Yêu cầu kiểm điểm một số ngân hàng, công ty tài chính
Thanh tra Chính phủ vừa công bố kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật tại Ngân hàng Chính sách Xã hội.
Một trong những nội dung thanh tra và kết luận thanh tra có liên quan đến một số ngân hàng thương mại nhà nước và các công ty tài chính.
Cụ thể, Thanh tra Chính phủ kết luận, Ngân hàng Chính sách Xã hội còn có những tồn tại, thiếu sót trong hoạt động huy động vốn. Quá trình thực hiện các quy định về huy động vốn, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa tích cực trong việc xử lý nguồn vốn cho vay học sinh, sinh viên.
Đáng chú ý, theo kết luận thanh tra, các tổ chức tín dụng nhà nước chưa nghiêm túc trong việc duy trì số dư tiền gửi 2% tại Ngân hàng Chính sách Xã hội. Ngân hàng Nhà nước chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm giám sát các tổ chức tín dụng thực hiện quy định duy trì số dư tiền gửi. Ngân hàng Chính sách Xã hội chưa có biện pháp kiên quyết nhắc nhở các tổ chức tín dụng có vi phạm quy định về duy trì số dư tiền gửi.
Là mô hình đặc thù, có nhiệm vụ quan trọng trong hỗ trợ xóa đói giảm nghèo, nên quy định hiện hành yêu cầu các tổ chức tín dụng nhà nước phải duy trì tối thiểu 2% số dư tiền gửi của mình tại Ngân hàng Chính sách xã hội, để tạo nguồn.
Tuy nhiên, kết luận trên cho thấy nhiều tổ chức tín dụng nhà nước đã không thực hiện nghiêm túc quy định trên.
Theo đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm đối với chủ tịch, tổng giám đốc một số ngân hàng thương mại lớn, cũng như kiến nghị Thống đốc có yêu cầu đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam thực hiện việc duy trì số dư tiền gửi 2% tại Ngân hàng Chính sách Xã hội theo đúng quy định.
Cùng đó, Thanh tra kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiểm điểm trách nhiệm và xử lý theo thẩm quyền đối với Công ty Tài chính Cao su Việt Nam, Công ty Tài chính Công nghiệp tàu thủy, Công ty Tài chính Than - Khoáng sản Việt Nam, Công ty Tài chính Bưu điện, Công ty Tài chính Handico, Công ty Tài chính Sông Đà, Công ty Tài chính Xi măng, Công ty Tài chính Điện lực, Công ty Tài chính Hóa chất đã không thực hiện việc duy trì số dư tiền gửi 2% tại Ngân hàng Chính sách Xã hội theo quy định.
Ngoài nội dung trên, Thanh tra Chính phủ cũng kết luận về những tồn tại và thiếu sót của Ngân hàng Chính sách Xã hội trong phân loại nợ, xử lý nợ rủi ro, về hoạt động quản lý nguồn và quản lý tài chính, trong xây dựng cơ bản, và đặc biệt là nhiều sai sót trong hoạt động cho vay…
Bên cạnh những tồn tại và thiếu sót trên, Thanh tra Chính phủ cũng đánh giá Ngân hàng Chính sách Xã hội đã có những cố gắng trong huy động vốn nhằm đảm bảo nguồn vốn đáp ứng mức tăng trưởng tín dụng hàng năm được giao.
Chính sách cho vay các hộ nghèo của ngân hàng này đã được triển khai rộng rãi, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn của các hộ nghèo, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực cho người nghèo.
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, trong 11 năm qua, đã có trên 24,5 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội, với doanh số cho vay trên 267 nghìn tỷ đồng.
Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp trên 3,2 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 10 triệu lao động, trong đó có trên 102 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài; giúp 3.236 nghìn học sinh, sinh viên được vay vốn học tập; xây dựng hàng nghìn công trình công cộng và hàng trăm nghìn căn nhà cho hộ nghèo…
Nguồn VnEconomy