Thủy Ngọc Thứ Hai | 11/12/2017 10:25

Xuất siêu: Mừng và lo

Tổng Cục thống kê vừa công bố con số kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong 11 tháng năm 2017

Theo đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 194 tỉ USD, còn nhập khẩu ước tính đạt 191 tỉ USD. Cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu đều tăng khoảng 21% so với cùng kỳ. Với kết quả này, Việt Nam đã xuất siêu khoảng 2,8 tỉ USD.

Cán cân nghiêng về FDI

Tuy nhiên, toàn bộ xuất nhập khẩu ở Việt Nam đều do các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chi phối. Về xuất khẩu, 11 tháng đầu năm nay, cộng đồng FDI chiếm tới 72,6% tổng giá trị xuất khẩu của toàn Việt Nam. Đối với nhập khẩu, con số này gần 60%. Tính ra, nhóm FDI xuất siêu đến 26,2 tỉ USD.

Con số xuất siêu của doanh nghiệp FDI, so với cùng kỳ năm ngoái đã tăng gần 33%. Trong đó, Samsung, Foxconn, LG, Panasonic, Intel… giữ vai trò quan trọng. Thậm chí, Samsung Việt Nam còn đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2017 đạt 50 tỉ USD. Đây là mục tiêu khả thi bởi năm ngoái, Samsung Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 40 tỉ  USD. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho thấy, kể từ năm 2013 đến nay, công nghiệp điện tử ở Việt Nam luôn có mức tăng trưởng trên 30%/năm.

Xuat sieu: Mung va lo
 

Theo CIEM, Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ 12 thế giới và đứng thứ 3 trong các nước Đông Nam Á về xuất khẩu sản phẩm điện tử. Nhưng vấn đề đặt ra cho Việt Nam là khối doanh nghiệp trong nước gần như đứng ngoài cuộc chơi này. Bằng chứng năm 2016, các doanh nghiệp FDI đã chiếm tới 95% giá trị xuất khẩu điện tử và 99,6% xuất khẩu điện thoại - linh kiện của Việt Nam.

Ở mảng dệt may và giày dép - những mặt hàng đóng góp lớn trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam, nhóm FDI cũng chiếm ưu thế. Cụ thể, khối FDI đóng góp khoảng 60- 65% giá trị ngành dệt may. Đây cũng là lĩnh vực thu hút vốn đầu tư đáng kể. Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, trong 5 năm qua, vốn rót vào các dự án dệt may đã lên tới gần 5 tỉ USD. Tương tự, báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, hơn 80% giá trị xuất khẩu ngành giày dép thuộc về doanh nghiệp FDI. Còn số liệu Tổng cục Hải quan nêu rõ, trên 90% kim ngạch xuất khẩu máy móc thiết bị phụ tùng thuộc về các doanh nghiệp FDI. Như vậy, tất cả 5 ngành dẫn đầu xuất khẩu của Việt Nam đều trong tay các doanh nghiệp FDI.

Ở chiều nhập khẩu, nhóm FDI đã nhập khẩu vượt trội hơn nhiều so với khối doanh nghiệp trong nước và đã tăng hơn 23% so với cùng kỳ. Nhưng nhìn trên hàng hóa nhập khẩu, dễ dàng nhận ra các doanh nghiệp FDI nhập khẩu là để phục vụ xuất khẩu. Lâu nay, với vị trí chiến lược, dân số trẻ, chi phí nhân công rẻ…, doanh nghiệp FDI vẫn xem Việt Nam là công xưởng sản xuất cho các ngành công nghiệp điện tử, dệt may, da giày, máy móc phụ tùng...

Dù tăng khả quan nhưng có thể thấy cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam chưa bền vững, còn phụ thuộc nhiều vào nguyên, nhiên liệu nhập khẩu. Vấn đề xuất phát từ thực tế Việt Nam vẫn phụ thuộc quá nhiều vào nguyên vật liệu đầu vào nhập khẩu, do công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, liên kết giữa khu vực FDI và trong nước còn lỏng lẻo.

