Tiếp Thị Thế Giới
Xuất khẩu thủy sản 2017 ước đạt trên 8,3 tỷ USD
Theo thống kê của Hải quan, tính đến 15.11.2017, xuất khẩu thủy sản của cả nước đã chạm mốc 8 tỷ USD, tăng gần 18% so với cùng kỳ năm 2016. Với khoảng trên 300 triệu USD xuất khẩu trong nửa cuối tháng 12, ước xuất thủy sản trong cả năm 2017 sẽ đạt trên 8,3 tỷ USD, tăng gần 19% so với năm 2016.
Xuất khẩu tôm năm nay duy trì tăng trưởng khá ổn định ở mức trên 21% dự kiến sẽ đạt 3,8 tỷ USD, xuất khẩu cá tra ước đạt gần 1,8 tỷ USD, tăng gần 4% so với năm ngoái. Xuất khẩu cá ngừ và mực, bạch tuộc đều có khả năng chạm mức gần 600 triệu USD, tăng lần lượt 16% và 42% so với năm 2016. Xuất khẩu các loại cá biển ước đạt 1,3 tỷ USD, tăng gần 17%. Các sản phẩm khác đều tăng trưởng mạnh, trừ xuất khẩu cua ghẹ giảm gần 6%.
Trừ thị trường Mỹ, Australia và Nga bị giảm nhẹ nhập từ Việt Nam, các thị trường khác đều tăng trưởng mạnh. Xuất khẩu sang Mỹ giảm chủ yếu do xuất khẩu cá tra sang thị trường này giảm 10%, đặc biệt giảm mạnh sau khi Mỹ chính thức áp dụng chương trình thanh tra cá da trơn từ 1.8.2017, đồng thời xuất khẩu tôm sang thị trường này cũng giảm 7,5% do thuế chống bán phá giá và giá trung bình nhập giảm.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), kinh tế Nhật Bản có xu hướng phục hồi trong năm 2017, đồng yên tăng giá khiến nhu cầu nhập khẩu tăng, tạo thuận lợi cho xuất của Việt Nam, do vậy xuất khẩu thủy sản sang thị trường này trong năm nay liên tục tăng trưởng 2 con số với tổng doanh số đạt 1,3 tỷ USD, tăng gần 18% so với năm 2016.
Thị trường EU không ổn định với cá tra do tác động của truyền thông bẩn từ đầu năm, bên cạnh đó thẻ vàng IUU đối với hải sản Việt Nam xuất sang thị trường này cũng gây bất ổn cho hải sản Việt Nam trong 2 tháng cuối năm. Tuy nhiên, mặt hàng tôm vẫn tăng trưởng tốt tại thị trường EU với 44% và dự kiến sẽ là sản phẩm bù đắp cho sụt giảm 2 mặt hàng còn lại trong thời gian tới.
Trung Quốc đã vượt Mỹ trong top thị trường nhập cá tra và tôm của Việt Nam. Với mức tăng 37% trong năm 2017 và giá trị nhập khẩu 420 triệu USD, Trung Quốc đang dẫn đầu các thị trường nhập cá tra, và là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 3 sau EU và Nhật Bản với giá trị nhập khẩu tôm 677 trệu USD, tăng trên 60% so với năm 2016. Vasep nhận định Trung Quốc sẽ tiếp tục là thị trường quan trọng và tiềm năng cho doanh nghiệp thủy sản trong thời gian tới, khi xuất khẩu sang EU và Mỹ gặp trở ngại về thuế CBPG và rào cản kỹ thuật.
Năm 2018, mặc dù xuất khẩu sang các thị trường Mỹ và EU sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng bởi chương trình thanh tra cá da trơn, thuế CBPG và thẻ vàng IUU nhưng với kế hoạch tập trung đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu tôm hướng tới mục tiêu 10 tỷ USD năm 2025, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực nhờ sản phẩm tôm và nhờ sự linh hoạt xuất khẩu sang các thị trường lớn khác như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Dự báo xuất khẩu thủy sản năm 2018 sẽ đạt trên 8,5 tỷ USD, tăng khoảng 3% so với năm 2017.
Nguồn Vasep