Trong thực tế thời gian qua chỉ có khoảng 30% các doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ”. Ảnh: TL.

 
Hải Băng Thứ Năm | 12/08/2021 09:30

Xuất khẩu thủy sản khó đơn, khó kép

Các doanh nghiệp thủy sản đã gặp nhiều khó khăn và đang loay hoay thoát khó, trong đó giải pháp chờ vaccine cũng được trông chờ.

Hiện nay, thủ phủ chế biến, xuất khẩu thủy sản tại ĐBCSL đang bùng phát dịch COVID-19, không ít doanh nghiệp thủy sản đã ngưng hoạt động do có ca nhiễm. Theo VASEP, với 270 doanh nghiệp thành viên, đã được yêu cầu chỉ được duy trì hoạt động khi đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường - 2 địa điểm” để phòng chống dịch bệnh lây lan. Trong thực tế, thời gian qua chỉ có khoảng 30% các doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam đảm bảo điều kiện “3 tại chỗ”. 

Các doanh nghiệp không đủ điều kiện thực hiện “3 tại chỗ” đã phải ngừng sản xuất, dẫn đến một số hệ lụy như nợ ngân hàng, nợ nhà cung cấp, mất khách hàng, rủi ro không huy động được công nhân sau giãn cách. Với những nhà máy còn hoạt động, số lượng công nhân có thể huy động cũng chỉ đạt 30-50%, số còn lại phải nghỉ việc hoặc nghỉ không lương. 

Ảnh:TL.
Trong khi sản xuất bị sụt giảm, nhiều đơn hàng phải gác lại hoặc bị mất, các chi phí cho doanh nghiệp đảm bảo được “3 tại chỗ” lại tăng vọt. Ảnh:TL.

Trong khi sản xuất bị sụt giảm, nhiều đơn hàng phải gác lại hoặc bị mất, các chi phí cho doanh nghiệp đảm bảo được “3 tại chỗ” lại tăng vọt và đang tạo áp lực lớn như chi phí xét nghiệm hằng tuần, chi phí trang bị các điều kiện cho công nhân ăn - ngủ - làm việc tại nhà máy tăng 50-100%, chi phí trả thêm lương công nhân ở lại nhà máy tăng 30 - 50%, trả lương và chi phí hỗ trợ người lao động nghỉ việc, chi phí bao bì - vật tư - bột - phụ liệu tăng cao, chi phí điện sản xuất và duy trì kho đông lạnh, phí cước tàu biển liên tục tăng từ 2-3 đến 10 lần.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho rằng, thực hiện phương án 3 tại chỗ chỉ là giải pháp tình thế và chỉ có thể kéo dài từ 2-3 tuần với các doanh nghiệp vừa hoặc 4-5 tuần đối với doanh nghiệp lớn, chứ không thể kéo dài do sức chịu đựng của các doanh nghiệp là có hạn.

 

“Tập trung tiêm ngay vaccine cho người lao động tại các nhà máy chế biến thủy sản, chúng ta sẽ vừa giữ được thị trường đối tác xuất khẩu, vừa duy trì được sản xuất và công ăn việc làm cho rất nhiều lao động, bao gồm cả nông - ngư dân khai thác biển và sản xuất nguyên liệu ở phía trước”, ông Hòe, chia sẻ.

Lợi nhuận bị bào mòn

Nhìn lại hoạt động sản xuất của thủy sản từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp thủy sản tích cực xuất khẩu nhưng yếu tố lợi nhuận không được như mong đợi do giá thành sản xuất, các chi phí vận chuyển, chi phí hoạt động tăng cao trong giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Công ty Vĩnh Hoàn báo cáo doanh thu thuần bán niên tăng hơn 25% lên 4.310 tỉ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế chỉ tăng 4% đạt gần 392 tỉ đồng. Doanh thu tăng nhờ hoạt động xuất khẩu sang các thị trường khả quan. 6 tháng đầu năm, xuất khẩu của Vĩnh Hoàn tăng ở hầu hết thị trường quan trọng, trong đó thị trường lớn nhất là Mỹ tăng trưởng 48%.

Lợi nhuận tăng chậm hơn do tác động của nhiều loại chi phí gia tăng. Cụ thể các chi phí vận chuyển, lưu kho và chi phí dịch vụ mua ngoài tăng đột biến lên 162 tỉ đồng, gấp đến 3,7 lần cùng kỳ năm ngoái. Các chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng 30% lên xấp xỉ 100 tỉ đồng.

Một công ty lớn trong ngành là Thủy sản Nam Việt (Navico) cũng ghi nhận khó khăn tương tự. Mặc dù lợi nhuận gộp bán niên tăng 32% lên 280 tỉ đồng, chi phí lớn khiến lợi nhuận sau thuế chỉ còn tăng 16% lên 88 tỉ đồng. Thậm chí, lợi nhuận riêng quý II còn giảm hơn 26%.

Ảnh:TL.
Thực tế chi phí cước biển tác động đến hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Ảnh:TL.

Navico cho biết lợi nhuận giảm chủ yếu do các chi phí tăng mạnh, chủ yếu là các chi phí cước tàu và vận chuyển gia tăng. Số liệu trên báo cao cho thấy chi phí vận chuyển và kiểm hàng đã lên gần 93 tỉ đồng trong nửa đầu năm, gấp 2,2 lần cùng kỳ năm ngoái.

Thủy sản Mekong giảm hơn 9% xuống 60 tỉ đồng và qua đó thua lỗ hơn 4 tỉ đồng trong 6 tháng đầu năm, cùng kỳ vẫn có lãi. Công ty lý giải giá bán thấp cùng chi phí cước tàu tăng mạnh là yêu tố gây lỗ trong kỳ.

Thực tế chi phí cước biển tác động đến hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Chủ tịch Fimex ông Hồ Quốc Lực cho biết giá cước vận tải của công ty đã cao gấp 4-5 lần trước đại dịch, như đi Mỹ khoảng 10.000 USD/container hay đi châu Âu cũng khoảng 7.500 USD/container, các chủ tàu nước ngoài chiếm lĩnh gần như toàn bộ các tuyến vận tải đường dài này.

Theo Công ty Minh Phú, chia sẻ dịch COVID-19 ảnh hưởng nhiều khiến giá nguyên nhiên liệu tăng rất mạnh khoảng 20-50%, chuỗi cung ứng lao đao và phí vận tải tăng liên tục, tình trạng không có container rỗng nên rất khó đoán định. Thiếu tôm nguyên liệu càng khiến giá thành tăng cao và ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2021 sẽ giảm 30%