Ảnh: Quý Hòa
Xuất khẩu vạ lây thương chiến
Theo số liệu thống kê của Phu Hung Securities, chỉ số sản xuất của Việt Nam (PMI) giảm về 50 điểm trong tháng 10, kết thúc 46 tháng tăng trưởng liên tiếp. Tình huống hiện tại nhắc nhở doanh nghiệp cần phải tỉnh táo về kế hoạch kinh doanh - xuất khẩu, vì nền kinh tế dường như bị vạ lây nhiều hơn là thu lợi từ thương chiến.
Chật vật về đích
Báo cáo tài chính quý III, nhiều doanh nghiệp thủy sản trên sàn chứng khoán công bố kết quả kinh doanh với doanh thu và lợi nhuận sụt giảm mạnh do sản lượng và giá bán đều thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 10 tháng đầu năm 2019, giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt 7,06 tỉ USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2018.
Trên sàn chứng khoán, các doanh nghiệp đầu ngành như Vĩnh Hoàn, Minh Phú đều chật vật với bài toán xuất khẩu. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Vĩnh Hoàn đạt 5.696 tỉ đồng doanh thu thuần, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2018; lợi nhuận sau thuế đạt 981 tỉ đồng, giảm hơn 5%.
Vốn được xem là thiên đường xuất khẩu của cá tra Việt, thì nay thị trường Mỹ lại là nơi khiến hàng loạt doanh nghiệp cá tra lớn như Vĩnh Hoàn, Cửu Long An Giang, Thủy sản Mê Kông, Thủy sản Hùng Vương và Agifish chật vật, chủ yếu do đơn hàng tăng trưởng âm. Tại Mỹ, tính đến hết tháng 10.2019, tổng giá trị xuất khẩu cá tra đạt 232,9 triệu USD, giảm 45,8% so với cùng kỳ năm trước. Về mặt hàng tôm, theo báo cáo tài chính của Thủy sản Minh Phú, trong quý III/2019, doanh thu của Công ty đạt 3.255 tỉ đồng, giảm 14,5% so với cùng kỳ năm 2018 và lợi nhuận sau thuế đạt 103,2 tỉ đồng, giảm 53,7%.
Theo các chuyên gia trong ngành thủy sản, nguyên nhân sụt giảm doanh thu của doanh nghiệp đến từ căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn, yếu tố cạnh tranh gay gắt về giá và tiêu chuẩn chất lượng khắt khe của các thị trường khó tính. “Năm 2019, xuất hiện nhiều yếu tố khó lường, tác động đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam như xung đột thương mại, giá tăng cao và nhất là sự cạnh tranh giữa các quốc gia cùng xuất khẩu thủy sản”, ông Trần Đình Luân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản, nhận định.
Tuy không ảm đạm như thủy hải sản, ngành may mặc cũng có một năm khó khăn khi doanh nghiệp vất vả tìm kiếm đơn hàng. Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, các doanh nghiệp dệt may đứng trước nhiều thách thức trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, yếu tố tỉ giá giữa các đồng tiền cũng khiến giá gia công của Việt Nam cao hơn so với các quốc gia cạnh tranh truyền thống.
“Tâm lý chung của người mua là lo ngại cuộc chiến thương mại sẽ leo thang, nên các đơn hàng bị chia nhỏ thay vì đặt số lượng lớn như những năm trước”, đại diện Bộ Công Thương nhận định. Thiếu đơn hàng dài hạn, hầu hết doanh nghiệp may mặc đều bị hụt hơi. Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết đến tháng 9.2019, hầu hết các đơn vị chưa đủ đơn hàng cho đến cuối năm. Dù nỗ lực nhưng xuất khẩu dệt may đã lỡ hẹn mục tiêu 40 tỉ USD đặt ra đầu năm.
FDI chững lại
Không chỉ có may mặc và thủy hải sản chịu ảnh hưởng, mà doanh nghiệp nhóm FDI xuất khẩu cũng bị vạ lây, dẫn đến hậu quả là dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam có xu hướng chững lại. Theo Công ty Chứng khoán KIS, dữ liệu xuất nhập khẩu trong tháng 10 thể hiện tổng giá trị thương mại gia tăng 1,3%, đạt 44,9 tỉ USD. Cụ thể, giá trị xuất khẩu đạt 22,4 tỉ USD, giảm nhẹ 0,79%, trong khi giá trị nhập khẩu đạt 22,5 tỉ USD.
“Sự suy giảm đột ngột về hoạt động xuất khẩu từ các doanh nghiệp FDI là nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm của xuất khẩu trong tháng 10. Cụ thể, giá trị xuất khẩu của nhóm doanh nghiệp FDI chỉ đạt 15,5 tỉ USD, giảm 4,21%, mức giảm mạnh nhất trong năm”, báo cáo KIS nhận định.
Chi tiết hơn, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện giảm đến 13,5% trong tháng 10, nguyên nhân chủ yếu là do Samsung dừng đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm Galaxy Note 10. Chỉ tính riêng năm 2018, Samsung xuất khẩu đạt 60 tỉ USD, tương đương 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Hiện nay, khối FDI đã chiếm hơn 70% xuất khẩu. Điều này tạo ra tính bất ổn đối với việc xuất khẩu do sản xuất và xuất hàng đi của khối FDI phụ thuộc rất mạnh vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Trong báo cáo phân tích chi tiết “tình hình kinh tế Việt Nam 10 tháng đầu năm 2019” của Phu Hung Securities, trong 10 tháng đầu năm 2019, FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần đạt 29,11 tỉ USD (tăng 4,3%). Trong đó, tổng vốn đăng ký cấp mới 12,83 tỉ USD, bằng 85,4% cùng kỳ năm 2018. “Các doanh nghiệp khi sản xuất, kinh doanh cần phải tính đến yếu tố bất lợi, tiêu cực của thương chiến, không nên chủ quan cho rằng chúng ta được hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại này”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cảnh báo.