Xuất khẩu tôm chân trắng 2013 sẽ đạt kỷ lục trên 1,2 tỷ USD
Theo VASEP, nguồn cung tôm cho thị trường thế giới năm 2013 giảm mạnh so với năm 2012 khiến giá tôm tăng mạnh kể từ đầu năm đã tạo điều kiện cho xuất khẩu tôm Việt Nam, đặc biệt là tôm chân trắng, tăng mạnh.
Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ tôm cuối năm của các thị trường lớn sẽ góp phần đẩy mạnh xuất khẩu tôm chân trắng của Việt Nam.
Triển vọng khả quan cho xuất khẩu tôm chân trắng
Xu hướng tiêu thụ tôm giá thấp và cỡ nhỏ hơn trên thị trường toàn cầu cùng với sự sụt giảm mạnh sản lượng ở Thái Lan - nước sản xuất tôm chân trắng hàng đầu thế giới - đã hậu thuẫn cho sản xuất và xuất khẩu tôm chân trắng của Việt Nam trong năm 2013.
Tính đến ngày 15/9, xuất khẩu tôm chân trắng đạt 875,4 triệu USD, vượt mức 868,3 triệu USD từ xuất khẩu tôm sú.
Ước tính giá trị xuất khẩu tôm chân trắng 9 tháng đầu năm 2013 chiếm 47,1% tổng giá trị xuất khẩu tôm của cả nước, cao hơn so với mức tỷ trọng 45,9% của tôm sú. Xuất khẩu tôm chân trắng ước đạt 952,4 triệu USD, tăng 79,6% so với cùng kỳ năm 2012, trong khi xuất khẩu tôm sú chỉ tăng 2,14% lên 928,2 triệu USD.
Năm 2012, chỉ với khoảng 38.000 ha diện tích nuôi, sản lượng tôm chân trắng của Việt Nam đã đạt khoảng 190.000 tấn, chiếm 38% tổng sản lượng tôm nuôi của cả nước.
Đến hết tháng 9/2013, sản lượng tôm chân trắng đạt 106.497 tấn, tiến dần tới mức sản lượng của tôm sú là 152.313 tấn, trong khi diện tích nuôi tôm chân trắng thấp hơn nhiều so với diện tích nuôi tôm sú.
Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, tính đến tháng 9/2013, diện tích nuôi tôm tại 22 tỉnh trên cả nước là 628.724 ha (bằng 98,3% so với cùng kỳ 2012), trong đó diện tích nuôi tôm sú là 581.441 ha, còn tôm chân trắng là 47.283 ha. Tổng sản lượng tôm thu hoạch là 258.782 tấn (bằng 116,4% so với cùng kỳ 2012).
Nhu cầu gia tăng ở hầu hết các thị trường
Trong 8 tháng đầu năm 2013, giá trị xuất khẩu tôm chân trắng đạt gần 800 triệu USD, vượt qua tổng giá trị xuất khẩu của loại tôm này năm 2012 là hơn 740 triệu USD.
Thống kê Hải quan cho thấy nhu cầu nhập khẩu tôm chân trắng gia tăng ở hầu hết các thị trường tiêu thụ tôm chính của Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm, tỷ trọng tôm chân trắng trong tổng xuất khẩu tôm sang Nhật Bản tăng từ 31,6% của cùng kỳ năm 2012 lên 42,7%. Tỷ trọng xuất khẩu loại tôm này sang Mỹ tăng gần gấp đôi, từ 37% lên 66,3%. Còn xuất khẩu tôm chân trắng sang EU và Trung Quốc cũng tăng đáng kể với tỷ trọng tăng lần lượt từ 45,7% lên 53% và từ 11,4% lên 19%.
Sự suy thoái của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đã làm thay đổi xu hướng và thói quen tiêu dùng của người dân. Xu hướng này được thể hiện rõ rệt nhất trên thị trường Nhật Bản và Mỹ.
Năm 2012, hàng loạt báo cáo thị trường tôm Nhật Bản cho thấy người tiêu dùng nước này đã chuyển sang sử dụng tôm chân trắng thay cho tôm sú trong các món ăn truyền thống của họ và tiếp tục duy trì xu thế này trong năm 2013.
Năm 2013, nguồn cung tôm chân trắng từ Thái Lan sang Mỹ giảm mạnh trong do ảnh hưởng của Hội chứng tôm chết sớm (EMS). Ấn Độ, với sản lượng tôm chân trắng nuôi tăng mạnh và không chịu ảnh hưởng từ EMS, đã nhanh chóng trở thành nguồn cung thay thế. Nhập khẩu tôm của Ấn Độ vào Mỹ trong 7 tháng đầu năm 2013 tăng 69%, từ 26.247 tấn của cùng kỳ năm ngoái lên 44.417 tấn.
Năm tài khóa 2012-2013, sản lượng tôm chân trắng của Ấn Độ đạt 147.516 tấn, tăng gần 83% so với mức 80.716 tấn của năm tài khóa 2011-2012.
Đầu những năm 2000, Việt Nam hạn chế phát triển tôm chân trắng. Đến năm 2006, ngành thuỷ sản đã cho phép nuôi bổ sung tôm chân trắng tại các tỉnh từ Quảng Ninh đến Bình Thuận, nhưng vẫn cấm nuôi tại khu vực ĐBSCL. Đầu năm 2008, nhận thấy thị trường thế giới đang có xu hướng tiêu thụ mạnh mặt hàng tôm chân trắng của Thái Lan, Trung Quốc… và sản phẩm tôm sú nuôi của Việt Nam bị cạnh tranh mạnh, hiệu quả sản xuất thấp, Bộ NN&PTNT đã ban hành Chỉ thị số 228/CT-BNN&PTNT cho phép nuôi tôm chân trắng tại vùng ĐBSCL nhằm đa dạng hoá sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu, giảm áp lực cạnh tranh, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của các nước trong khu vực và trên thế giới. |
Nguồn NDH