Xuất khẩu “trúng mánh”
Rất đáng mừng khi sự khởi sắc của xuất khẩu rơi vào những lĩnh vực chủ lực, là thế mạnh trước nay của Việt Nam.
Đồ gỗ lạc quan
Ông Trần Văn Nam, Giám đốc Công ty CP Phước Hưng, thành viên Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM (HAWA), cho biết tình hình đơn hàng đầu năm cũng như toàn năm 2013 của công ty có nhiều khả quan. Với sở trường là sản xuất đồ gỗ, các loại cửa gỗ xuất khẩu, công ty đã có đơn hàng đến tháng 4-2013 tới hầu hết các thị trường chủ lực là châu Âu, Nhật, Úc. Theo ông Nam, trung bình mỗi tháng, công ty xuất đi khoảng 35-40 container hàng sang các thị trường nước ngoài với giá trị mỗi container đạt khoảng 20.000 USD. Vào ngày 20-2 (11 tháng giêng), công ty sẽ xuất đơn hàng khai Xuân khoảng 4-5 container sang thị trường châu Âu.
Nói về triển vọng xuất khẩu của công ty, ông Nam khẳng định mặc dù tình hình chung còn khó khăn nhưng Phước Hưng vẫn có nhiều cơ hội. Đặc biệt trong năm tới, công ty sẽ mở rộng sang thị trường Mỹ với nhiều đơn hàng của các tập đoàn lớn nên giá trị xuất khẩu hy vọng sẽ tăng trưởng tốt.
Giám đốc Công ty Mifaco 2, ông Điền Quang Hiệp, thông tin: Hiện Mifaco 2 đã nhận được đơn đặt hàng từ các thị trường Mỹ, Úc, Canada, New Zealand đến tháng 5-2013, trong đó thị trường Mỹ chiếm khoảng 80% số lượng đơn hàng. Năm nay, tình hình xuất khẩu đồ gỗ được đánh giá khả quan hơn. “Đáng chú ý, các đối tác nhập khẩu đồ gỗ năm nay có xu hướng chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của chúng ta” - ông Hiệp nhận định.
Nông sản thắng to
Lĩnh vực nông sản cũng đón nhận nhiều thông tin tích cực. Theo tin từ ông Nguyễn Xuân Thái, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Thắng Lợi, ngay mùng 10 tháng giêng (19-2), công ty sẽ xuất lô hàng đầu tiên với 285 tấn cà phê sang thị trường Nhật Bản, giá trị đạt khoảng 771.000 USD. Ông Thái cho biết do năm vừa qua mất mùa cà phê nên sản lượng cà phê trong dân và tại các công ty còn rất ít, sụt giảm khoảng 30%-35% so với cùng kỳ. Tuy sản lượng cà phê xuất khẩu có nguy cơ giảm sút nhưng giá bán ra tại thời điểm hiện tại lại cao hơn năm trước từ 5%-7%, nhờ đó giá trị thu về vẫn khá ổn định.
Xuất khẩu gạo tiếp tục được mùa. Vừa ăn Tết xong, Công ty TNHH Lương thực TPHCM xuất bán ngay lô hàng 2.000 tấn gạo thơm cho một đối tác Hồng Kông, đạt giá trị 800.000 USD. Theo ông Huỳnh Công Thành, giám đốc công ty, đây là lần đầu tiên công ty có hợp đồng xuất khẩu gạo thơm giá trị lớn như thế, đồng thời đối tác ở Hồng Kông đã yêu cầu công ty chia nhỏ, đóng gói sẵn để họ đưa thẳng hàng vào siêu thị, sau đó bán trực tiếp ra thị trường. Quan trọng hơn là năm nay, một số nước đẩy mạnh nhập khẩu gạo của Việt Nam, trong đó Trung Quốc đã ký nhiều hợp đồng mua gạo lớn ngay từ đầu năm 2013. Vì thế, các DN có đơn hàng sớm. Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng vừa thống nhất nâng giá sàn xuất khẩu gạo, giúp giá gạo ổn định hơn.