Thông tin tích cực gần đây là Samsung đã thành công trong phát triển được 29 nhà cung cấp cấp 1; tỉ lệ nội địa hóa của Samsung Việt Nam đã lên tới 57%. Có thể thấy nhờ Samsung mà cả xuất khẩu và xuất siêu của Việt Nam đã có tăng trưởng tốt. Song chỉ một Samsung là chưa đủ.

Chỗ dựa nông, thủy sản

Trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu đạt giá trị hàng tỉ USD, đáng kể đến là thủy sản, gỗ, điều, rau quả. Đây đều là các mặt hàng thuộc lĩnh vực nông lâm thủy sản và doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế hơn trong cơ cấu tham gia. Chẳng hạn, top 10 doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu lớn nhất Việt Nam hầu hết là công ty trong nước. Trong đó, Vĩnh Hoàn, Minh Phú... là  những tên tuổi nổi bật. Đáng chú ý, năm nay, dù gặp những khó khăn liên quan đến việc bị cảnh cáo từ Liên minh châu Âu (EU) nhưng ngành thủy sản vẫn tăng trưởng xuất khẩu gần 19%.

Xuat sieu: Mung va lo
 

Riêng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của các doanh nghiệp Việt Nam cũng chiếm hơn một nửa giá trị xuất khẩu toàn ngành. Đóng góp lớn nhất trong xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ phải kể đến An Cường, Đức Thành... Ở ngành điều, năm nay khả quan khi chỉ 11 tháng đã đạt kim ngạch xuất khẩu vượt xa năm 2016 và tăng trưởng hơn 23% so với cùng kỳ. Các công ty lớn, góp phần quan trọng trong tỉ trọng xuất khẩu hạt điều là Long Sơn, Lafooco, Pygemaco, Hoàng Sơn 1, Thảo Nguyên, Tanimex.

Tuy nhiên, trong nhóm ngành nông sản xuất khẩu, rau quả mới là lĩnh vực có mức tăng trưởng ngoạn mục nhất, tăng hơn 43% so với cùng kỳ. Tính ra, xuất khẩu rau quả đã đạt 3,2 tỉ USD chỉ trong 11 tháng 2017, ngang bằng giá trị với hạt điều - một ngành xuất khẩu đứng đầu thế giới và vượt qua cả những ngành xuất khẩu chủ lực khác của Việt Nam như cà phê, tiêu, chè, dầu thô...

Hiện tại, rau quả của Việt Nam đã được xuất đi trên 40 nước, vào cả những thị trường khó tính như Mỹ, Hàn Quốc, Hà Lan, Malaysia, Đài Loan, Thái Lan, Singapore, Úc. Tuy nhiên, Trung Quốc mới là thị trường tiêu thụ rau quả chủ yếu của Việt Nam, chiếm hơn 75% tổng giá trị kim ngạch toàn ngành, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Điều này đặt cho rau quả Việt Nam rủi ro bị phụ thuộc vào một thị trường, nhất là khi Trung Quốc đang có những chính sách siết lại cửa ngõ tiểu ngạch.

Rủi ro khác là xuất khẩu rau quả Việt  Nam hầu hết dưới hình thức tươi sống nên giá trị gia tăng thấp, dễ bị tác động bởi rào cản kỹ thuật, chất lượng giảm nhanh, thời gian bảo quản ngắn, dễ gặp vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm.. Zion Research dự báo thị trường nông sản thế giới, thị trường rau quả chế biến toàn cầu đang có mức tăng trưởng khoảng 8%/năm và sẽ đạt 319,9 tỉ USD vào 2020. Theo các chuyên gia, xuất khẩu rau quả của Việt Nam còn nhiều tiềm năng và có thể lên tới 5 tỉ USD/năm nếu chú ý tới khâu chế biến, bảo quản, chất lượng...