Ảnh: Quý Hòa
Ý tưởng nhỏ mở đường lớn cho nông sản Việt
Hơn 36 triệu kết quả tìm được trong vòng 0,41 giây cho từ khóa “bánh mì thanh long” là một minh chứng thành công của ông chủ chuỗi ABC Bakery Kao Siêu Lực. Xuất phát từ cái tâm muốn giúp đỡ người nông dân tận dụng được nông sản đang bế tắc đầu ra, ông chủ Kao đã sử dụng thanh long trở thành nguyên liệu làm bánh mì, một món ăn quen thuộc hằng ngày của người Việt.
Khởi đầu với 300 ổ và bán hết chỉ sau 1 tiếng. Tính tới ngày 2.3, doanh nghiệp này đã bán ra trên 52.000 bánh mì thanh long, giúp doanh thu mặt hàng bánh mì đã tăng trên 60% so với cùng kỳ năm ngoái, mang về trên 2,4 tỉ đồng sau hơn 20 ngày ra mắt. Lợi nhuận có vẻ chưa thật sự lớn, nhưng giá trị về truyền thông thì không thể phủ nhận khi bánh mì thanh long đang tràn ngập trên các phương tiện truyền thông, với nhiều lời khen ngợi, không chỉ ở Việt Nam mà còn xuất hiện trên báo, truyền hình nước ngoài như Business Insider, NextShark...
Cơ hội truyền thông từ đại dịch cũng thể hiện rõ ở trường hợp Công ty Xuất nhập khẩu Duy Anh, chuyên sản xuất và xuất khẩu sản phẩm thực phẩm làm từ gạo như bún, phở, miến, bánh tráng. Theo anh Lê Duy Toàn, Giám đốc doanh nghiệp này, cho biết: “Trước đây, Công ty đã sản xuất ra nhiều sản phẩm chế biến từ nông sản Việt như củ dền, rau má, rau bó xôi, khoai lang, chùm ngây... chứ không phải chỉ mới làm trong mùa giải cứu này”.
Nhưng từ khi có thêm các dòng sản phẩm mới với sự kết hợp của thanh long và dưa hấu, hai sản phẩm cần được giải cứu nhiều nhất vì dịch COVID-19, thì số lượng đặt hàng tăng lên rõ rệt. Cùng kỳ năm ngoái, mỗi tháng, Duy Anh xuất khẩu 4-5 container đi hơn 30 quốc gia trên thế giới. Trong mùa dịch này, Công ty xuất khẩu từ 3-4 container mỗi tuần, tăng gấp 3 lần trước đó.
Trên thị trường nội địa, các đại lý và người tiêu dùng cũng bắt đầu tìm đến các dòng sản phẩm của Duy Anh nhiều hơn. “Hơn một tuần trở lại đây, ngoài thị trường xuất khẩu, các sản phẩm bún, phở, bánh tráng từ dưa hấu, thanh long đã được Công ty phân phối rộng rãi ở thị trường nội địa”, anh Toàn cho biết.
Những sản phẩm độc đáo từ nông sản Việt tiếp tục thu hút sự chú ý của khách hàng và giới ẩm thực trên thế giới. Ông Kao Siêu Lực vừa qua đã gửi các clip làm bánh mì thanh long tới Hiệp hội Bánh mì Quốc tế và nhận được nhiều lời khen khích lệ. Ông cho biết sắp tới sẽ tham gia chấm thi một số giải quốc tế và ông sẽ kể câu chuyện sử dụng thanh long làm bánh mì ra sao.
Kết hợp với lợi thế ABC Bakery đang là nhà phân phối bánh mì cho các hãng thức ăn nhanh trên thế giới có mặt tại Việt Nam, câu chuyện này hứa hẹn mang đến sự độc đáo của ẩm thực cũng như nông sản Việt Nam. “Tôi đã gửi bánh mì thanh long đến họ và kỳ vọng một ngày nào đó, sản phẩm sẽ có mặt trên quầy bán của các thương hiệu này. Nếu thành công sẽ mang tính lan truyền lớn”, ông chủ Kao cho hay.
Ngay khi sản xuất thành công, bún, phở, mì dưa hấu, bánh tráng thanh long của Duy Anh đã lên đường xuất khẩu sang các thị trường như Úc, Hàn, Nhật, Hồng Kông. “Tôi đã thiết lập con đường dài hạn và bền vững hơn. Đó là đưa bún dưa hấu trở thành sản phẩm chủ chốt để đẩy mạnh xuất khẩu. Đây không chỉ là giải cứu nhất thời mà còn là sản xuất dài hạn, kết nối nguồn nguyên liệu với người nông dân. Cả nước sẽ ủng hộ sản phẩm này rồi người dân ở các quốc gia khác cũng sẽ có thêm nhiều món ăn mới từ nông sản Việt Nam”, vị giám đốc trẻ tin tưởng vào khả năng thành công của sản phẩm mới.
Tiến sĩ Clāra Ly-Le, Giám đốc Điều hành EloQ Communications, nhận định: “Đại dịch cúm đã nằm trong tâm thức của nhiều người và dẫn đầu các kết quả tìm kiếm thông tin. Ở thời điểm nhạy cảm hiện tại, nếu những doanh nghiệp đưa hoạt động của mình theo dòng sự kiện này thì sẽ được quan tâm hơn những thời điểm bình thường”.
Thực tế, những khó khăn của nông sản Việt Nam diễn ra ngày càng lớn khi dịch bệnh lan rộng ở nhiều thị trường xuất khẩu trọng điểm. Giải cứu nông sản đang là vấn đề mà thị trường cũng như các nhà quản lý rất quan tâm.
Nhiều tập đoàn, hiệp hội thu mua số lượng lớn nông sản chia sẻ khó khăn với nông dân. Bên cạnh đó, các hệ thống siêu thị lớn như Big C, Co.opmart... cũng tích cực hỗ trợ thu mua và mở rộng kênh phân phối các mặt hàng nông sản gặp khó. Tuy nhiên, những sáng kiến tăng giá trị và làm mới cho nông sản Việt Nam mới là hướng đi bền vững hơn là các chiến dịch giải cứu. Ông Nguyễn Ngọc Thanh Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam - Hàn Quốc tại TP.HCM, nhìn nhận nông dân và doanh nghiệp Việt Nam chú trọng số lượng, chỉ làm và xuất khẩu sản phẩm thô nên giá trị thương mại thấp. Chẳng hạn, chỉ với nguyên liệu là củ khoai lang, doanh nghiệp ở Hàn Quốc chế biến được 15 sản phẩm, thậm chí có cả nước ngọt từ khoai lang, còn Việt Nam chỉ biết có luộc, nướng, sấy...
Vì vậy, doanh nghiệp sản xuất cũng như xuất khẩu phải đẩy mạnh đầu tư công nghệ hiện đại để chế biến sâu, giúp tăng giá trị cho sản phẩm, chủ động đáp ứng những quy định mà các thị trường yêu cầu, bảo đảm tính bền vững cho xuất khẩu. Các sản phẩm mới như bánh mì thanh long hay bún dưa hấu cho thấy những sáng kiến dù nhỏ nhưng cũng có thể làm mới và mang lại giá trị cao hơn cho những sản phẩm tưởng chừng như quá quen thuộc.