Các DN ngành điều thì đang gặp thuận lợi. Theo ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, khác với mọi năm, từ sau Tết Quý Tỵ, rất nhiều hợp đồng đã được ký kết với thời gian giao xa đến 6-7 tháng tới, giá bán cũng cao hơn trước. Hiện các DN thuộc hiệp hội đã ký hợp đồng xuất 400 container với tổng sản lượng khoảng 6,3 triệu tấn đi Mỹ, Úc và các nước châu Âu, giá bình quân gia quyền 6.500 USD/tấn (năm ngoái chỉ khoảng 6.000 - 6.200 USD/tấn).
Dệt may “đổi gió”
Tương tự, xuất khẩu hàng dệt may ngay từ đầu năm 2013 đã “đổi màu”. Số liệu mới nhất do Bộ Công Thương vừa công bố cho biết kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may trong tháng 1 năm nay ước đạt 1,05 tỉ USD, tăng 28,4% so với cùng kỳ. Theo Bộ Công Thương, tính đến thời điểm này, hầu hết DN ngành dệt may đã nhận được đơn hàng đến hết quý I, thậm chí một số DN lớn đã nhận được đơn hàng đến quý II, quý III năm nay. Theo ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May Sài Gòn 3, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nói: “Thay vì phụ thuộc vào đơn hàng, “ăn đong” như đầu năm ngoái, năm nay DN trong ngành yên tâm hơn, ai cũng bớt lo; việc làm cho người lao động được bảo đảm”.
Bà Đặng Thị Phương Dung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nhận định tình hình xuất khẩu ngành dệt may đầu năm 2013 có nhiều dấu hiệu khả quan về thị trường cũng như đơn hàng. Theo kế hoạch, năm 2013, ngành dệt may đề ra mức tăng trưởng 12%-15% với giá trị xuất khẩu dự kiến đạt khoảng 18,5-19 tỉ USD, trung bình giá trị xuất khẩu đạt 1,5 tỉ USD/tháng.
Thủy sản chờ thời
Trong khi đó, ngành xuất khẩu thủy sản thì “vui một nửa” vì tình hình của các DN đang lâm vào cảnh “kẻ ăn không hết, người lần không ra”.
Phấn khởi nhất có thể kể đến Công ty CP Thủy sản Hùng Vương (HVG). Ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc HVG, hồ hởi: “Sau Tết, HVG thực hiện hợp đồng xuất bán 3.000 tấn cá da trơn sang Đức, đạt giá trị 8 triệu USD. Giá cá xuất khẩu của HVG cao hơn giá thị trường khoảng 15% nhờ công ty áp dụng vùng nuôi đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và ASC...”. Cũng theo ông Minh, trong tháng 2 này, các nước châu Âu ăn mừng nhiều ngày lễ nên họ tăng sản lượng nhập khẩu thực phẩm tươi sống khoảng 30% so với cuối năm 2012, tạo cơ hội bán hàng khá lớn cho các DN thủy sản Việt Nam. Dự kiến, chỉ trong quý I/2013, HVG có thể đạt giá trị xuất khẩu trên 60 triệu USD, tăng 10% so cùng kỳ năm ngoái. Các đơn hàng xuất khẩu của công ty hiện đã kín đến hết tháng 4-2013.
Ông Trương Đình Hòe,Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết trong nửa đầu tháng 1-2013, giá trị xuất khẩu thủy hải sản qua VASEP đạt khoảng 198 triệu USD, ước tính cả tháng tổng giá trị đạt khoảng gần 400 triệu USD. Tuy tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng theo ông Hòe, tỉ lệ tăng không đáng kể và so với kế hoạch xuất khẩu cả năm đạt trên 6 tỉ USD thì mức xuất khẩu này chưa đạt mục tiêu.
Nguyên nhân chính là do tình hình thị trường chưa ổn định, hầu hết các thị trường vẫn đang “giải phóng” nốt lượng hàng tồn nhập về vào dịp Tết Dương lịch nên nay chưa đặt đơn hàng mới. “Các DN trong VASEP đang chờ xu hướng mới từ phía các thị trường, mong khởi sắc trở lại. Dự báo đến đầu tháng 3-2013, ngành thủy sản sẽ có những đơn hàng mới” - ông Hòe nhận định.