Yến sào: Lộc trời không dễ hái
Cổ phiếu của các doanh nghiệp chế biến yến luôn nóng. Mới đây, số lượng cổ phiếu chào mua gấp đôi số lượng chào bán khi Công ty Yến sào Diên Khánh chào bán lần đầu ra công chúng (IPO). Sau IPO, Yến sào Diên Khánh dự kiến sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán. Thêm lần nữa, các nhà đầu tư lại nhắm tới ngành yến sào, sau thương vụ đình đám giữa VinaCapital và Yến Việt cách đây vài năm. Dù vậy, kinh doanh yến chưa hẳn là “món ngon” đối với giới đầu tư.
Với sản phẩm được định giá cao, ngành yến sào thu hút nhiều công ty tham gia thị trường. Theo nghiên cứu của Công ty Yến Việt, thị trường yến Việt Nam có quy mô hơn 200 triệu USD (khoảng 4.000 tỉ đồng). Tuy nhiên, chiếm thị phần đáng kể nhất chỉ có Yến sào Khánh Hòa và Công ty Yến Việt. Hai công ty này tập trung nhiều vào nguồn nuôi yến, hệ thống nhận diện thương hiệu, nhà máy và các hoạt động quảng bá... Nhờ những khoản đầu tư lớn và bài bản, thị trường phân hóa khá rõ rệt với lợi thế thị phần thuộc về 2 thương hiệu lớn này.
Yến sào được xem là “lộc trời” và Khánh Hòa là địa phương sở hữu nhiều đảo yến tự nhiên nhất trên cả nước. Do đó, dễ hiểu vì sao Yến sào Khánh Hòa là công ty có quy mô khai thác lẫn thị phần lớn nhất hiện nay. Tuy nhiên, các nhà đầu tư tư nhân bắt đầu nhảy vào thị trường yến nhiều hơn vì không còn phụ thuộc vào nguồn yến đảo, vốn nằm trong sự quản lý của các công ty nhà nước.
Dù sinh sau đẻ muộn vào năm 2005 với thị phần ít hơn, song Yến Việt lại là công ty tư nhân tập trung vào nguồn yến nuôi. Yến Việt có 18 nhà nuôi yến từ Phú Yên đến Cà Mau, năng suất khai thác bình quân 2 tấn/năm và nhà máy chế biến yến sào tại Cụm Công nghiệp Thành Hải (Phan Rang) với công suất 5 triệu sản phẩm/năm.
Không chỉ chế biến yến sào tổ, Yến Việt và Yến sào Khánh Hòa cũng được xem là đi trước thị trường với những khoản đầu tư vào nhà máy chế phẩm của yến sào như yến hũ hay yên lon. Yến sào Khánh Hòa sở hữu nhà máy Yến sào Diên Khánh với công suất 30 triệu sản phẩm/năm và nhà máy nước giải khát cao cấp yến sào tại thành phố Cam Ranh với công suất 50 triệu sản phẩm/năm. Trong khi đó, công suất của Yến Việt vào khoảng 28 triệu hũ/năm.
Ngoài 2 nhà đầu tư lớn ở trên, thị trường nước giải khát yến bổ sung thêm rất nhiều tên tuổi mới như Datafa, Thiên Hoàng, A1, Brand, Cung Đình và Song Yến... Các sản phẩm nước giải khát làm từ yến sào ngày càng phổ biến và được mở rộng thêm nhiều sản phẩm mới, chẳng hạn như yến sâm, yến collagen, cháo yến...
Với tỉ suất lợi nhuận cao, dễ hiểu khi nhiều nhà đầu tư lại nhảy vào, tạo sự cạnh tranh gay gắt. Bên cạnh đó, thị trường yến đang bị rối thông tin khi người dùng khó có thể kiểm chứng được xuất xứ và chất lượng sản phẩm. Thậm chí, trên thị trường đã xuất hiện yến kém chất lượng, yến giả. Do đó, người tiêu dùng ngày càng mất niềm tin hơn vào sản phẩm yến, khiến ngay cả những thương hiệu lớn cũng gặp nhiều khó khăn, buộc phải giảm giá để thu hút khách hàng.
Yến sào được xem là “lộc trời” và Khánh Hòa là địa phương sở hữu nhiều đảo yến tự nhiên nhất trên cả nước - Ảnh: khanhhoa.gov.vn |
Yến Việt được đánh giá là công ty tư nhân đầy tiềm năng. Giai đoạn năm 2013, VinaCapital rót 7,5 triệu USD và tham gia điều hành Công ty với mục tiêu đạt 1.000 tỉ đồng doanh thu năm 2015 và trở thành thương hiệu yến tầm cỡ trong khu vực. Để sớm đạt được mục tiêu doanh thu, Yến Việt mở rộng danh mục sản phẩm sang cháo yến, nước yến nha đam... nhằm phổ thông hóa sản phẩm và tiếp cận các phân khúc khách hàng đa dạng hơn.
Trong khi đó, Yến sào Khánh Hòa đang cố gắng tận dụng ưu thế “yến đảo” để khuếch trương thương hiệu. Hiện nay, công ty này đang quản lý, khai thác, phát triển nguồn tài nguyên yến sào đảo thiên nhiên với số lượng 33 đảo và 170 hang yến.
Tổng doanh thu toàn Công ty năm 2015 đạt 4.620 tỉ đồng, tăng 18% so với năm 2014, nộp ngân sách 420 tỉ đồng. Năm 2004, Yến sào Khánh Hòa là công ty yến đầu tiên xây nhà máy nước giải khát cao cấp với yến lon và yến hũ. Gần đây, Yến sào Khánh Hòa còn giới thiệu thêm các sản phẩm sữa chua, định giá bán cao khi bổ sung thêm các chất dinh dưỡng khác như sâm, hay tảo biển...
Với chiến lược về sản phẩm mới, có thể thấy Công ty cũng đang từng bước chuyển đổi từ chiến lược giá và sản phẩm để tiến sâu vào thị trường đại chúng hơn, nơi tập trung nhiều các công ty sữa và nước giải khát có quy mô lớn hơn nhiều ngành chế biến yến.
Được mệnh danh là vùng đất của yến, Yến sào Khánh Hòa đang nỗ lực trở thành thương hiệu quốc gia. Tất nhiên, không thể phủ nhận doanh nghiệp này có một lợi thế tự nhiên quan trọng là “con cưng” của tỉnh Khánh Hòa. Các hoạt động lễ hội, du lịch ở Nha Trang đều có gắn liền với hình ảnh “Sanest”.
Hãy trở lại với con đường niêm yết của Yến sào Diên Khánh. Thực ra, IPO các doanh nghiệp “con cưng” của tỉnh hiện đang là “trào lưu”. Ở Khánh Hòa, cũng đã có doanh nghiệp nổi tiếng trong ngành nước giải khát vừa mới IPO là Công ty Cổ phần Nước khoáng Khánh Hòa (Vikoda) với thương hiệu Đảnh Thạnh. Tuy nhiên, điểm khác biệt ở Yến sào Diên Khánh với Vikoda chính là xuất xứ của các nhà đầu tư chiến lược.
Nhà đầu tư của Vikoda là Công ty Cổ phần F.I.T, cũng là một doanh nghiệp niêm yết. Ở những trường hợp này, nhà đầu tư chiến lược đều là nhà đầu tư tư nhân mới. Trong khi đó, theo báo cáo kết quả chào bán, nhà đầu tư chiến lược của Yến sào Diên Khánh đã được xác định là Công ty Cổ phần Du lịch Thương mại Nha Trang, là công ty con của Yến sào Khánh Hòa (51% cổ phần). Hai đơn vị này nắm giữ 71,48% Yến sào Diên Khánh, số còn lại là người lao động và các nhà đầu tư cá nhân.
Nếu xét về khía cạnh kinh doanh, chưa đủ thông tin để kết luận về hiệu quả kinh doanh của nhà máy này trong những năm qua, vì Yến sào Diên Khánh chưa công bố báo cáo tài chính cụ thể. Theo số liệu thu thập được, tỉ suất lợi nhuận trước thuế trên doanh thu của Yến sào Diên Khánh là hơn 8,5%. Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt, doanh thu và lợi nhuận sau thuế ước tính năm 2016 của Công ty lần lượt là 844 tỉ đồng và 59 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 15% và 22% so với cùng kỳ. Tăng trưởng doanh thu chủ yếu đến từ việc tăng công suất hoạt động thêm 11 triệu sản phẩm/năm.
Ra đời trong bối cảnh là nhà máy sản xuất nước giải khát cao cấp cho Yến sào Khánh Hòa, Yến sào Diên Khánh chỉ sản xuất, nhưng để bán được hàng cần phải nhờ sự hỗ trợ không nhỏ đến từ những chương trình quảng bá của công ty mẹ. Về rủi ro bên trong, Rồng Việt cho rằng, mối quan hệ chặt chẽ trong việc cung cấp nguyên liệu đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra khiến Yến Sào Diên Khánh thiếu sự chủ động trong hoạt động kinh doanh, cũng như khả năng xảy ra “mâu thuẫn lợi ích” giữa cổ đông lớn và cổ đông thiểu số.
Thiên Phong