Chủ Nhật | 07/10/2012 08:20

Xuất khẩu tôm sang Nhật Bản tiếp tục sụt giảm

Rào cản Ethoxyquin tại thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất đang khiến hoạt động xuất khẩu ngày càng khó khăn hơn.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (Vasep), xuất khẩu tôm sang Nhật Bản đang ngày càng giảm sâu hơn khi nửa đầu tháng 9/2012, giá trị xuất khẩu tôm tiếp tục sụt giảm.

Trong đó, xuất khẩu chân trắng sang thị trường này giảm tới 22,05%; tôm sú giảm 1,2% và các loại tôm khác giảm 32,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, tháng 8/2012, giá trị xuất khẩu tôm sang Nhật Bản cũng đã giảm 16,6%.

Rào cản Ethoxyquin tại thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất đang khiến hoạt động xuất khẩu ngày càng khó khăn hơn.

Theo thống kê chưa đầy đủ, tại ĐBSCL hiện có đến 70% số nhà máy chế biến tôm đang phải sản xuất cầm chừng. Nhiều doanh nghiệp không dám mua tôm nguyên liệu - nhất là tôm nuôi theo phương thức công nghiệp, do lo sợ nhiễm Ethoxyquin.

Cũng có doanh nghiệp tìm được lối đi tiếp vào thị trường Nhật Bản bằng cách đẩy mạnh thu mua tôm nguyên liệu nuôi theo phương thức quảng canh, hoặc nhập khẩu tôm không nhiễm Ethoxyquin từ nước ngoài về chế biến.

Để giải quyết tình thế, một số doanh nghiệp nhập khẩu tôm đã hợp tác với công ty sản xuất thức ăn nuôi tôm áp dụng phương pháp ngưng cho tôm ăn trong khoảng 12 - 16 giờ trước khi thu hoạch 1 tuần, sau đó cho tôm ăn thức ăn có hàm lượng đạm thấp được làm từ bột cá sản xuất trong nước đến ngày thu hoạch. Kết quả sẽ thu được tôm sạch Ethoxyquin.

Theo phản ánh của một số doanh nghiệp, chi phí sản xuất trong 5 năm qua đã tăng từ 80 - 100%, chủ yếu do tác động của lạm phát, lãi suất ngân hàng, thuế và các loại phí quá cao. Riêng về phí kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm, mỗi năm một doanh nghiệp thủy sản quy mô vừa và nhỏ phải chi từ 5 - 10 tỷ đồng.

Nguồn Vasep


Sự kiện