Chủ Nhật | 09/10/2016 11:53

Xuất ngoại làm nông lương ngàn USD

Các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel... đang cần tuyển rất nhiều lao động trong lĩnh vực nông-ngư nghiệp và sẵn sàng trả mức lương từ 1.000-1.400 USD/tháng.

Là một trong số ít các doanh nghiệp Việt Nam được Israel lựa chọn đưa thực tập sinh Việt Nam sang làm việc và học tập trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, đến nay Công ty cổ phần xây dựng và hợp tác lao động (LĐ) Oleco đã đưa được hàng ngàn người sang thị trường này. Ông Đào Việt Dũng, Tổng giám đốc công ty, cho biết chỉ tiêu của phía bạn dành cho Việt Nam đều tăng lên hằng năm. Riêng năm nay, đến thời điểm này công ty đã đưa được gần 300 bạn trẻ đi Israel.

Theo ông Dũng, đây là chương trình rất tốt cho sinh viên các trường CĐ, ĐH của Việt Nam sang học tập và tìm hiểu nền nông nghiệp hiện đại của Israel. Khi sang đây, các thực tập sinh làm việc 5 ngày tại trang trại và 1 ngày đi học. Mức lương tùy thuộc vào công việc và thời vụ, trung bình trên 1.000 USD (khoảng 22 triệu đồng). Những tháng gần đây, có nhiều người được trả lương đến 1.800 - 2.100 USD (khoảng 40 - 46 triệu đồng).

Không khắt khe tuyển chọn

“Việc tuyển chọn thực tập sinh không khắt khe, phía bạn chỉ yêu cầu trình độ từ CĐ trở lên. Những năm trước chúng tôi thường lấy sinh viên các trường ở miền Bắc, nhưng năm nay công ty phải tìm sinh viên chuyên ngành nông lâm từ các trường ĐH ở miền Trung và miền Nam mới đủ chỉ tiêu”, ông Dũng cho biết.

Hàn Quốc là thị trường xuất khẩu LĐ “hot” nhất hiện nay và rất nhiều LĐ Việt Nam mong muốn sang thị trường này. Thế nhưng, tuyển chọn trong ngành nông nghiệp rất ít LĐ đăng ký. “Mức lương của LĐ trong ngành nông nghiệp được hưởng từ 1.300 - 1.400 USD (khoảng 28 - 30 triệu đồng) không hề thấp so với các ngành nghề khác. Vấn đề ở đây là do việc lựa chọn ngành nghề theo tâm lý, những người đi xuất khẩu LĐ đa phần từ nông thôn và họ không thích ra nước ngoài tiếp tục làm nông dân.

Do vậy, trong các kỳ thi tiếng Hàn để tuyển chọn sang Hàn Quốc làm việc, người LĐ thường đăng ký chọn vào các ngành sản xuất chế tạo, xây dựng. Nông nghiệp và thủy sản luôn là 2 ngành ít người đăng ký nhất”, ông Lê Mạnh Hùng, Phó giám đốc Trung tâm LĐ ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), nói.

Cũng giống như Hàn Quốc, Israel, nông nghiệp không phải là ngành được LĐ lựa chọn sang Nhật, mặc dù thu nhập khá ổn từ 20 - 30 triệu đồng/tháng.

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm đào tạo và cung ứng nhân lực quốc tế (Techsimex), chia sẻ: “Nếu như làm việc trong nhà máy thường tuyển người có trình độ CĐ thì đối với nông nghiệp, phía Nhật không yêu cầu khắt khe, có bằng trung cấp hoặc chỉ cần tốt nghiệp THPT có thể sang làm các công việc như: làm vườn, chăn nuôi, chế biến nông sản, trồng trọt… Do nhận thức của nhiều LĐ Việt Nam, đã đi nước ngoài phải đổi đời, phải làm việc trong nhà máy nên thường không lựa chọn ngành nông nghiệp để đăng ký”.

Về nước có thể phát triển nông nghiệp

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB-XH), trong khoảng 2 năm trở lại đây, ngành nông nghiệp hiện là ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao. Ngoài chương trình EPS sang Hàn Quốc và chương trình Thực tập sinh tại Nhật Bản, Việt Nam còn tiếp nhận các đơn hàng từ Malaysia, Thái Lan...

Tại một số thị trường như Nhật Bản, LĐ làm việc trong ngành nông nghiệp chiếm gần 40% trên tổng số 44.000 LĐ đang làm việc tại Nhật Bản. Mới đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã cử đoàn khảo sát sang làm việc tại các tỉnh phát triển về nông nghiệp của Nhật để thúc đẩy ký kết các hợp đồng đưa LĐ sang làm việc trong ngành nghề này.

Ông Đặng Sỹ Dũng, Phó cục trưởng Cục Quản lý LĐ ngoài nước, cho hay trong tháng 11 tới, Hàn Quốc sẽ tổ chức tuyển 1.300 LĐ trong ngành ngư nghiệp. “Ban đầu phía Hàn Quốc chỉ tuyển 1.000 LĐ, nhưng do xảy ra sự cố Formosa, phía Việt Nam đã đàm phán đề nghị tăng chỉ tiêu tuyển dụng để giải quyết việc làm cho LĐ ở các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng tác động môi trường.

Phía Hàn Quốc đã đồng ý tăng thêm 300 LĐ. Vẫn công sức ấy, công việc ấy nhưng làm ở nước ngoài người LĐ sẽ được hưởng mức lương cao hơn rất nhiều so với làm việc ở trong nước”, ông Dũng nói.

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh nói thêm: “Với những LĐ ở những vùng nông thôn, miền biển, lựa chọn đi làm việc trong nông - ngư nghiệp là hoàn toàn đúng đắn. Nhật Bản là quốc gia có nền nông nghiệp công nghệ cao, đây là cơ hội học tập dành cho các bạn trẻ. Nếu 100 LĐ làm trong nhà máy Nhật, khi về nước may ra chỉ có 10 người làm các công việc liên quan đến ngành nghề mình đã làm. Còn đối với nông nghiệp, 100 người làm thì 100 người có thể ứng dụng những kiến thức đã học để áp dụng trong tương lai cũng như phát triển sự nghiệp sản xuất kinh doanh sau khi về nước”.

Nếu 100 lao động làm trong nhà máy Nhật, khi về nước may ra chỉ có 10 người làm các công việc liên quan đến ngành nghề mình đã làm. Còn đối với nông nghiệp, 100 người làm thì 100 người có thể ứng dụng những kiến thức đã học để áp dụng trong tương lai cũng như phát triển sự nghiệp sản xuất kinh doanh sau khi về nước.
Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm đào tạo và cung ứng nhân lực quốc tế

------------------------------------------------------------

Theo một lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước, Việt Nam và Israel đang đàm phán ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Israel, trong đó có thỏa thuận về hợp tác LĐ. Hy vọng trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều cơ hội cho LĐ Việt Nam sang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp tại quốc gia này.

Nguồn Thanh niên