Hình ảnh minh họa: Quý Hòa.

 
Nhật Lệ Chủ Nhật | 23/10/2022 21:48

Xuất khẩu tốt sẽ góp phần quan trọng vào việc ổn định kinh tế vĩ mô

Theo Mirae Asset, xuất khẩu tốt sẽ không chỉ giúp Việt Nam tăng trưởng GDP nói chung mà còn góp phần quan trọng vào việc ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam đã tăng 17,3% (so với cùng kỳ 2021), đạt hơn 282,52 tỉ USD, với sự tăng trưởng mạnh mẽ ở các mặt hàng hóa chất, dầu thô & xăng, thủy sản và dệt may. Đáng chú ý, Việt Nam xuất siêu 6,52 tỉ USD trong 9 tháng đầu năm 2022. Ngoài ra, xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực như thủy hải sản, rau quả, hạt điều, hạt tiêu, chè, cà phê, gạo, sắn, sản phẩm cao su đã phục hồi và đạt được mức tăng trưởng khá. Một số mặt hàng nông, lâm, thủy sản tăng cả về lượng và giá trị xuất khẩu.

 

Tuy nhiên, theo ước tính sơ bộ của Tổng cục Thống kê (GSO), xuất khẩu của tháng 9 đã có phần chậm lại đáng kể so với tháng trước. Các ước tính sơ bộ cho 9 tháng đầu năm 2022 cũng chỉ ra rằng xuất khẩu sang Trung Quốc (+ 3,2% so với cùng kỳ 2021) hiện đang yếu nhất, trong khi xuất khẩu sang Mỹ (+25,4% so với cùng kỳ) vẫn duy trì được đà tăng trưởng. Lưu ý, dữ liệu sơ bộ của GSO sẽ được điều chỉnh và dự kiến được công bố vào khoảng giữa tháng tới.

Theo quan điểm của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, mặc dù tiêu dùng toàn cầu vẫn có dấu hiệu giảm, xung đột giữa Ukraine và Nga không có dấu hiệu kết thúc, và mùa đông đang đến gần, xuất khẩu của Việt Nam vẫn triển vọng trên cơ sở sản xuất công nghiệp tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng.

 

Tính đến ngày 19/10, tỉ giá USD/VND đã tăng khoảng 3,6% so với tháng trước và 7,8% so với đầu năm. Theo quan điểm của Mirae Asset, xuất khẩu là động lực quan trọng cần theo dõi kĩ trong quý IV/2022. “Xuất khẩu tốt sẽ không chỉ giúp Việt Nam tăng trưởng GDP nói chung mà còn góp phần quan trọng vào việc ổn định kinh tế vĩ mô”, Mirae Asset nhận định. 

Tuy nhiên, công ty chứng khoán này cũng nhìn nhận còn nhiều khó khăn phải đối mặt phía trước. Mặc dù đang có những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế Việt Nam, Mirae Asset cho biết họ vẫn lo ngại về những khó khăn đang xảy ra trên toàn cầu. Lạm phát châu Âu vẫn ở mức cao và doanh số bán lẻ châu Âu giảm mạnh ngay cả khi mùa đông (mùa mua sắm cuối năm) đang đến gần. Bên cạnh đó, nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang giảm tốc, cũng góp phần phủ thêm bóng đen lên triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. “Chúng tôi cho rằng rủi ro lớn nhất hiện nay là nguy cơ đình lạm (Stagflation) đang có dấu hiệu quay trở lại ở nhiều nước lớn trên thế giới”, Mirae Asset nhìn nhận. 

Dù vậy, công ty chứng khoán này kỳ vọng xuất khẩu sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước trong quý IV/2022 nhờ các yếu tố tích cực sau: 1) Tốc độ tăng chi phí đầu vào vẫn đang ở mức thấp; 2) Chuỗi cung ứng toàn cầu dự kiến sẽ ổn định sau khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt do COVID-19; và 3) việc mở lại thị trường nội địa của Trung Quốc sau Đại hội Đảng toàn quốc của Trung Quốc lần thứ 20. 

Có thể bạn quan tâm 

Bệnh viện tim Tâm Đức lãi hơn 31 tỉ đồng trong quý III/2022