Ảnh: Quý Hòa.
Xuất khẩu vẫn sáng cửa
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 53,79 tỉ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy mức tăng trưởng này có phần chậm hơn con số 23,2% của 2 tháng đầu năm 2021, đây cũng là dấu hiệu tích cực khi nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt với muôn vàn bất ổn.
Kiềng 3 chân cho xuất khẩu
Xuất khẩu được dự báo là điểm sáng trong năm nay, xuất phát từ sự phục hồi kinh tế của các thị trường chính như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc. Các quốc gia này đang chiếm tổng cộng xấp xỉ 70% tỉ trọng xuất khẩu của Việt Nam. Đó là những thị trường phát triển và đang dẫn đầu thế giới với tỉ lệ tiêm vaccine cao, cũng như khả năng phục hồi kinh tế ấn tượng. Tại Mỹ, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhu cầu đang phục hồi khá nhanh với tỉ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong 52 năm qua.
“Các nước đẩy mạnh tiêm vaccine bổ sung và mở cửa trở lại đã làm tăng nhu cầu đối với các sản phẩm dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử... của Việt Nam. Bên cạnh đó, các gói kích cầu, thông qua hỗ trợ trực tiếp cho người dân, đã thúc đẩy tiêu dùng các mặt hàng, trong đó có mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam”, ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, nhận định.
Xu hướng mở cửa kinh tế của Việt Nam trong những năm trở lại đây cũng hỗ trợ rất nhiều cho hoạt động xuất khẩu. Việt Nam đang tham gia sâu rộng vào hệ thống thương mại quốc tế với 15 hiệp định, cao hơn nhiều so với 2 hiệp định vào năm 2005.
Tỉ giá có xu hướng tăng nhẹ đang trở thành lực đẩy khác cho xuất khẩu. Khi các nền kinh tế phát triển đang có động thái giảm bơm tiền, Việt Nam do đi sau trong chiến dịch tiêm chủng và phục hồi kinh tế, vẫn đang có xu hướng duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ. Sự lệch pha này có thể tác động đến tỉ giá, làm giảm giá đồng nội tệ, từ đó giúp doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng lợi.
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Khối Ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán của HSBC, dự báo tỉ giá năm 2022 có thể đảo chiều về mức 23.000 VND/USD, trong bối cảnh tài khoản vãng lai chuyển sang thâm hụt, và dòng vốn FDI chảy vào chậm lại.
Bị “vạ lây” nhưng không đáng kể
Dù vậy, cuộc chiến giữa Nga và Ukraine phần nào để lại tác động tiêu cực lên lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam.
Trong 2 tháng đầu năm 2022, ngành nông nghiệp của Việt Nam xuất siêu 1,8 tỉ USD, tăng 86,7% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt khoảng 8 tỉ USD, tăng 20,9% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Tuy nhiên, từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, tình hình xuất khẩu sang thị trường này tạm thời bị gián đoạn và gặp rất nhiều khó khăn. Đơn cử là hoạt động xuất khẩu cá tra. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2021, thị trường Nga là một trong những điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu cá tra của Việt Nam với giá trị đạt 32,5 triệu USD, tăng 72,5% so với cùng kỳ năm trước.
Nhưng gần đây, một số doanh nghiệp lớn xuất khẩu cá tra đi Nga cho biết, do đồng ruble mất giá 30% nên nhiều nhà nhập khẩu không muốn thanh toán tiền hàng. Tình hình thanh toán qua các ngân hàng của doanh nghiệp gần như tê liệt. Các doanh nghiệp đã tạm ngưng ký đơn hàng cá tra xuất khẩu đi Nga dù nhiều nhà nhập khẩu vẫn mong muốn tiếp tục hợp tác.
Ngoài ra, các hãng tàu biển cũng đã thông báo không nhận vận chuyển container hàng đi Nga vì rủi ro rất cao khi các lô hàng có thể bị giữ lại tại cảng Rotterdam (Hà Lan) trước khi tới được 2 cảng biển lớn của Nga là Saint Petersburg và Vladivostok.
Kết quả là trong 2 tháng đầu năm 2022, Việt Nam dù xuất siêu sang Nga và Ukraine nhưng mức xuất khẩu và nhập khẩu đều rất nhỏ, chỉ chiếm 0,11-1% kim ngạch của cả nước, theo Bộ Công Thương.
Đẩy mạnh xuất khẩu sang EU
Ảnh: Quý Hòa. |
Cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đang mở ra cơ hội cho một số ngành xuất khẩu đặc thù ở một số thị trường khác. Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga có thể gây khó khăn cho việc xuất khẩu cá minh thái, một trong những mặt hàng thay thế chính cho cá tra Việt Nam ở EU - thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của ngành cá tra Việt Nam. Do đó, VNDirect nhận định ngành cá tra Việt Nam có thể tận dụng tình hình này để mở rộng thị phần và tăng kim ngạch xuất khẩu sang EU.
Cũng hưởng lợi từ tình hình này, các doanh nghiệp xuất khẩu tôn mạ của Việt Nam, như Hoa Sen và Nam Kim đang có cơ hội tăng sản lượng tại EU, khi hơn 20% tổng lượng nhập khẩu ở khu vực này đang thuộc về Nga và Ukraine.
Lương thực, cụ thể là gạo, cũng là nhóm ngành được hưởng lợi lớn trong giai đoạn này. Vì Nga và Ukraine đang chiếm tổng cộng gần 30% xuất khẩu lúa mì của thế giới, nên chiến sự khiến mặt hàng thiết yếu này bị thiếu hụt nguồn cung trầm trọng. Theo đó, gạo có xu hướng trở thành lựa chọn thay thế cho lúa mì.
Thực tế, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã ghi nhận nhiều kết quả khả quan trước cả khi xung đột địa chính trị xảy ra. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 90 ngày đầu năm 2022, cả nước xuất khẩu gần 650.000 tấn gạo, tăng hơn 36% so với năm 2021. Ngoài ra, với Hiệp định Thương mại EVFTA, xuất khẩu gạo ở thị trường EU được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.