (trong thời trang, 6 tháng là 1 mùa) để làm thương mại và xác định thành công của nguyên liệu đó trong việc thương mại hóa”, bà Xuân chia sẻ hành trình đưa sợi từ phòng lab ra thị trường.
Năm 2008, Faslink ra đời dưới sự hợp nhất giữa Công ty May mặc Xuân Phương Nam do bà Xuân làm chủ và Công ty Vải sợi May mặc An Thuận Phát của gia đình. Thời điểm đó, thị trường thời trang Việt mới manh nha phát triển, khái niệm thời trang bền vững hoàn toàn xa lạ. 3 trở ngại lớn nhất đối với bà Xuân chính là phải nghiên cứu làm sao để các tính năng của sợi vẫn hiện diện trên nguyên liệu thành phẩm; có xác nhận của các công ty kiểm định bên thứ 3 về các tính năng này; thuyết phục khách hàng về kỹ thuật, tiềm năng thương mại, những lợi ích của người dùng với các nguyên liệu bền vững.

Để làm được điều này, bà Xuân xây dựng giải pháp đồng bộ ngay từ những ngày đầu. Một mặt, thương lượng với các phòng lab nước ngoài để có sợi sinh học giá thành phù hợp nhất. Mặt khác, bà thuyết phục khách hàng bằng các con số biết nói cùng sự kiên trì. “Nếu như trước đây, để thuyết phục được một đối tác, tôi cần đến 9 tháng thì giờ đây chỉ còn 1 tháng”, bà Xuân chia sẻ.

"Các tính năng bảo vệ sức khỏe của sợi như thoáng mát, nhanh khô, khử mùi, ngăn ngừa UV... hoặc các chỉ số đóng góp cho môi trường đều được Faslink công bố minh bạch. Nhờ đó, dù mua giá cao hơn so với vải thông thường từ 30-40% nhưng khách hàng vẫn rất vui vẻ”, bà nói thêm.

Quả ngọt đầu mùa

Nền kinh tế xanh đang dần thay thế nền kinh tế nâu, thời trang chậm đang dần thay thế thời trang nhanh. Xu thế này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chiến lược kinh doanh và sản phẩm của ngành hàng thời trang toàn cầu. Đối với thị trường Việt Nam, bà Xuân đánh giá tiềm năng là rất lớn nếu chuỗi cung ứng sản phẩm thời trang bền vững có thể đáp ứng cho thị trường trong nước và cả xuất khẩu.

Một nghiên cứu gần đây dự báo tốc độ tăng trưởng kép và tiêu dùng thời trang nội địa ở Việt Nam sẽ đạt 8,6 tỉ USD vào năm 2025 song song với gần 50 tỉ USD từ xuất khẩu. Do đó, việc chủ động cung cấp toàn diện nguyên liệu thời trang có chỉ số bền vững hoặc có công nghệ hay tính năng vượt trội là lợi thế rất lớn.

Hiện tại, phần lớn sợi của Faslink được làm từ 2 loại công nghệ: sinh học và polymer. Tiêu biểu cho 2 công nghệ là sợi sen, bã cà phê, bạc hà, sợi tái chế từ vỏ chai nhựa... Năm 2019, Faslink là công ty tiên phong trên thế giới thương mại hóa thành công áo sơ-mi, áo polo từ sợi cà phê. Bà Xuân kỳ vọng áo polo cà phê sẽ cán mốc 20 triệu chiếc trong năm 2022. Sau hơn 12 năm mày mò và trở thành người tiên phong trong lĩnh vực này, Faslink đang có hơn 50 đối tác là các thương hiệu thời trang hàng đầu trong nước với nhiều hợp đồng trị giá hàng triệu USD và mạng lưới hợp tác với hơn 900 doanh nghiệp lớn, nhỏ trong các lĩnh vực khác nhau.

 

Trên hành trình theo đuổi thời trang bền vững, bà Xuân đã chứng kiến sự chuyển mình của nhiều doanh nghiệp Việt. Họ nhận thức và chuyển đổi kịp thời từ gia công sang FOB (mua nguyên liệu, bán thành phẩm), ODM (tự chủ từ khâu thiết kế, sản xuất đến bán hàng). “Đã có những nhà máy dệt sẵn sàng chuyển đổi quy trình sản xuất tạo ra những loại vải xanh. Đây là thông điệp rất quyết liệt giúp tối ưu hóa tiềm lực thiết kế và năng lực sản xuất. Có như thế, Việt Nam mới có thể bảo vệ thị trường may mặc nội địa trước những thách thức toàn cầu hóa hiện nay như cách Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc đang làm”, bà Xuân khẳng định.

Thành quả ấy có không nhỏ công sức và sự kiên trì của bà Xuân và đội ngũ trong việc "định hướng" thị trường. Faslink chuyển sợi miễn phí và đồng hành xuyên suốt với nhà máy dệt từ thành phẩm đến thương mại. Khi họ làm ra mẫu vải thử, Faslink mang ra nước ngoài thẩm định, xin giấy chứng nhận làm truyền thông cho sản phẩm rồi đem sản phẩm đi bán hoặc giới thiệu khách đến nhà máy mua.

Để đẩy mạnh thương mại hóa các loại vải sợi mới, bà Xuân không chỉ tập trung đầu tư vào R&D, tối ưu hóa quy trình sản xuất, mà còn liên tục cải tiến, cập nhật công nghệ mới. Faslink đang có kế hoạch nghiên cứu và sản xuất vải tái chế từ quần áo cũ để tạo ra vòng đời mới cho sản phẩm và đặt mục tiêu tăng trưởng gấp 2-3 lần từ nay đến năm 2025.

Nhằm giới thiệu và khẳng định sự đa dạng của sợi sinh học về mặt thương mại, trong năm 2022 Faslink kết hợp với nhiều nhà thiết kế nổi tiếng tổ chức các show diễn thời trang, như một minh chứng rằng nguyên vật liệu bền vững vẫn có thể tạo ra những sản phẩm thời trang cuốn hút và đẹp mắt. Cuối năm nay, Faslink dự định tham gia hội chợ nguyên liệu tại Mỹ và Đức nhằm giới thiệu vải và các sản phẩm nguyên vật liệu "made in Vietnam" ra thế giới.