Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ giảm do giá bán cao
Giá trị xuất khẩu mặt hàng này sang Mỹ 8 tháng đầu năm nay chỉ đạt 292,3 triệu USD, giảm 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tôm sú tiếp tục là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường này, hiện chiếm tỷ trọng 56%.
Diễn biến trên thị trường Mỹ cho thấy giá tôm có chiều hướng giảm liên tục từ đầu năm đến nay, cụ thể giá tôm sú giảm 19%. Trong khi đó, giá tôm sú của Việt Nam lại có xu thế tăng trên thị trường này trong 8 tháng qua. So sánh với giá tôm của các nước cung cấp khác như Indonesia, Malaysia hay Ấn Độ, giá tôm Việt Nam thường cao hơn từ 10 - 18%.
Trong nhóm 8 nước cung cấp tôm hàng đầu cho Mỹ (chiếm 90% tổng nguồn cung tôm cho thị trường này) thì lượng nhập khẩu tôm từ Thái Lan, Việt Nam và Trung Quốc giảm. Trong đó nhập khẩu từ Việt Nam giảm 2%. Nhập khẩu từ các thị trường còn lại tăng. Nhập khẩu từ Ấn Độ và Mexico tăng “ấn tượng” với mức tăng lần lượt 54,3% và 37%.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu chưa phục hồi, người tiêu dùng hạn chế chi tiêu thì tôm giá rẻ hơn sẽ là sự lựa chọn thích hợp đối với nhiều thị trường nhập khẩu tôm, không ngoại trừ Mỹ. Giá tôm rẻ hơn so với các nhà cung cấp khác đã giúp Ấn Độ đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang Mỹ và nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần.
Đại diện của Mazzetta - công ty thu mua tôm lớn trên thị trường Mỹ cho biết, công ty luôn cố gắng giải thích cho khách hàng về sự khác biệt giữa tôm Indonesia và tôm Ấn Độ. Tuy nhiên, phần lớn khách hàng của họ chỉ xem xét tới giá cả.
Nếu tôm Việt Nam tiếp tục được bán với giá cao hơn giá tôm Indonesia hay Ấn Độ, chắc chắn trong thời gian tới, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Mỹ sẽ còn giảm và giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam năm nay khó có thể đạt tới con số 2,4 tỷ USD như năm 2011.
Tuy nhiên, việc hạ giá bán trong bối cảnh hiện nay là quá khó đối với nhiều nhà chế biến tôm Việt Nam bởi các chi phí đầu vào đều tăng, giá thành sản xuất vẫn ở mức cao do ảnh hưởng của dịch bệnh và của một số chính sách quản lý chưa phù hợp…
Nguồn Vasep