Thứ Ba | 12/06/2012 11:35

Xuất khẩu thủy sản dự báo tăng trưởng chậm 2 quý tới

Nhu cầu giảm từ châu Âu, Nhật tăng kiểm soát, những khó khăn về vốn là nguyên nhân khiến xuất khẩu thủy sản giảm trong nửa cuối năm.
Theo bài viết đăng trên trang web của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), mức tăng trưởng 11% trong 4 tháng và 0,9% trong tháng 4 năm nay không chỉ thấp nhất trong 3 năm qua mà còn phản ánh đúng thực trạng những khó khăn của ngành thủy sản.

Thiếu vốn và nguyên liệu cùng với các chi phí đầu vào tăng cao trong khi thị trường xuất khẩu bị thu hẹp là những trở ngại mà doanh nghiệp thủy sản phải đối mặt. 2 mặt hàng chính là tôm và cá tra đã bắt đầu có dấu hiệu sụt giảm từ tháng 4, trong đó xuất khẩu tôm giảm 6,5% đạt 163,2 triệu USD. Riêng tôm sú giảm gần 22% chủ yếu do tôm chết vì dịch bệnh và nhu cầu thị trường đối với sản phẩm cao cấp không nhiều.

Xuất khẩu cá tra cũng chỉ đạt 143,6 triệu USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo nhận định của nhiều doanh nghiệp, xuất khẩu cá tra sẽ tiếp tục giảm nếu doanh nghiệp và người nuôi không được tiếp sức bằng nguồn vốn vay ngân hàng.

Hiện nay, các doanh nghiệp chế biến thủy sản ít thuận lợi do nhu cầu thấp tại các nước nhập khẩu, việc tiêu thụ khó khăn.

Xuất khẩu thủy sản sang Châu Âu 4 tháng đầu năm giảm gần 12%, trong đó tôm giảm gần 30% và cá tra giảm gần 14%. Mức tăng trưởng của thị trường Mỹ cũng giảm chỉ còn khoảng 1/3 cho dù tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường này vẫn giữ ổn định khoảng 20%. 

Xuất khẩu thủy sản sang Nhật Bản tăng 32%, cao hơn so với mức tăng 3% của cùng kỳ năm 201, tỷ trọng tăng từ 14% cùng kỳ năm ngoái lên gần 18% trong 4 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, Nhật Bản đang gia tăng các rào cản kỹ thuật và từ ngày 18/5/2012 đã kiểm tra ethoxyquin với mức giới hạn cho phép 0,01 ppm đối với 30% số lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam. Trong khi đó, tại Nhật Bản, chất này được phép sử dụng trong thức ăn nuôi tôm với hàm lượng cho phép tối đa 150 ppm.

Vì vậy, nếu cơ quan quản lý của Việt Nam không có những động thái tích cực với Nhật Bản nhằm điều chỉnh mức giới hạn cho phép của ethoxyquin trong sản phẩm tôm của Việt Nam thì rất có thể tôm Việt Nam sẽ sụt giảm trong các quý còn lại của năm nay.

Các chuyên gia dự báo từ nay đến cuối năm, xuất khẩu thủy sản sẽ tiếp tục giữ được mức tăng trưởng 2 con số và tin rằng xuất khẩu thủy sản sẽ phục hồi và phát triển nhanh trong năm sau. Trước mắt, xuất khẩu thủy sản có thể tăng trong quý II và quý III nhưng khó vượt quá 10% vì xuất khẩu tôm và cá tra vẫn giảm do một số khó khăn nội tại và cả từ các thị trường bên ngoài.

Nguồn Vasep/DVT


Sự kiện