Thứ Tư | 03/02/2016 08:00

Yến to đấu yến nhỏ: Có đủ phần bánh cho mọi người?

Sự bùng nổ của yến nuôi cũng như cách đưa sản phẩm ra thị trường không đồng đều đã khiến cho mặt bằng giá bị phá vỡ.

Yến sào là sản vật được xem là cao lương mỹ vị tại các nước châu Á như Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc và một số quốc gia khác. Tại Việt Nam, đây là loại thực phẩm được xếp vào hàng cao cấp, giá bán từng lên đến hàng trăm triệu đồng/kg. Theo một kết quả nghiên cứu được Công ty Yến Việt công bố, thị trường yến Việt Nam hiện có quy mô hơn 200 triệu USD (khoảng 4.000 tỉ đồng), với mức tăng trưởng trung bình 25% mỗi năm.

Vì thế, không quá khó hiểu khi thời gian qua, sự phát triển của mô hình nuôi yến trong nhà đã góp phần làm nguồn cung tổ yến cho thị trường trở nên dồi dào. Nhưng sự nở rộ quá nhanh của nguồn yến sào nuôi nhỏ lẻ cũng tạo ra hiệu ứng trái chiều cho các doanh nghiệp, khi họ phải cạnh tranh về giá so với các sản phẩm không có thương hiệu.

Cụ thể, theo ông Lê Danh Hoàng, Giám đốc Công ty NutriNest, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh yến sào lớn vừa phải tìm cách tiếp cận gần hơn với khách hàng, vừa trực tiếp cạnh tranh nhau. Ngoài ra, họ cũng phải chịu sức ép về giá vì việc nuôi yến tự phát chưa được quy hoạch bài bản.

Thực tế, trước đây, sản phẩm yến sào tự nhiên được Công ty Yến Khánh Hòa độc quyền đưa ra thị trường và bán với mức giá cao ngất ngưỡng. Còn hiện tại, sự bùng nổ của yến nuôi cũng như cách đưa sản phẩm ra thị trường không đồng đều đã khiến cho mặt bằng giá bị phá vỡ. “Ðối mặt với tình trạng chung này, nhiều doanh nghiệp lớn bắt buộc phải giảm giá mới mong thu hút được khách hàng”, ông Hoàng chia sẻ.

Theo quan sát, khá nhiều thương hiệu yến sào đang đẩy mạnh việc bán hàng tặng kèm sản phẩm khác. Ðiều đáng nói là việc giảm giá vừa làm mất giá trị sản phẩm, lại khiến chất lượng yến sào đến tay khách hàng không đảm bảo.

Điển hình một số cửa hàng bán yến tại chợ Bình Tây, TP.HCM, giá bán có thể chênh lệch từ 35-80 triệu đồng/kg. Thậm chí, một số trang mạng xã hội còn rao bán mặt hàng này với giá chỉ 1,2 triệu đồng/kg. Ðó là chưa kể đến việc thật, giả lẫn lộn.

Trước tình hình chung này, việc “chèo chống” của doanh nghiệp để vượt qua cơn bão của thị trường cũng là một vấn đề. Ðiển hình như Yến Khánh Hòa tận dụng hệ thống bán lẻ rộng khắp để giữ vững thị phần khoảng 70% của ngành. Đây cũng là một trong những công ty chiếm ưu thế trên thị trường với hệ thống bán lẻ hơn 40.000 điểm. Yến Khánh Hòa hiện vẫn độc quyền mặt hàng yến đảo, sở hữu nhà máy chế biến có công suất hơn 30 triệu sản phẩm/năm.

Không có thế mạnh về nguồn yến tự nhiên hay như thị trường rộng lớn như Yến Khánh Hòa, nhưng Công ty Yến Việt từ khi được Quỹ VinaCapital rót 7,5 triệu USD đã nhanh chóng mở rộng quy mô. Ví dụ như việc thực hiện hàng loạt chiến dịch quảng bá thương hiệu và đầu tư thêm hơn 60 tỉ đồng nâng công suất nhà máy lên 28 triệu lọ yến/năm, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Một nhà máy trị giá hơn 4 triệu USD cũng được xây dựng tại Phan Rang, với công suất 5 triệu sản phẩm/năm.

Trong khi đó, NutriNest lại là một trường hợp đặc biệt. Năm 2012, ông Hoàng mua lại thương hiệu NutriNest với đầy đủ tên thương hiệu tiếng Anh đã được đăng ký và dây chuyền sản xuất một số sản phẩm yến sào từ Malaysia. “Tại Việt Nam, NutriNest chọn hướng đa dạng hóa sản phẩm với nhiều chế phẩm từ yến nguyên tổ. Công ty vẫn giữ nguyên mức giá vì tin rằng người tiêu dùng sẽ sáng suốt hơn trong việc tìm kiếm sản phẩm từ yến”, ông nói.

Đức Tài