Xui rủi rình rập thị trường cà phê
Giá sàn robusta London đóng cửa phiên cuối tuần 12/9 chốt mức 1.997 USD/tấn, giảm 82 USD so với cách đây một tuần nhưng mất 115 USD/tấn so với đỉnh 2.112.
Trong đợt giá tăng vừa qua, có người nóng vội bán trừ lùi khá thấp với mức trừ 90/100 USD/tấn FOB. Với hướng xuống trên sàn kỳ hạn, xem ra các hợp đồng giá này gặp khó ngay từ đầu vụ mới. Chỉ còn chừng nửa tháng nửa là cà phê bước vào vụ mới 2014/15.
Giá đi nghịch kèo
Tuần qua, xuất hiện nhiều báo cáo về cung-cầu giá trị trên thị trường cà phê, chủ yếu ủng hộ cho hướng lên. Tuy nhiên, nhiều người ắt thất vọng nếu như quá tin vào chúng để định hướng kinh doanh cho mình.
Dự đoán của nhà kinh doanh sừng sỏ Volcafe có trụ sở tại Thụy Sĩ cho rằng chắc niên vụ 2015/16 thế giới sẽ thiếu gần 9 triệu bao cà phê (60 kg x bao), theo họ, đấy sẽ là thời gian hụt cung đầu tiên sau 9 năm trời và mức độ thiếu ấy rõ là rất lớn.
Bên cạnh đó, thống kê xuất khẩu cà phê của Indonesia, nước xuất khẩu robusta lớn chỉ sau Việt Nam giảm mạnh: trong 11 tháng đầu niên vụ đến hết tháng 8/2014 vừa qua, xuất khẩu Indonesia chỉ đạt 211.000 tấn, giảm trên 20% từ con số 265.000 tấn của cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu cà phê từ Việt Nam đi cũng giảm nhiều trong ba tháng liên tiếp vừa qua, đều dưới 100.000 tấn/tháng.
Tưởng như vậy đã quá tỏ tường và cứ thế giá cà phê trên các sàn kỳ hạn và tại các thị trường nội địa phải tăng mới đúng. Nhưng không, thị trường không nghe theo kỳ vọng của các nước xuất khẩu.
Trên sàn kỳ hạn arabica Ice New York, từ đỉnh cao 209,45 cent/pound (cts/lb) vào ngày 3/9, giá đã giảm năm ngày liền, tính đến hết khuya thứ Tư 10/9, sàn arabica mất đến 28,45 cts/lb tương đương với gần 640 USD/tấn, là mức thấp nhất tính từ chín tuần nay. Tương tự, sàn robusta cũng rời đỉnh cao 2.112 USD/tấn vào ngày 3/9, mất gần 124 USD/tấn khi đóng cửa ngày thứ Năm 11/9.
Giá giảm do các yếu tố bên ngoài
Trên thị trường tài chính, đồng USD tăng mạnh ngay sau khi Ngân hàng trung ương châu Âu tuyên bố giảm lãi suất và có thể áp dụng chính sách kích cầu, một kiểu như chương trình “nới lỏng định lượng” mà Mỹ từng sử dụng để cứu vãn nền kinh tế thời gian vừa qua. Đồng USD không chỉ mạnh so với đồng euro, mà còn làm suy vi các đồng nội tệ của Brazil và Colombia, hai nước xuất khẩu cà phê arabica hàng đầu thế giới. Đến ngày 11/9, chỉ số đồng USD khi đóng cửa trên mức 84 điểm so với đầu tháng 7/2014 chỉ có 80 điểm.
Nói cho công bằng, không chỉ riêng sàn cà phê mà chỉ số rổ hàng hóa CRB mất điểm mạnh tính từ đầu năm 2014 đến nay. Hôm 11/9, chỉ số này chỉ còn 281,63 điểm, giảm 31,64 điểm so với đỉnh lập vào ngày 23/6 là 313,27 điểm. Đồng đô la tăng giá dẫn đến hệ lụy này. CRB là một chỉ số rổ gồm 19 loại hàng hóa trong đó có cà phê.
Thường khi đồng USD tăng, loại hàng hóa nào lấy đồng tiền này làm đồng tiền thanh toán đều phải bị bán tháo một phần vị thế kinh doanh do giá trị đồng tiền tăng.
Người kinh nghiệm trên thị trường tài chính đang lo ngại rằng giới đầu tư sẽ tiếp tục dùng đồng USD làm chỗ “trú ẩn an toàn” trong thời gian dài tới đây khi xung đột địa chính trị tại Ukraine làm Mỹ và EU đang hết sức căng thẳng với Nga, cuộc chiến chống nhóm tự xưng là Nhà nước Hồi giáo (IS), đặc biệt thị trường tài chính đang như phấp phỏng trước cuộc trưng cầu dân ý của Scotland đòi tách khỏi Vương quốc Anh.
Giá giảm từ các yếu tố bên trong
Các nước xuất khẩu đang hết sức lo lắng khi nhiều nguồn tin báo sản lượng Brazil thiệt hại nặng do hạn hán, nhưng thấy xuất khẩu vẫn ầm ầm. Trong 12 tháng tính từ tháng 9/2013 đến tháng 8/2014, Brazil xuất khẩu trên 35 triệu bao, trong khi dự kiến mới đây chỉ chừng 33 triệu bao! Nhiều người lo sản lượng 2015 của nước này giảm do “sợ” thiếu mưa nhưng cơ quan chịu trách nhiệm công bố sản lượng nông nghiệp của chính phủ Brazil cho rằng năm tới sản lượng sẽ cao hơn năm này 9,6%, tức lên 48,83 triệu bao từ 44,57 triệu bao của năm này. Từ lâu, con số dự báo của Conab thường là số thấp nhất trong nhiều dự báo thường có mặt trên thương trường.
Đối với niên vụ tới, Commerzbank cho rằng sản lượng Brazil sẽ khá vì Tổ chức Khí tượng Quốc tế báo rằng “thời tiết tại các vùng trồng cà phê nước này trong các tháng tới rất thuận lợi”.
Xuất khẩu nhiều, dự trữ cà phê tại các nước tiêu thụ càng lớn. Báo cáo mới nhất của Liên đoàn Cà phê châu Âu (ECF) nói rằng tính đến hết tháng 7/2014, tồn kho cà phê tại châu Âu tăng thêm 5,1% so với tháng 6/2014, đạt 11,65 triệu bao so với 11,08 triệu bao.
Nguồn thesaigontimes