Undercurrent News

 
Thứ Ba | 19/09/2017 12:20

Xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ sớm đạt 10 tỷ USD nếu thay đổi cách nuôi trồng

Đó là lời tuyên bố của Chủ tịch Công ty CP Thủy sản Minh Phú Lê Văn Quang.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với Undercurrent News, Chủ tịch Công ty CP Thủy sản Minh Phú Lê Văn Quang cho rằng nếu phương pháp nuôi trồng mới của Minh Phú được áp dụng rộng rãi trên cả nước, thì mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD trước năm 2025 là hoàn toàn khả thi.

Phát biểu trong buổi thảo luận về lĩnh vực tôm trong hội chợ Vietfish gần đây tại TPHCM, ông Quang rất vui mừng về những kết quả ban đầu từ các hộ nông dân xung phong thử nghiệm cho mô hình nuôi trồng tôm mới có tên gọi là “3C” của Minh Phú.

Mô hình này có 3 yếu tố giúp giảm tác động cho môi trường: ấu trùng trứng sạch, ao sạch và nước sạch, theo lời giải thích từ giám đốc đầu tư của Minh Phú là ông Phan Vinh Hiển.

Ông Hiển nói thêm: "Nó liên quan đến việc kiểm soát nước và chất thải chặt chẽ hơn. Chúng tôi cũng tổ chức thu hoạch theo từng giai đoạn để giảm thiểu rủi ro, dù cho quá trình nuôi trồng có tốt đến đâu thì những điều không mong đợi vẫn có thể xảy đến".

Cho đến nay mô hình 3C mới chỉ được thử nghiệm trên khoảng 20 ao nuôi trồng, nhưng dựa trên những thành công ban đầu, Minh Phú dự định sẽ thử nghiệm trên khoảng 200 ao nuôi trồng vào cuối năm nay.

Ông Quang cho biết rằng những ao nuôi trồng theo mô hình 3C đã cho ra năng suất rất cao, nông dân có thể thu hoạch 5 vụ/năm so với 3 vụ như bình thường, với năng suất thu hoạch khoảng 50 tấn tôm/ha mỗi năm.

Ông Quang nói thêm: "Cần 56 ngày để tôm đạt kích thước khoảng 80 con/kg, 63 ngày cho kích thước 50 con/kg, và 80 ngày cho 30 con/kg. Chúng tôi đã chứng kiến ​tôm của một số hộ nông dân có kích thước 18-20 con/kg".

Theo ông Quang, nếu tiến hành thử nghiệm rộng hơn, nhà máy chế biến của Minh Phú sẽ có thể hoạt động với công suất tối đa. Tỷ lệ tôm sống sót trong ao đã tăng khoảng 97%, vẫn theo lời ông Quang.

Mục tiêu đưa xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD vào năm 2025 đã được đề cập trong hội nghị, và ông Quang quả quyết rằng nếu hệ thống này được áp dụng trên toàn quốc, thì việc đạt mục tiêu trên vào năm 2020 không phải là vấn đề.

Tuy nhiên theo ông Quang, vấn đề là "chỉ những hộ nông dân khá giả mới có thể làm được việc này".

Quy trình 3C yêu cầu những thay đổi về cơ sở hạ tầng ở mức cơ bản nhất của các trang trại nhỏ, và ông Quang cho biết chính phủ và các ngân hàng cần phải hợp tác với những hộ nông dân để hỗ trợ vốn cho họ.

Ông nói: "Các khoản vay sẽ được hoàn trả rất nhanh sau khi thu hoạch, nhưng các ngân hàng không muốn cho nông dân nghèo vay vốn”.

Giá ổn định và nên giảm hơn nữa

Hiện tại, giá tôm đang "quá cao", ông Quang nói. "Chỉ có người giàu ở Việt Nam mới đủ khả năng mua tôm vào lúc này".

Tuy nhiên, ông dự tính bước nhảy vọt về năng suất sẽ làm giảm giá thành của tôm xuống tới mức có thể thu hút người tiêu dùng trong nước. Năng suất tốt hơn cũng sẽ làm giảm chi phí nuôi trồng, do đó biên lợi nhuận không bị ảnh hưởng trong kịch bản này, ông nói.

Từ đầu năm 2017 tới nay, sản lượng tôm của Ấn Độ tăng khoảng 10%; Ecuador tăng khoảng 12%; Thái Lan tăng 10%; và Việt Nam tăng khoảng 10%, theo lời ông Quang. Tuy nhiên, diện tích nuôi trồng tôm của Trung Quốc đã giảm, và vì thế nhu cầu nhập khẩu của nước này đã tăng mạnh.

"Nguồn cung đang tăng lên cùng nhịp với nhu cầu, vì vậy giá cả sẽ ổn định cho đến hết năm nay", ông nói. "Nếu Trung Quốc mua nhiều hơn thì giá sẽ tăng, nhưng biến động giá cả chỉ nên ở mức 5%".

Cũng tại Hội chợ Vietfish, các giám đốc điều hành của Minh Phú và công ty thủy sản Quốc Việt nói với Undercurrent News rằng sự thiếu hụt sản lượng tôm của Trung Quốc trong năm nay đã khiến những nhà nhập khẩu trên toàn thế giới tăng cường mua tôm, và sẽ giúp giá tôm ổn định ở mức cao trong suốt phần còn lại của năm 2017.

Hoàng Phượng

Nguồn Undercurrent News