Chế biến tôm xuất khẩu. Ảnh: Thiên Ân

 
Sơn Nguyễn Thứ Hai | 12/10/2020 14:00

Xuất khẩu tôm: Sức bật từ bệ phóng EVFTA

Xuất khẩu tôm được tiếp sức nhờ "cơ hội kép" trong EVFTA.

Bên cạnh thương mại điện tử, có một ngành khác vượt thác thành công trong bão đại dịch là xuất khẩu tôm. Theo đó, xuất khẩu tôm tháng 8 tăng khá mạnh 12% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời đánh dấu tháng thứ 6 tăng trưởng liên tiếp. Tổng giá trị xuất khẩu tôm lũy kế 8 tháng đầu năm đạt gần 2,3 tỉ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ. Như vậy, xuất khẩu tôm của Việt Nam gần như không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thậm chí còn tận dụng cơ hội hiếm có để gia tăng thị phần tại các thị trường quan trọng.

Việt Nam đã hưởng lợi lớn khi kiểm soát được đại dịch từ rất sớm trong khi đối thủ cạnh tranh hàng đầu là Ấn Độ vẫn gặp khó khăn do đại dịch. Cho đến nay, Ấn Độ đã trở thành nước có số ca mắc COVID-19 nhiều thứ 2 thế giới sau Mỹ và các nhà máy chế biến tôm tại Ấn Độ tiếp tục bị gián đoạn sản xuất.

Ngoài ra, Việt Nam tiếp tục giành thị phần từ các đối thủ Trung Quốc do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Có thể thấy, tôm xuất sang thị trường Mỹ ghi nhận con số kỷ lục 109 triệu USD trong tháng 8, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 8 tháng đầu năm nay, toàn ngành tôm ghi nhận giá trị  xuất khẩu đạt 544 triệu USD (tăng 32%) vào thị trường quan trọng này.

Ông Robins McIntosh, Phó Chủ tịch cấp cao của Công ty CP Foods (Thái Lan), cho rằng Việt Nam đã bước ra đại dịch với vị trí của người chiến thắng khi đạt được nhiều tiến bộ mạnh mẽ về y tế. Về cơ bản, Việt Nam đã tránh được tác động nặng nề của COVID-19, hệ thống logistics không bị ảnh hưởng và sản lượng chế biến tôm nguyên liệu tiếp tục gia tăng.

Với nhiều điều kiện thuận lợi, các doanh nghiệp chế biến tôm đang khá lạc quan về triển vọng phục hồi. Ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Minh Phú, cho rằng từ cuối tháng 6 trở đi, xuất khẩu tăng mạnh sau khi hợp đồng được ký đủ đến cuối năm. Nhờ đó, Công ty sẽ kịp hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm với 994 tỉ đồng.

Ông Willem van der Pijl, sáng lập tờ Shrimp Insights, cho biết nhiều khả năng sẽ có sự thay đổi trong sở thích tìm nguồn cung ứng ở thị trường châu Âu. “Mọi thứ đang thay đổi ở châu Âu đối với dòng tôm bóc vỏ. Chúng tôi thấy một nhóm lớn hơn người mua đang tìm nguồn cung ứng trực tiếp. Trong đó có sự chuyển dịch mạnh mẽ khi các công ty dần rời xa Ấn Độ, Indonesia và tới Việt Nam nhiều hơn nhờ Hiệp định EVFTA”, ông Willem van der Pijl nhận định.

 

EVFTA thực sự là tín hiệu tốt dành cho các nhà chế biến tôm của Việt Nam. Theo các nhà phân tích, hiệp định này bắt đầu có hiệp lực từ tháng 8 đã đẩy nhanh xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường EU với giá trị xuất khẩu tôm tháng 8 đạt 58,8 triệu USD, tương đương với tốc độ tăng trưởng 15,5% theo năm.

“Hiệp định EVFTA sẽ xóa bỏ ngay thuế nhập khẩu 4,2% đối với tôm đông lạnh và hứa hẹn thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ tôm tại thị trường EU vốn khá nhạy cảm về giá. Tuy con số lũy kế 8 tháng đầu năm 2020 sang thị trường này giảm 1,6%, nhưng chúng tôi kỳ vọng sẽ sớm quay trở lại tăng trưởng dương trong quý IV”, đại diện Công ty Chứng khoán KB Việt Nam nhận định.

Đối với doanh nghiệp lớn trong ngành là Thủy sản Minh Phú, một số dấu hiệu tích cực đã bắt đầu xuất hiện từ cuối quý II/2020. Tuy doanh thu 6 tháng đầu năm có giảm nhưng nhờ thắt chặt chi phí và giảm lãi vay, Minh Phú ghi nhận lợi ròng 231 tỉ đồng, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm trước.

EVFTA đã mở ra cơ hội mới cho Minh Phú khi hiện thị trường này chỉ chiếm 11% giá trị xuất khẩu hằng năm của Công ty. Các sản phẩm của Minh Phú có chất lượng cao, đồng thời công ty này cũng xây dựng nhà máy Minh Quý tại Cà Mau chuyên phục vụ thị trường châu Âu, Úc, Trung Quốc. Nhà máy này là cơ hội để Minh Phú đẩy mạnh hơn nữa kênh xuất khẩu tới châu Âu.

 

Bên cạnh đó, việc triển khai mô hình nuôi tôm công nghệ cao bắt đầu từ cuối năm 2019 còn giúp Công ty chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào và giảm chi phí mua tôm. Trong 5 năm tới, Minh Phú có kế hoạch xây dựng thêm 3 nhà máy mới tại Cà Mau, Kiên Giang. Đặc biệt nhà máy đầu tiên tại Kiên Giang đang được xây dựng gần khu vực nuôi tôm công nghệ cao, nhờ đó sẽ tạo chu trình sản xuất khép kín, góp phần cải thiện biên lợi nhuận cho Công ty trong dài hạn.

Tôm chế biến còn bán khá chạy tại các thị trường này do việc giãn cách xã hội đã làm gia tăng nhu cầu tự nấu ăn tại nhà. Theo ông Hồ Quốc Lực, Tổng Giám đốc Công ty Thực phẩm Sao Ta, dịch bệnh đã làm đảo lộn nhiều thứ, trong đó có thói quen của người tiêu dùng. Trong điều kiện bình thường trước đây, hệ thống dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi... tiêu thụ tôm mạnh.

Nhưng khi dịch bệnh xảy ra, hạn chế đi lại, người tiêu dùng nước ngoài chuyển sang mua hàng ở siêu thị về tự nấu ăn. Lượng tiêu thụ tôm trong hệ thống bán lẻ những tháng gần đây tăng mạnh, nhờ vậy con tôm xuất ngoại được thuận lợi. Trong 8 tháng, Công ty Thực phẩm Sao Ta ghi nhận giá trị xuất khẩu đạt 120,6 triệu USD, tăng 12,5% theo năm