Trong khi nhiều ngành như cá tra, cá ngừ, hải sản đều giảm thì xuất khẩu tôm vẫn tăng trưởng. Ảnh: vov.vn

 
Minh Anh Thứ Năm | 14/05/2020 16:34

Xuất khẩu tôm vẫn tươi sáng với mục tiêu 3,8 tỉ USD

Nếu dịch COVID-19 được giải quyết cơ bản vào cuối quý II, thị trường thế giới mở cửa trở lại, tôm Việt Nam có thể tranh thủ gia tăng xuất khẩu.

Nguồn cung Việt Nam ổn định

Theo nhận định của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), xuất khẩu tôm năm nay có thể lên tới 3,8 tỉ USD. Hy vọng vào “tương lai tươi sáng” cho ngành tôm cũng được ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chia sẻ tại Hội nghị “Triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm nước lợ năm 2020" vào ngày 8.5, với con số có thể đạt trên 3,5 tỉ USD. 

Tôm là mặt hàng vẫn duy trì xuất khẩu với kim ngạch 3 tháng đầu năm đạt 628,6 triệu USD, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân tôm Việt xuất khẩu tăng do nguồn cung lớn như Ấn Độ hay Ecuador đều bị gián đoạn bởi lệnh phong tỏa.

Ấn Độ, nguồn cung tôm lớn nhất cho Mỹ và là đối thủ cạnh tranh chính của tôm Việt Nam tại thị trường này, đang gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19. Lệnh phong tỏa của Ấn Độ tiếp tục được kéo dài tới ngày 17.5 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất của nước này, đặc biệt tháng 3 là tháng cao điểm để thả giống tôm vụ hè.

Người nuôi tôm ở Ấn Độ gặp khó khăn về nguồn cung và vận chuyển tôm giống trong khi đầu ra bị tắc nghẽn, không có lao động chăm sóc. Một số nhà máy chế biến của Ấn Độ chỉ có thể duy trì 50% lượng công nhân so với trước đó. Ngoài ra, giá tôm nguyên liệu giảm sâu, khiến người nuôi ngại thả giống nên nguồn cung nguyên liệu tại Ấn Độ có thể giảm.

 

Tại Ecuador, ngành tôm nước này đang phải hoạt động chỉ với 50% công suất. Hoạt động sản xuất tôm bị ảnh hưởng nặng nề do các công ty chế biến chủ yếu nằm ở Guayaquil, thuộc tỉnh Guayas, hiện là tâm dịch COVID-19 của nước này. Một số nhà máy chế biến quyết định không mua thêm nguyên liệu vì không có nhân công làm việc tại các nhà máy do lệnh phong tỏa.

Thị trường tiêu thụ thuận lợi

Theo VASEP, nhu cầu tiêu thụ tôm thế giới vẫn rất lớn vì tôm thuộc sản phẩm thiết yếu. Những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như: Hàn Quốc, Trung Quốc đang dần ổn định.

Tại thị trường EU, Việt Nam có lợi thế ưu đãi từ Hiệp định EVFTA dự kiến có hiệu lực vào tháng 7 tới. Với EVFTA, sản phẩm tôm nhập khẩu vào thị trường này có mức thuế cạnh tranh hơn so với Ấn Độ, Thái Lan.

Theo EVFTA, thuế nhập khẩu hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) vào EU sẽ được giảm từ mức thuế cơ bản 12-20% xuống 0% ngay khi Hiệp định có hiệu lực, thuế nhập khẩu tôm chế biến sẽ về 0% sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực. Trong khi đó, tôm Thái Lan không được hưởng GSP, không ký FTA, nên chịu mức thuế cơ bản 12%, Ấn Độ không có FTA nên chịu thuế GSP 4,2%, Indonesia hưởng thuế GSP 4,2%, Ecuador chịu thuế cơ bản 12%.

Tại Mỹ, khách hàng đang quay sang mua tôm Việt Nam do các nguồn cung tôm lớn từ Ấn Độ, Ecuador và Thái Lan giảm mạnh. Nhu cầu nhập khẩu của Mỹ cũng giảm mạnh ở phân khúc dịch vụ thực phẩm do các nhà hàng phải đóng cửa theo yêu cầu của chính phủ.

Tuy nhiên, các hệ thống bán lẻ vẫn thu mua hàng bình thường nhằm đáp ứng nguồn hàng thiếu hụt trong bối cảnh người tiêu dùng Mỹ đổ xô tích trữ. Theo đó, VASEP khuyến nghị doanh nghiệp xuất khẩu tôm sang Mỹ nên tập trung vào các sản phẩm chế biến sâu, có giá trị gia tăng cũng như thay đổi quy cách đóng gói để phù hợp với phân khúc bán lẻ.

► Xuất khẩu thủy sản từ Việt Nam sang Trung Quốc tăng mạnh trong tháng 7

► 31 doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu tôm vào Mỹ được hưởng thuế CBPG 0%