Ảnh: TL.
Xuất siêu hơn 13,6 tỉ USD trong 5 tháng, khối FDI có xu hướng mở rộng đầu tư
Số liệu mới nhất của Bộ Công Thương cho biết kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của cả nước trong 5 tháng vừa qua ước đạt 152,96 tỉ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong số đó, khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước xuất khẩu 40,245 tỉ USD, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm trước; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) xuất khẩu (kể cả dầu thô) ước đạt 112,562 tỉ USD, tăng 14,8%.
Ở chiều ngược lại, khu vực 100% vốn trong nước nhập khẩu 53,36 tỉ USD (tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước), trong khi khu vực FDI nhập khẩu 98,931 tỉ USD, tăng 14,9%. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến trong 5 tháng có mức tăng trưởng 16%, giá trị tuyệt đối ước đạt 131,39 tỉ USD, chiếm 85,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chung. Như vậy, sau 5 tháng, khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước nhập siêu khoảng 13.115 tỉ USD, trong khi khu vực FDI xuất siêu 13,631 tỉ USD.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ KH&ĐT, 5 tháng đầu năm 2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 11,71 tỉ USD. Tính tới ngày 20/5/2022, ước tính các dự án đầu tư nước ngoài đã giải ngân được 7,71 tỉ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2021, cao nhất trong 5 năm qua.
Có thể thấy xu hướng gia tăng vốn, mở rộng đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài đã và đang thể hiện rõ nét. Các cuộc khảo sát của Phòng thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham), Phòng thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham)... gần đây cũng cho thấy 60 - 65% doanh nghiệp thành viên đang hoạt động tại Việt Nam có ý định mở rộng hoạt động trong năm 2022.
Cách đây hơn một tuần, tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P đã nâng hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam từ BB lên BB+, ghi nhận nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi vững chắc, và dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam khoảng 6,9% với xu hướng dài hạn là 6,5 - 7% từ năm 2023.
Phần lớn nhà đầu tư nước ngoài nhận định Việt Nam là thị trường mua bán, sáp nhập (M&A) hấp dẫn năm 2022 và những năm tiếp theo. Nhiều Hiệp định Thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực RCEP, đã có hiệu lực, mang lại lợi thế thương mại cho Việt Nam và kích thích đầu tư, bao gồm cả FDI vào Việt Nam.
Sắp tới, một số lĩnh vực của Việt Nam được cho là sẽ thu hút FDI mạnh mẽ hơn, chẳng hạn như hậu cần, công nghệ, dịch vụ tài chính, dịch vụ tiện ích, chăm sóc sức khỏe và giáo dục, sản xuất và bất động sản công nghiệp.
Có thể bạn quan tâm: