Các mặt hàng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2021 bao gồm thép, nguyên liệu nhựa, máy ảnh và máy quay phim, sợi dệt và xăng dầu. Ảnh: TL.
Xuất khẩu tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tháng 12/2021, giá trị xuất khẩu tăng 8,3% so với tháng trước (+24,8% so với cùng kỳ) lên khoảng 34,5 tỉ USD.Trong cả năm 2021, giá trị xuất khẩu tăng lên 336,3 tỉ USD.
Trong các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, các mặt hàng ghi nhận mức tăng trưởng mạnh nhất trong năm 2021 bao gồm thép, nguyên liệu nhựa, máy ảnh và máy quay phim, sợi dệt và xăng dầu.
Công ty Chứng khoán VNDirect cho biết họ lạc quan về triển vọng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022 nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ. Đầu tiên, thương mại toàn cầu được kỳ vọng sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2022. Dựa trên báo cáo mới nhất của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), khối lượng thương mại toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng 4,7% vào năm 2022.
Sự sụt giảm của một số chỉ số vận tải hàng hóa quan trọng kể từ tháng 10/2021, bao gồm Chỉ số thuê tàu hàng khô Baltic |
Chi phí vận chuyển đã dần bình thường hóa từ cuối năm 2021 do các biện pháp phòng chống COVID-19 được giảm thiểu nhờ tỉ lệ tiêm phòng cao cũng như tình trạng thiếu hụt container được giảm thiểu sau khi đơn đặt hàng sản xuất container tăng mạnh kể từ giữa năm 2021. VNDirect đã chứng kiến sự sụt giảm của một số chỉ số vận tải hàng hóa quan trọng kể từ tháng 10/2021, bao gồm Chỉ số thuê tàu hàng khô Baltic. Chi phí vận tải hạ nhiệt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu trong năm 2022, đặc biệt là sang thị trường Mỹ và châu Âu.
Thêm vào đó, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) dự kiến có hiệu lực từ đầu năm 2022 sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang các nước đối tác vào năm 2022. Hiệp định bao gồm 10 nước ASEAN và 5 nước đã ký hiệp định FTA với ASEAN bao gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc và New Zealand. RCEP được coi là một “hiệp định tầm cỡ hàng đầu”, bởi khi được thực hiện, nó sẽ tạo ra một trong những khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với quy mô 2,2 tỉ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới và khoảng 30% GDP toàn cầu. Không cần đợi đến khi hiệp định chính thức có hiệu lực, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước trong khu vực Đông Nam Á đã tăng mạnh với giá trị xuất khẩu tăng 24% so với cùng kỳ lên 24 tỉ USD trong 10 tháng năm 2021.
Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Kể từ khi hiệp định có hiệu lực, bức tranh xuất khẩu của Việt Nam sang liên minh châu Âu đã được cải thiện đáng kể. Với việc thuế xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục được cắt giảm vào năm tới theo lộ trình của hiệp định và triển vọng vững chắc của kinh tế châu Âu, VNDirect cho rằng xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2022.
“Chúng tôi kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam sẽ duy trì tốc độ cao, tăng trưởng 12,5% so với cùng kỳ vào năm 2022 (so với mức tăng 19,0% so với cùng kỳ trong năm 2021). Xuất khẩu sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế Việt Nam vào năm 2022”, VNDirect nhận định.
Có thể bạn quan tâm