Xuất khẩu thanh long vào Mỹ tăng 14 lần trong 6 năm
Chiều nay (15/11), Hội thảo xúc tiến Hợp tác đầu tư Phát triển Thị trường Nông sản Việt Nam - Nhật Bản diễn ra với chủ đề "Nông sản Việt Nam với Công nghệ Nhật Bản" diễn ra tại khách sạn New World, TP. HCM.
Ông Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc Trung tâm kiểm dịch sau xuất khẩu II, Cục bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, cho biết, từ năm 2008 đến năm 2013, lượng xuất khẩu thanh long của Việt Nam vào Mỹ tăng 14 lần, từ 100 tấn lên 1.400 tấn, không có lô hàng nào trong suốt 6 năm vi phạm kiểm định thực vật.
Lượng thanh long đi Nhật Bản, Hàn Quốc đến nay cũng đạt 4.900 tấn, trong đó 6 tháng đầu năm đạt 1.000 tấn, tăng 1,5 lần so với 6 tháng đầu năm 2013.
Tháng 9/2014, Việt Nam xuất khẩu thêm 2 loại quả là nhãn và vải vào Mỹ. Cuối năm 2014 hoặc 2015, dự kiến Việt Nam đưa vú sữa và xoài vào Mỹ, đưa thanh long ruột đỏ và xoài vào Nhật Bản.
Ông Đạt cho biết, Việt Nam đang áp dụng công nghệ xử lý hơi nước nóng của Nhật Bản và chiếu xạ của Mỹ trong xuất khẩu trái cây tươi Việt Nam đi các thị trường khó tính.
Giải pháp chiếu xạ của Mỹ được hiểu là dùng bức xạ conban 60 làm hỏng cấu trúc địch hại theo quy chuẩn quy định, khiến sản phẩm không còn khả năng lây lan dịch. Giải pháp hơi nước nóng là sử dụng hơi nước nóng làm tăng nhiệt độ ở trái cây lên 1 thông số nhất định theo quy định của nước nhập khẩu nhưng không làm giảm giá trị chất lượng sản phẩm.
Theo đó, Việt Nam áp dụng giải pháp chiếu xạ xuất khẩu thanh long vào Mỹ năm 2008, Chile năm 2010 và xoài vào New Zealand năm 2011; áp dụng giải pháp hơi nước nóng trên sản phẩm thanh long vào Nhật Bản năm 2009, Hàn Quốc năm 2010 và xoài vào New Zealand năm 2012.
Ưu điểm của việc áp dụng công nghệ, theo ông Đạt là giúp cho lượng xuất khẩu sang thị trường trái cây vào thị trường khó tính còn tăng mạnh trong các năm tiếp theo.
Ông Đạt đánh giá tiềm năng xuất khẩu trái cây tươi của Việt Nam nói chung, miền Nam nói riêng là rất lớn, đặc biệt ở các thị trường khó tính. Trái cây Việt Nam có thể xuất khẩu quanh năm vào các thị trường, cần giữ vững chất lượng, quy hoạch trồng rải vụ 1 số cây trái có tiềm năng xuất khẩu.
Nguồn DVO